Hẳn là các bạn cũng không còn thấy lạ khi nghe thấy nhiều người nói “Nghề chọn tôi chứ tôi có chọn nghề đâu”. Điều này nghĩa là như thế nào? Ai sẽ được nghề chọn và ai phải đi chọn nghề? Liệu được chọn có tốt hơn phải đi chọn không?
Việc nghề chọn người là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, nói cho đúng là nghề “kén” người chứ không phải chọn bất kỳ. Trừ một số trường hợp hi hữu, do vô tình mà một người được đẩy vào nghề trong khi hoàn toàn không hề biết gì về nó hay chưa hề có kỹ năng gì để làm nó. Còn lại phần lớn, họ được chọn vì những lý do nhất định. Ngay cả khi được chọn vì vô tình, người ấy cũng phải có “cái gì đó” để ở lại và đến một ngày có thể nói “nghề chọn tôi”.
Lý do mà một người được chọn vào nghề chính là sở hữu một, hai hoặc tất cả yếu tố quan trọng tạo nên năng lực hành nghề: kỹ năng, thái độ và kiến thức phù hợp với ngành nghề đó. Ví dụ, một người làm nghề Nhân sự nhưng đã tổ chức một hội thảo nội bộ rất thành công. Người ấy chắc chắn đã tự mở ra cho mình các cơ hội được nhận biết bởi khả năng tổ chức, lãnh đạo nhóm, khả năng quán xuyến hoặc quản lý dự án tốt. Có thể trước đây, họ không hề có ý thức rằng những năng lực mình đang có phù hợp với ngành nghề khác mà chỉ đơn giản là liên tục trau dồi nó, làm tốt từng việc nhỏ và từ đó biến những kỹ năng ấy thành tài sản của riêng mình. Cho đến một ngày, những người trong nghề Tổ chức sự kiện do tình cờ nhìn ra những “viên ngọc trong đá” mà thu nạp người ấy vào nghề này. Nếu vào đúng nghề, được mài dũa và nhúng vào môi trường thích hợp, những viên ngọc ấy sẽ ngày càng tỏa sáng hơn.
Vậy làm thế nào để tôi có thể tích lũy được những viên ngọc, tạo thành tài sản cho riêng mình?
Xuất phát từ thế chủ động, bạn hãy khám phá bản thân và chọn cho mình những ngành nghề phù hợp nhất với sở thích và khả năng của mình tại một thời điểm nhất định. Với các bạn trẻ, đó là lúc các bạn chọn ngành để thi vào Đại học, cao đẳng hoặc một công việc để làm. Hãy luôn nhớ mô hình 70-20-10 để xông pha, trải nghiệm và rèn dũa, nâng cao năng lực hành nghề của mình trong việc học tập và công tác trong ngành nghề đó. Nếu đây chính là nghề phù hợp với bạn, điều đó quá tuyệt vời vì bạn đã chọn được con đường ngắn nhất để thành công. Việc yêu thích và khả năng làm tốt công việc, cộng thêm với sự chăm chỉ và bền chí chắc chắn sẽ khiến bạn trở thành viên ngọc sáng trong nghề.
Còn nếu sau một thời gian, bạn thấy hình như mình không hợp với nghề này thì sao? Không sao cả vì điều đó hoàn toàn bình thường. Bạn thay đổi và thế giới thay đổi, tại sao ngành nghề phù hợp của bạn lại không thể thay đổi? Khi bạn thực sự đã luôn cố gắng rèn dũa và tích lũy những viên ngọc năng lực cho mình, chắc chắn viên ngọc ấy sẽ lấp lánh khiến cho người khác nhìn thấy để mang lại cơ hội cho bạn. Ngược lại, khi bạn không tự tích lũy những tài sản năng lực cho mình, liệu nghề sẽ chọn bạn vì điều gì?
Năng lực hành nghề gồm có 2 phần quan trọng là Thái độ và kỹ năng. Hai phần này không chỉ dùng cho một ngành nghề nhất định mà có thể dùng trong nhiều ngành khác nhau. Điều đó có nghĩa là những viên ngọc bạn đã tích lũy có thể được sử dụng rộng rãi chứ không khiến bạn phải gắn bó mãi với một ngành nghề. Ví dụ bạn làm nghề Sales, kỹ năng thuyết trình lưu loát, khả năng lắng nghe, kỹ năng đàm phán và giải quyết vấn đề linh hoạt chính là những viên ngọc quý. Bạn có thể lại một lần nữa chủ động mang nó đi để tìm cho mình một nghề thích hợp. Hoặc biết đâu đó, ngay khi bạn cọ xát và vùng vẫy trong công việc hiện tại, ánh sáng lung linh của những viên ngọc ấy đã thu hút ánh mắt của những người trong nghề khác – một nghề thực sự dành cho bạn. Và lúc ấy, chính là “nghề chọn bạn” rồi đó.
Tựu chung lại, Nghề chọn người hay Người chọn nghề, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng hơn là bạn cần phải luôn luôn trau dồi bản thân, phát triển năng lực làm việc để bạn luôn sống tốt với nghề.
Chúc các bạn luôn là những “khối ngọc quý” trong thế giới nghề nghiệp muôn màu!