Một thân chủ đến với tôi khi cô ấy có quá nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Cô ấy rất khổ sở vì trong khi bản thân không biết quyết định như thế nào vì cảm thấy lựa chọn nào cũng hay, nhưng lựa chọn nào cũng rủi ro. Ấy vậy nhưng người ở ngoài lại nhìn cô ấy như một người tham lam, cái gì cũng muốn ôm vào mà không chịu bỏ cái nào. Cô ấy băn khoăn vì không biết mình đang đúng hay người ta đang đúng? Nếu mình sai thì sai ở đâu?
Sau 90 phút trò chuyện, bằng các câu hỏi gợi mở và không phán xét để thân chủ có thể giãi bày hết tâm tư, cả tôi và cô ấy đều nhận ra nguyên nhân của sự khó khăn khi ra quyết định của cô ấy. Đó là nỗi sợ hãi chứ không phải sự tham lam. Cô ấy đã vì quá sợ hãi sự rủi ro của mỗi lựa chọn mà loay hoay với các lựa chọn. Cô ấy đã tin rằng, việc duy trì nhiều thứ một lúc để có thể cái nọ hỗ trợ cho cái kia khi rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, cô ấy không thể còn có thời gian và tâm trí đánh giá lại xem thực sự những rủi ro đó, cái gì giải quyết được và cái gì không giải quyết được để đưa ra quyết định lựa chọn cái nào.
Thực ra tình trạng này cũng không phải là hiếm và sách vở cũng có đề cập tới qua khái niệm FOMO – Fear Of Missing Out – Sợ bỏ lỡ. Thậm chí người ta còn cho rằng ai cũng có thể mắc hội chứng FOMO, chỉ là ở các mức độ khác nhau. Những người mắc hội chứng này luôn sợ bỏ lỡ điều này điều kia, nhất là những điều tốt đẹp. Vậy nên họ tốn khá nhiều nguồn lực để mình không bị bỏ lỡ thứ gì trong cuộc sống. Với những thứ nho nhỏ như sợ lỡ mất 1 buổi xem ca nhạc, hay mua một chiếc áo đẹp hay lỡ một cuộc vui với bạn bè, họ có thể không tốn nhiều lắm năng lượng mà có khi chỉ tốn chút tiền. Tuy nhiên, với những mục tiêu dài hạn, cần có nhiều nỗ lực để KHÔNG BỎ LỠ, những người này sẽ tốn năng lượng hơn nhiều và họ bắt đầu mắc kẹt khi nguồn lực có hạn. Họ cảm thấy quá mệt mỏi nếu phải theo đuổi tất cả các mục tiêu nhưng lại loay hoay không tìm được lý do để từ bỏ. Thử nhiều thứ để biết cái gì phù hợp là điều rất tốt. Nhưng sau một thời gian, họ cần phải đánh giá lại để lựa chọn. Khi đã thấy quá mệt hoặc mắc kẹt là hơi muộn để đánh giá. Tuy nhiên, muộn vẫn hơn không.
Quay trở lại với thân chủ trên, tôi đã giúp cô ấy từng bước nhìn nhận lại các lựa chọn nghề nghiệp của mình. Cô ấy đã thấy được đâu là thứ thực sự sẽ gần nhất với công việc trong mơ của mình. Những rủi ro trong công việc gần với ước mơ nhất liệu có giải quyết được không? Nếu giải quyết thì cần những hành động gì? Nếu không giải quyết được thì chuyển sang phương án tiếp theo. Tương tự, ta cũng xét xem về những nỗi lo sợ của cô ấy, liệu có cách nào giải quyết không?
Việc sắp xếp thứ tự công việc ưu tiên và tập trung nguồn lực vào những việc quan trọng, có giá trị là điều rất quan trọng. Tuy lý thuyết này ai cũng biết nhưng để làm nó thì cần có sự tỉnh táo liên tục. Với những người đã quen và mắc hội chứng FOMO lâu, điều tốt nhất là họ nên gặp một người Coach. Người Coach ấy sẽ giúp họ nhìn lại bức tranh toàn cảnh, sắp xếp những việc cần ưu tiên và quan trọng hơn, kèm cặp từng bước hành động để thân chủ dần bước ra khỏi nỗi sợ hãi.
Tất nhiên, 90 phút dành cho thân chủ mới chỉ là đoạn đường đầu nhưng cô ấy đã rất hài lòng và thấy nhẹ nhõm hơn. Buổi này giúp cô ấy hiểu ra vấn đề ưu tiên của mình và mang đến niềm tin rằng những nỗi sợ hãi kia không quá khủng khiếp như cô ấy tưởng. Chúng tôi sẽ còn đi tiếp với nhau để đảm bảo rằng, thân chủ thực hiện các hành động nhằm đánh tan nỗi sợ hãi và tự tin, thoải mái với quyết định của mình.
Vậy nên nếu bạn nghĩ bạn cũng đang gặp vấn đề tương tự, đừng ngại đặt hẹn gặp Coach nhé!