Một hôm, tôi nhận được lời nhờ vả giúp đỡ một em học sinh lớp 12 chọn trường. Tôi thong thả đưa link cho em đặt lịch hẹn tư vấn nhưng người nhờ thì bảo gấp lắm rồi, mai phải chốt trường mà lịch của cô thì phải cuối tuần mới có buổi, cô giúp cháu luôn đi. Tôi giật mình hoảng hốt vì hóa ra em ấy đã thi xong có kết quả rồi, giờ còn giúp được gì nữa. Nhưng vì nể tình thân quen, lại nghe nói bố mẹ con rất rối, không biết giúp như thế nào nên tôi nhận lời. Đồng thời cũng không quên nhắn là cũng đừng mong đợi gì nhiều vì thời gian quá gấp gáp, trong khi đó công tác hướng nghiệp bao giờ cũng cần thời gian.
Sau khi nhận lời, tôi tranh thủ dành chút thời gian nghỉ trưa để gặp gỡ bạn trẻ, hỏi xem điều gì làm cháu gấp gáp và gia đình bấn loạn đến vậy. Khi biết được băn khoăn của con, tôi thở phào nhẹ nhõm vì hóa ra, vấn đề trước mắt của con không đến mức như tôi tưởng. Chỉ với 30 phút trò chuyện, cô bé đã hoàn toàn yên tâm và thoải mái với lựa chọn của mình, khác hẳn tâm trạng lo lắng, áp lực trước khi bước vào buổi hẹn. Đồng thời, con cũng đã gạch ra được 3 đầu mục lớn những việc cần làm trong 4 năm học tới để có nhiều cơ hội kiếm việc làm hơn.
Câu chuyện của con thế này: Con đỗ trường X (một trường tư thục được đánh giá chất lượng ở mức trung bình) thì ra trường cái bằng này có vẻ không giá trị lắm. Nhiều người bảo là hay con chọn các chương trình liên kết quốc tế cho oai. Con đã tìm hiểu rồi thì chương trình quốc tế cũng có vấn đề của nó và con vẫn muốn chọn trường này. Băn khoăn của cả con và bố mẹ lúc này là: con nao núng quá, con sợ ra trường con không xin được việc vì cái bằng trường này bèo, không bằng trường A trường B… Theo cô con nên làm như thế nào?
Đây là câu hỏi không hiếm gặp khi tôi thực hiện tư vấn 1-1. Và không chỉ các con lo lắng mà các bố mẹ cũng rất thường hay đặt ra câu hỏi này. Bài viết này sẽ chia sẻ câu trả lời cho băn khoăn về khả năng kiếm việc hay mối liên quan giữa ngành học tại Đại học và khả năng được tuyển dụng.
Trước tiên phải nói rằng, nếu sinh viên cầm tấm bằng đi xin việc có chuyên ngành giống nghề đăng tuyển, hoặc bằng do một trường Đại học danh tiếng cấp, cơ hội được vào vòng trong sẽ tốt hơn. Hay nói cách khác là dễ vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ hơn. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định mà các doanh nghiệp sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố khác để đánh giá ứng viên. Một trong những mô hình quen thuộc với bộ phận tuyển dụng của nhiều công ty, đó là ASK, viết tắt của các từ Attitude – Skills – Knowledge.
- A – Attitude – Thái độ: các ứng viên sẽ được đánh giá về mặt thái độ làm việc, thái độ tương tác với đồng nghiệp, với sếp. Một thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp (đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng hạn, hoàn thành công việc với chất lượng đạt yêu cầu trở lên), tinh thần làm việc nhóm tốt, hỗ trợ đồng nghiệp nhiệt tình, thái độ ham học hỏi, lắng nghe để hoàn thiện nghiệp vụ…sẽ là những điểm cộng khi đi xin việc
- S – Skills – Kỹ năng: Thành thạo các kỹ năng thiết yếu (ví dụ như kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng Tin học văn phòng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý bản thân, quản lý công việc…) và các kỹ năng chuyên môn (ví dụ như kỹ năng Thuyết trình cho nghề giáo viên, kỹ năng Đàm phán cho nghề Bán hàng, kỹ năng Vẽ cho nghề Kiến trúc…) sẽ là các yếu tố quan trọng giành thêm điểm cho ứng viên
- K – Knowlege – Kiến thức: đây mới là yếu tố có liên quan tới bằng cấp mà các bạn học sinh, sinh viên hoặc bố mẹ hay quan tâm. Tuy nhiên, bằng cấp các bạn đang có – thể hiện bạn có kiến thức chuyên về một ngành nào đó cũng chỉ là một phần của yếu tố này. Yếu tố Kiến thức đề cập ở đây bao gồm cả kiến thức học trong trường Đại học và các kiến thức xã hội khác có liên quan khiến cho một nhân viên có thể làm việc tốt hơn. Ví dụ, bên cạnh bằng tốt nghiệp chuyên ngành Ngân hàng, các bạn cũng cần có các kiến thức thực tế về việc Ngân hàng có mối tương quan như thế nào trong nền kinh tế, các ngành nghề có quan hệ trực tiếp với ngành Ngân hàng là gì…
Câu hỏi thường được đặt ra tiếp theo là: vậy các cháu mới ra trường thì làm sao thể hiện được những năng lực ASK? Thực tế, những năng lực này có thể được thể hiện trong quá trình phỏng vấn hoặc thông qua lời giới thiệu từ những người có uy tín. Một sinh viên nghiêm túc sẽ có 1 bản CV được chuẩn bị cẩn thận, trau chuốt, kỹ lưỡng. Bạn này cũng sẽ thể hiện thái độ chuyên nghiệp của mình thông qua việc đến buổi phỏng vấn với trang phục phù hợp, đúng giờ với đầy đủ các tài liệu được nhà tuyển dụng yêu cầu. Bạn ấy cũng sẽ “khoe” được kỹ năng giao tiếp, kiến thức chuyên ngành và xã hội thông qua buổi phỏng vấn… Nếu trước đó, khi tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các dự án làm thêm trong quá trình đi học, các bạn trẻ cũng hoàn toàn có thể chứng minh được các năng lực ASK với những người cùng làm việc và nhờ đó, có được những lời giới thiệu việc làm phù hợp với các thế mạnh hoặc năng lực nổi trội.
Như vậy, có thể thấy rõ ràng, bằng cấp chuyên ngành chỉ là một yếu tố được xem xét trong quá trình tuyển dụng. Trong khi đó, các yếu tố còn lại chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong quyết định tuyển dụng của doanh nghiệp lại đến từ những thứ đòi hỏi sự trau dồi của các bạn trẻ bên ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, điều vui mừng và may mắn cho các bạn trẻ là Thái độ hay Kỹ năng hay Kiến thức xã hội hoàn toàn có thể được xây dựng ngay từ bất cứ lúc nào các bạn nghĩ về cơ hội nghề nghiệp tương lai. Các bạn không cần phải chờ đợi nó tới tận 4 năm mới lấy được như lấy một tấm bằng Đại học. Bạn có thể bắt đầu rèn luyện và xây dựng thái độ chuyên nghiệp ngay từ những việc học tập hoặc làm dự án ngoại khóa cùng các bạn hoặc làm thêm. Bạn cũng có thể học và trau dồi các kỹ năng về tin học, thuyết trình… ngay từ khi đang đi học cấp 3. Bạn cũng có thể tích lũy kiến thức xã hội thông qua việc đọc sách báo, nghe thời sự, xem/nghe các chuyên mục ưa thích ngay từ ngày hôm nay và ngạc nhiên chưa, đến khi tốt nghiệp Đại học, bạn đã có kha khá vốn trong tay để “chém” với nhà tuyển dụng rồi.
Vậy đó, hãy bắt tay vào xây dựng hình mẫu “TÔI” trong nghề nghiệp bất cứ lúc nào, càng sớm càng tốt. Mọi năng lực đều sẽ chỉ được thể hiện khi bạn hành động nên cũng đừng ngại lăn xả, làm việc và học hỏi mỗi ngày để tỏa sáng nhé. Hãy tin rằng, ai cũng sẽ nhận ra năng lực của bạn nếu bạn thể hiện nó. Và mỗi người nhận ra đều sẽ là một sứ giả mang việc làm tới cho bạn, bằng cách này hoặc cách khác.
Cơ hội việc làm chính là ở bạn và những người bạn làm việc cùng. Ngành nghề bạn học sẽ làm cho cơ hội đến nhanh hơn. Vậy nên đừng quá lo lắng về trường, về ngành học khi bạn không có nhiều lựa chọn nhé!