Nhân xem một bộ phim truyền hình về chủ đề gia đình, tôi muốn chia sẻ nỗi lòng với các bậc cha mẹ cũng như những đứa con có tố chất nghệ thuật.
Câu chuyện trong phim có thể gặp rất thường xuyên ở ngoài cuộc sống. Đó là trong khi con cái có thiên hướng nghệ thuật rất mê mải “đi bắt con nghệ thuật” thì bố mẹ vô cùng lo ngại và tìm mọi cách lôi con ra khỏi những thú vui, đam mê có khả năng làm nó “chết đói” vì nghèo.
Nghe cứ tưởng như tư duy của thời ông bà, bố mẹ tôi nhưng thực ra, tôi đã nhận được không ít lời than phiền của bạn bè mình khi rơi vào trường hợp tương tự. Tất nhiên họ không thể cấm đoán cực đoan hay thô bạo như xưa, nhưng trong lòng vẫn luôn ôm mối lo về tương lai “nghèo khó, bấp bênh” của con.
Khi tôi hỏi các bạn ấy rằng vì sao lại có nỗi lo đó, phần đông trả lời rằng: “Nghệ sĩ phải giỏi cơ, mấy ai sống được bằng việc bán tranh” hoặc “Vạn người mới có người như Mỹ Linh hay Đàm Vĩnh Hưng”. Họ sợ nếu con mình làng nhàng thì lại “dở ông dở thằng”, “nghệ sĩ nửa mùa”, “chả nghề ngỗng gì”, “ra thẩn vào thơ”, “thu nhập thấp”…
Đây thực sự là một sự ngộ nhận rất lớn do thiếu kiến thức về thị trường lao đông của nhóm nghề 𝑵𝒈𝒉𝒆̣̂ 𝒕𝒉𝒖𝒂̣̂𝒕. Hầu như các bậc phụ huynh đều có xu hướng nghĩ rằng cứ có giọng hát là phải thành Ca sĩ, cứ có năng khiếu hội họa là phải thành Họa sĩ mà không biết rằng thị trường lao động hiện nay đã biến đổi rất nhiều và có nhiều ngành nghề mới ra đời, ứng dụng khả năng ca hát, hội họa, thẩm mỹ. Ví dụ như: thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, sân vườn, đồ họa, đạo diễn hình ảnh, âm thanh…
Những nghề nghiệp mới này, bên cạnh tính sáng tạo nghệ thuật còn đòi hỏi thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng khác và cần phải học hỏi, rèn luyện chứ không chỉ dựa vào năng khiếu bẩm sinh. Đồng thời, nó cũng có thị trường riêng để đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Mức lương cho các ngành nghề trong khối này cũng trải dài tương tự như các ngành nghề khác. Tuy nhiên, có thể vì nó mới mẻ nên các Phụ huynh chưa từng trải nghiệm hoặc ít bạn bè đồng trang lứa để tham khảo khiến nỗi sợ ấy cứ đeo bám mãi, làm cho Phụ huynh rất khó ủng hộ và đồng hành với các con.
Phía các con, phần đông khi có chất nghệ thì tính nổi loạn cũng lớn hơn, ghét sự gò bó, không có tính kế hoạch. Vậy nên lại càng làm cho bố mẹ cảm thấy bất an hơn vì không biết con sẽ phát triển theo chiều hướng nào. Xét ở khía cạnh này, tôi hoàn toàn thông cảm và chia sẻ nỗi lòng của bố mẹ.
Với các bạn trẻ, tôi cũng thấu hiểu những day dứt của họ. Có những bạn trẻ, nhất là con gái thường sẽ gần gũi, thân thiết và thương bố mẹ hơn nên có thể sẽ gạt mong muốn cá nhân sang một bên và chấp nhận sự định hướng của bố mẹ, chọn những ngành nghề trông có vẻ an toàn hơn. Tuy nhiên, trong thẳm sâu tâm can, tôi biết cái chất nghệ nó luôn vẫy vùng trong đó, chỉ chực có cơ hội là thể hiện, là bung lụa. Các con có chất nghệ cũng là người đề cao đời sống tinh thần hơn những niềm vui về vật chật. Vậy nên những mối lo lắng về tương lai “nghèo khó” của bố mẹ nhiều khi cũng không chạm được vào trái tim của các bạn ấy.
Vậy lối đi nào cho những gia đình này?
Tôi khuyến khích các bố mẹ nên tạo điều kiện cho các con trải nghiệm càng nhiều càng tốt trong lĩnh vực mà con thấy yêu thích. Việc trải nghiệm này sẽ cho con tự nhận ra sở thích và khả năng của mình với nghệ thuật đến mức nào, liệu có đủ để phát triển thành nghề nghiệp không hay chỉ giữ nó là nghề tay trái, là thú vui cuối tuần? Nếu phát triển thì phát triển theo hướng nào, ngách nào?
Các bố mẹ cũng hãy dành thời gian cùng con tìm hiểu về các ngành nghề nghệ thuật mà con có thể đi theo. Bằng mạng lưới quan hệ rộng rãi của mình, các bố mẹ cũng có thể kết nối hoặc cho con gặp gỡ những người trong nghề để học hỏi, tham khảo và có những cái nhìn đa chiều về nghề nghiệp. Từ đó, các con có thể tự đánh giá bản thân và thị trường lao động để chọn con đường đi thực sự thích hợp cho mình.
Càng tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi càng thấy các bạn ấy thật giỏi giang, hơn hẳn tuổi 18-20 gà mờ của mình ngày trước và nhiều cái cũng giỏi hơn cả tuổi bốn mấy của tôi bây giờ. Vậy nên nếu nhận được sự đồng hành và ủng hộ trên con đường xác định nghề nghiệp, tôi tin những đứa con chất nghệ sẽ mạnh dạn, tự tin chọn được nghề phù hợp với đầy đủ bằng chứng thuyết phục để bố mẹ yên tâm, cả nhà cùng vui.
Hãy tin ở các con, bố mẹ nhé!
ThanhBình