Nếu bạn ở độ tuổi ngoài 30, khi đã có một gia đình đề huề, hẳn là bạn rất ngại thay đổi công việc, cho dù bạn rất chán nó đúng không? Hãy yên tâm vì bạn không phải là ngoại lệ.
Mỗi một giai đoạn cuộc đời, chúng ta đều phải đóng những vai trò khác nhau trong xã hội và những vai trò đó chi phối cuộc sống của mỗi người tại thời điểm đó. Độ tuổi 30 là độ tuổi sung sức nhất về sức khỏe và trí lực nhưng đồng thời chúng ta phải gồng gánh nhiều trách nhiệm nhất trong cuộc đời:
- Là một người con hạnh phúc, thành công để bố mẹ yên tâm
- Là một người cha/mẹ tận tụy chăm sóc con cái
- Là một người nhân viên/sếp tốt trong công việc vì đã có thâm niên
- Là một người anh/chị vững vàng để em út dựa vào và noi gương
- Và vì thế, chúng ta đôi khi quên mất bản thân mình cần được nâng niu, chăm sóc, quan tâm như thế nào
Đó là lý do các bạn có thể chán nản về công việc của chính mình nhưng quá nhiều trách nhiệm ràng buộc đã làm cho các bạn thấy mệt mỏi, ngại ngùng khi nghĩ đến sự thay đổi. Các bạn sợ thay đổi của mình sẽ làm cho tình trạng “trông có vẻ” ổn của mình bị ảnh hưởng, sợ những người xung quanh bị ảnh hưởng và sợ lại phải gánh vác thêm những trách nhiệm mới phát sinh do sự thay đổi.
Nhưng hãy nhớ rằng, bạn chỉ có thể hạnh phúc và lan tỏa hạnh phúc nếu bản thân bạn thấy vui vẻ, hạnh phúc, thoải mái. Đừng chỉ vì những nỗi sợ mà lùi bước. Nếu thực sự thấy công việc không còn phù hợp, hãy bắt tay vào thay đổi nó. Hãy đánh tan những nỗi sợ mơ hồ bằng những kế hoạch thật cụ thể.
Trước tiên, hãy lấy sự đồng tình từ người bạn đời. Anh ấy/cô ấy sẽ là chỗ dựa và là nguồn động viên tinh thần lớn nhất, giúp bạn yên tâm đi trên con đường mới này. Còn nếu không, bạn sẽ gặp thêm một chút khó khăn. Nhưng cũng đừng vội nản mà hãy lập kế hoạch nghề nghiệp bằng cách đặt cho mình những câu hỏi rất cụ thể và trả lời nó:
- Bản thân: thế mạnh, điểm yếu của mình là gì? Nghề nào có thể thích hợp với mình? Nếu muốn thay đổi mình phải học thêm những điều gì? Sẽ học ở đâu? Mình sẽ bố trí thời gian như thế nào? Mình đã có kết nối gì sẵn với nghề nghiệp này chưa? Nếu rồi thì mình tận dụng những mối liên hệ này như thế nào? Nếu chưa, mình sẽ xây dựng và tìm các điểm kết nối như thế nào? Ai sẽ là người có thể giúp mình, chỉ bảo và hướng dẫn mình đi trên con đường này?
- Thị trường lao động: công việc mình thích được những tổ chức nào tuyển dụng? Mức lương mới so với mức lương cũ thế nào? Thay đổi lương có ảnh hưởng gì đến tài chính của gia đình hay không và ảnh hưởng trong bao lâu? Công việc đó đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức, chứng chỉ nào? Cần bao nhiêu lâu để có chúng?
- Nhân tố khác: Gia đình bạn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu bạn thay đổi công việc? Có tốt hơn không? Nếu không tốt bằng thì bạn khắc phục như thế nào?
1 ngày vốn dĩ có 24h nhưng khi bạn có kế hoạch cụ thể, nó sẽ biến thành 48h vì bạn trở nên năng suất và hiệu quả hơn trong mọi việc. Nếu bạn quyết tâm thay đổi vào theo đuổi ước mơ, bạn sẽ thấy con đường đi phía trước trở nên rõ ràng, bạn có nhiều việc để làm và bạn sẽ làm được nhiều hơn bạn nghĩ. Bạn chắc chắn sẽ hài lòng khi mỗi ngày lại thấy mình sống có ý nghĩa hơn và gần với mục tiêu hơn.
Một buổi tối bình thường, khi bạn không có động lực và mục đích, bạn sẽ có thể dành 1-2 tiếng la cà trên Facebook hoặc xem TV, xem những người khác sống và thực hiện ước mơ của họ. Nhưng khi có động lực, bạn bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình, 1-2 tiếng đó sẽ là của bạn và sẽ dẫn bạn đến gần hơn với ước mơ. 30 tuổi, bạn có thể phải đi chặng dài hơn để đến với ước mơ so với những người trẻ nhưng đó không phải là vấn đề.
Ngay cả khi gặp những khó khăn, cản trở, có thể con đường đến ước mơ ban đầu không trọn vẹn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, 1-2 tiếng mỗi ngày dành để trau dồi và phát triển bản thân sẽ lại mang đến cho bạn những cơ hội bất ngờ khác.
Nếu muốn thay đổi, hãy bắt đầu hành động ngay! Đừng tưởng tượng nhiều và đừng ngại ngần! Nguồn lực hỗ trợ luôn sẵn sàng ở khắp nơi, chỉ chờ bạn khai mở và khám phá. Cơ hội cũng chỉ đến với những người luôn đi tìm nó thôi.
Chúc các bạn có dũng khí bắt đầu sự thay đổi, bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ.