H: Hướng nghiệp là gì?
Đ: Hướng nghiệp là các hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp (thị trường lao động) ở cấp độ địa phương và quốc gia. Nhiều người vẫn nhầm tưởng hướng nghiệp chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với mình nhưng thực tế cho thấy, lựa chọn dựa trên sở thích nhất thời, cảm tính hoặc do bị ảnh hưởng bởi trào lưu của xã hội sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy sau này.
====
H: Có phải ai cũng cần tư vấn hướng nghiệp không?
Đ: Không, chỉ những cá nhân gặp khó khăn khi tự hướng nghiệp mới cần gặp Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp. Trong điều kiện bình thường, một cá nhân có thể tự nghiên cứu các bước Hướng nghiệp và tự làm hướng nghiệp cho mình. Sau khi đã tự tìm hiểu, nghiên cứu nhưng vẫn cảm thấy chưa rõ, chưa thể ra quyết định, các cá nhân mới cần tham vấn hướng nghiệp.
====
H: Tôi rất sốt ruột vì con tôi học lớp 12 rồi nhưng vẫn chưa có định hướng nghề nghiệp gì. Vậy tôi bảo cháu gặp chuyên gia tư vấn hướng nghiệp để các cô chú tư vấn cho cháu nhé!
Đ: Hướng nghiệp là một hành trình và nếu có sự đồng thuận của cha mẹ thì đó là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, vì các con đóng vai trò quyết định trong hành trình này, đồng thời đòi hỏi nhiều cam kết và nỗ lực từ các con nên tư vấn chỉ có thể thành công nếu các con thực sự hợp tác. Các chuyên gia tư vấn hầu như sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình nếu các con đến vì miễn cưỡng, vì sự bắt ép của bố mẹ.
====
H: Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp có thể trả lời câu hỏi: Tôi nên học ngành gì/trường gì không?
Đ: Không, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp sẽ chỉ dùng các kiến thức chuyên môn và khoa học của mình để giúp Thân chủ hiểu rõ về bản thân, về các tác nhân có ảnh hưởng, xác định mức độ phù hợp của các ngành nghề đối với Thân chủ ở thời điểm hiện tại., hỗ trợ Thân chủ xây dựng kế hoạch đạt mục tiêu. Từ việc hiểu rõ hơn về mình, Thân chủ sẽ chủ động đưa ra quyết định và các kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu nghề nghiệp như chọn ngành, chọn trường.
====
H: Hướng nghiệp cần thực hiện vào lúc nào?
Đ: Phần lớn mọi người cho rằng Hướng nghiệp là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên chuẩn bị phải chọn ngành, chọn nghề. Không phủ nhận đây là đối tượng chiếm phần lớn các công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, hướng nghiệp còn nhắm tới các đối tượng khác, ở các lứa tuổi khác nữa. Bất cứ lúc nào một cá nhân cảm thấy có khó khăn trong nghề nghiệp, duy trì hoặc thay đổi, họ đều có thể thực hiện việc Hướng nghiệp. Đặc biệt là ở các mốc có khủng hoảng như Khủng hoảng trung niên, Khủng hoảng về hưu, các cá nhân rất cần xem lại con đường nghề nghiệp của mình để có những quyết định phù hợp
====
H: Tư vấn hướng nghiệp mất bao nhiêu lâu?
Đ: Hướng nghiệp là một hành trình và cần thời gian để đi đến mục tiêu cuối cùng. Tùy vào mục tiêu của thân chủ khi đến với tư vấn hướng nghiệp mà việc tư vấn có thể gói gọn trong 1 buổi từ 60-90 phút hoặc kéo dài một vài buổi.
Với các Thân chủ có mục tiêu dài hơi, tư vấn hướng nghiệp sẽ giúp Thân chủ lập kế hoạch thực hiện mục tiêu và đi cùng Thân chủ cho đến thời hạn cuối cùng trong kế hoạch.
Với các Thân chủ đã hiểu mình muốn gì, thế mạnh của mình là gì, việc Hướng nghiệp sẽ diễn ra nhanh chóng và đơn giản hơn. Với các Thân chủ ít trải nghiệm, việc tìm hiểu về bản thân có thể mất thời gian hơn. Thân chủ phải làm nhiều bài tập để hiểu về bản thân. Cá biệt có những trường hợp chuyên gia phải hẹn em quay lại sau 4-6 tháng. Đây là khoảng thời gian để các em tích lũy thêm kinh nghiệm và có cơ hội trải nghiệm thêm để hiểu về bản thân.
====
H: Học sinh nên thực hiện Hướng nghiệp từ lúc nào?
Đ: Công tác hướng nghiệp nên thực hiện càng sớm càng tốt. Bố mẹ và học sinh cùng quan sát các sở trường, thế mạnh của mình từ sớm, từ các hoạt động trong và ngoài nhà trường để hiểu rõ hơn về mình. Tuy nhiên, tham vấn hướng nghiệp với các chuyên gia để xác định ngành nghề sau cấp 3 tốt nhất nên thực hiện vào năm lớp 10. Tại thời điểm này, tâm sinh lý của học sinh đã ổn định, các sở thích cũng hình thành rõ nét hơn, học sinh bắt đầu có thể nghĩ tới việc lập kế hoạch nghề nghiệp cho mình.
====
H: Hình như tôi chọn sai nghề. Giờ tôi phải làm sao?
Đ: Việc hướng nghiệp tại một thời điểm là chọn được nghề nghiệp phù hợp nhất với sở thích và năng lực và hoàn cảnh của cá nhân đó tại thời điểm đó. Theo thời gian, cá nhân có thể phát triển hơn, thay đổi vì các điều kiện khác nhau, thị trường lao động cũng thay đổi nên việc thay đổi nghề trong đời là hoàn toàn bình thường. Theo nghiên cứu của Mỹ và Úc, trung bình một người lao động có thể thay đổi việc làm từ 11-13 lần, chủ yếu tập trung vào giai đoạn từ 24-35 tuổi. Tất nhiên, việc này không hoàn toàn tương ứng với số lần thay đổi nghề nhưng nó cho thấy một thực tế, mỗi cá nhân đều có thể thay đổi rất nhiều trong nghề nghiệp, từ công việc tới ngành nghề. Đặc biệt là với sự phát triển nhanh như hiện nay, có nhiều nghề biến mất và có nhiều nghề mới xuất hiện, việc thay đổi nghề được nhìn nhận là cơ hội, nhiều hơn là thách thức. Hãy bình tĩnh hướng nghiệp lại cho mình để có một ngành nghề, công việc phù hợp.
====
H: Con tôi cứ thích các ngành về nghệ thuật. Tôi cảm thấy không yên tâm về lựa chọn này vì nghệ thuật bay bổng, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và thu nhập bấp bênh. Giờ tôi có nên chiều theo ý con không?
Đ: Đây là một trong những băn khoăn thường thấy ở phụ huynh khi con có các thiên hướng nghệ thuật. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện tại, khả năng nghệ thuật được sử dụng vào các ngành nghề rất linh hoạt chứ không chỉ thuần túy là nghệ thuật trình diễn (vd như hát, múa, chơi nhạc cụ, vẽ tranh…). Có rất nhiều nghề ứng dụng nghệ thuật như: vẽ – thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, đạo diễn hình ảnh cho phim…, hát – giáo viên thanh nhạc, youtuber…, múa: biên đạo múa, giáo viên mầm non….)… Những nghề này đều có tương lai, tuổi nghề và khả năng kiếm tiền giống như các ngành nghề khác. Vậy nên điều đầu tiên, cha mẹ và các con nên tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp để biết các ngành nghề có liên quan tới năng khiếu, sở thích nghệ thuật của con, từ đó lựa chọn ngành nghề phù hợp với con và cha mẹ cũng thấy yên tâm.
====
H: Tôi cảm thấy mình rất thích làm việc đó. Tuy nhiên, nếu theo đuổi công việc đó, gia đình của tôi lại bị ảnh hưởng. Giờ tôi phải làm sao?
Đ: Yếu tố gia đình cũng là một trong các yêu tố quan trọng khi Hướng nghiệp mà Thân chủ cần phải tính tới. Để biết rõ ràng hơn và đi tới quyết định, bạn cần trả lời cho mình một số câu hỏi:
- Bạn thích công việc đó đến mức nào?
- Bạn thích vì lý do gì: nó khiến bạn suy nghĩ quên ăn quên ngủ, hay vì nó dễ kiếm tiền, hay vì bạn nghĩ bạn có thế mạnh, bạn có nhiều bạn bè có thể giúp mình…
- Nếu theo đuổi công việc đó thì khó khăn lớn nhất là gì?
- Bạn tự tin đến mức nào nếu theo đuổi công việc đó? Bạn đã thấy mình đầy đủ công cụ, kỹ năng và sẵn sàng chưa?
- Gia đình bị ảnh hưởng là ảnh hưởng những gì? Liệu có cách nào để khắc phục những trở ngại này không?
Nếu trả lời được hết các câu hỏi này thì tôi tin bạn đã biết bạn phải làm gì rồi. Còn nếu vẫn chưa biết, hãy gặp chuyên gia tư vấn hướng nghiệp. Có thể bạn có những khúc mắc khác và cần sự can thiệp của chuyên gia.
====
H: Tôi thấy con tôi có khả năng nói lưu loát, cãi bố mẹ rất giỏi. Ngành Luật vừa có thu nhập cao, vừa ổn định, vừa có vị trí trong xã hội. Tôi có nên hướng cho cháu thi vào trường Luật không?
Đ: Đây là một trong những câu hỏi thường gặp, khá tiêu biểu cho sai lầm trong hướng nghiệp. Đó là nối thẳng từ năng lực chưa kiểm chứng sang nghề nghiệp mà không cân đối hết các yếu tố. Việc quan sát được năng lực của con là một điều đáng quý. Tuy nhiên, để xác định một ngành nghề theo đuổi, con cần phải là người tự mình xác định thêm các yếu tố khác như:
- Tôi có thực sự có khả năng này không?
- Nếu có khả năng này nhưng tôi có yêu thích công việc làm Luật sư không?
- Tôi đã hiểu rõ về ngành Luật chưa? Có những nghề nghiệp nào trong ngành Luật?
- Ngoài năng lực về ăn nói, về logic, ngành Luật còn đòi hỏi thêm các năng lực nào khác? Tôi có những năng lực này không?
- Nếu tôi muốn theo đuổi ngành Luật, tôi sẽ phải trau dồi thêm những kỹ năng nào?
Vậy nên việc Hướng nghiệp là tự thân các con phải thực hiện để đảm bảo sự lựa chọn là phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân, chứ không chỉ thuần túy dự trên một vài quan sát về các năng lực đơn lẻ.
====
H: Tôi thấy con tôi/tôi chả có sở thích gì đặc biệt. Bây giờ làm như thế nào để tự Hướng nghiệp?
Đ: Hãy nghĩ lại khi bạn/con bạn là một đứa trẻ. Bạn/con bạn hồn nhiên, thích rất nhiều thứ. Vậy tại sao đến giờ lại không có sở thích gì? Có thể những trải nghiệm trong cuộc sống đã khiến bạn thui chột, mất đi niềm tin vào bản thân mình hoặc vì các hoàn cảnh, điều kiện khác nhau mà bạn phải đè nén những niềm yêu thích của mình. Vậy, hãy cho mình một thời gian tĩnh lặng để nghĩ về sở thích của mình nhé! Nếu bạn là Phụ huynh, hãy nghĩ cách giúp con khơi gợi lại những sở thích, ước mơ từ hồi bé.
====
H: Tôi thấy tôi có rất nhiều sở thích. Tôi nên chọn cái gì để đi theo và Hướng nghiệp cho mình?
Đ: Chúc mừng bạn vì bạn đã có nhiều lựa chọn trong cuộc sống. Tuy nhiên, do thời gian trong 1 ngày chỉ có hạn nên rất tiếc, tại một thời điểm, bạn hãy cân nhắc chọn ra một thứ bạn muốn làm nhất và phù hợp nhất với hoàn cảnh hiện tại. Sau một thời gian, khi hoàn cảnh, con người thay đổi, bạn hoàn toàn có quyền xem lại và chuyển sang thực hiện những ước mơ với sở thích khác. Đây cũng là trường hợp chúng tôi thường gặp nhất khi làm tư vấn hướng nghiệp. Các chuyên gia sẽ cùng bạn điểm lại các yếu tố quan trọng trong cuộc sống, giúp bạn ra quyết định dễ dàng hơn.
====
H: Tôi năm nay đã 40 tuổi, tôi cảm thấy chán công việc hiện tại vì cảm thấy nó không còn phù hợp. Liệu tôi có thể thay đổi nghề nghiệp ở độ tuổi này?
Đ: Trước tiên, bạn cần tìm hiểu xem điều gì khiến bạn nghĩ công việc hiện tại không còn phù hợp. Nó là nguyên nhân nhất thời hay là bản chất thực sự không còn phù hợp. Một khi bạn xác nhận nó không phù hợp với bạn ở thời điểm này nữa, cho dù nó đã từng tỏa sáng như thế nào, hãy bắt đầu Hướng nghiệp lại. Không có giới hạn nào về tuổi cho một người muốn thay đổi nghề. Giới hạn duy nhất cản trở việc này, đó là những suy nghĩ của chính bản thân ban. Ngay cả khi về hưu, khi bạn đã hoàn thành xong nghĩa vụ cống hiến với nhà nước/xã hội, bạn vẫn có thể thay đổi công việc. Bắt đầu một công việc mới tận dụng các kỹ năng bạn đã có trong suốt thời gian đi làm, lại thỏa mãn niềm yêu thích mà bạn chưa có điều kiện được khám phá trong hành trình đi làm trước đó, đồng thời có giá trị có cộng đồng hẳn là một việc rất nên làm vì nó có lợi cho nhiều bên.
====
H: Hiện tại tôi đang băn khoăn không biết có nên tham vấn chuyên gia về việc Hướng nghiệp hay không? Tôi vẫn thường xuyên tham gia các buổi Hội thảo về Hướng nghiệp nhưng tôi thấy những kiến thức đó rất khó áp dụng vào trường hợp của tôi. Vậy tôi nên gặp chuyên gia Tư vấn hướng nghiệp hay nên gặp chuyên gia Khai vấn để giải quyết vấn đề nghề nghiệp của mình?
Đ: Hiện tại, có rất nhiều hình thức dịch vụ nhằm hỗ trợ sự phát triển của các cá nhân. Với người còn ít kiến thức về một lĩnh vực, việc tham gia Hội thảo hay khóa đào tạo là cần thiết để có một nền tảng hiểu biết nhất định. Sau đó, các cá nhân tùy vào mục đích, kết quả mong muốn có thể tiếp cận với các loại hình dịch vụ khác nhau. Tư vấn sẽ phù hợp với các đối tượng ít trải nghiệm và kiến thức nhưng cần giải pháp ngay. Khai vấn sẽ phù hợp với các đối tượng đã có trải nghiệm tương và kiến thức tương đối, tự đưa được ra các giải pháp cho mình nhưng còn phân vân chưa biết đâu là lựa chọn tốt nhất. Bạn có thể đọc ở đây để hiểu thêm về các loại hình dịch vụ để quyết định lựa chọn cho hợp lý, hiệu quả.
Nếu bạn có câu hỏi nào khác, hãy để lại ở phần comment nhé, tôi sẽ tiếp tục trả lời.