Tôi chắc các bà mẹ có con tuổi teen khi ngồi với nhau thì chủ đề về mâu thuẫn với con cái là một trong những chủ đề phổ biến nhất. Chỉ có một số ít bà mẹ hoặc là may mắn hoặc là do đã nhanh chóng thay đổi bản thân để thích nghi với sự khủng hoảng của con không gặp vấn đề gì quá to tát. Còn phần đông sẽ hỉ hả chia sẻ với nhau, nửa buồn cười, nửa lo lắng về những ẩm ương của lứa tuổi này khiến không chỉ mình mà có thể là cả nhà phát điên.
Những thứ điển hình có thể khiến các bà mẹ rất bực mình sẽ kiểu như:
- Eo, con gái lớn tướng rồi mà siêu bẩn, mẹ vẫn phải giục đi tắm
- Phòng ốc bừa bãi, ngổn ngang
- Học chả học, đi ra đi vào ngắm vuốt suốt ngày
- Mẹ chưa nói xong đã cãi xong
- Chơi điện tử và chat chit với bạn bè suốt ngày
- Chuyện nhỏ mà cáu nhặng lên hoặc gây sự với mọi người
- Kêu ca về việc gì nhưng bố mẹ chỉ cách giải quyết thì không làm theo
Nếu thuần túy chỉ nhìn vào một đứa trẻ, bố mẹ sẽ thấy đáng lo ngại thật vì rõ ràng những điều này cứ như dự báo một tương lai không mấy sáng sủa cho đứa trẻ. Tuy nhiên, các bố mẹ hãy nhớ: các con đang ở độ tuổi Teen – một độ tuổi mà tâm sinh lý biến đổi vô cùng mạnh mẽ khiến cho con sẽ có cách hành xử khác hẳn so với trước đây.
Về sinh lý: đây là giai đoạn dậy thì, hoóc môn của các con phát triển cực kỳ mạnh mẽ dẫn tới những cảm xúc cũng mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ở một số con còn có những rối loạn cảm xúc, hành vi, hành xử không giống như bình thường: chọc phá, trêu bạn, gây sự, mất ngủ… Chính các con có thể cũng không hiểu nổi vì sao mình lại có những phản ứng, cảm xúc mạnh đến như vậy. Có thể nói, ở lứa tuổi nay, các con đôi khi không kiểm soát được chính bản thân mình.
Về tâm lý: các con cũng bước vào một ngưỡng cửa mới, nhìn thế giới xung quanh bằng con mắt của riêng mình. Vai trò của bố mẹ bỗng chốc cũng thay đổi trong mắt các con. Các con cũng bắt đầu hành trình khám phá bản thân, xác định cái TÔI, tìm hiểu xem mình là ai, là người như thế nào, mình sẽ trở thành gì trong tương lai, mình có thành công không, sứ mệnh của mình đến với trái đất là gì….Vậy nên các con cũng luôn hoang mang, bối rối khi chưa có câu trả lời rõ ràng. Bên cạnh đó, những sức ép từ bạn bè, dư luận xã hội và nhu cầu muốn khẳng định mình khiến các con cũng trở nên căng thẳng hơn. Có rất nhiều thứ con cần giải quyết trong giai đoạn này nhưng kiến thức, trải nghiệm cuộc sống lại có hạn nên tựu chung lại, các con ở trong một giai đoạn rất khó khăn và rất cần sự đồng hành của cha mẹ.
Vậy cha mẹ sẽ đồng hành như thế nào với con để cả hai không bị phát điên?
Trước hết, khi hiểu những khó khăn con gặp phải, chúng ta hình dung các con như đang mắc bẫy mà chưa tự tháo được. Do vậy, ta sẽ thông cảm hơn và kiềm chế bản thân, bỏ qua những lúc con nóng giận do thiếu kiểm soát. Chúng ta yêu con, giúp đỡ con bằng một tâm thế bình tĩnh, bao dung và tin tưởng con sẽ vượt qua được giai đoạn này một cách ổn thỏa.
Sau đó, cha mẹ cần học cách lắng nghe để kết nối và thực sự hiểu những tâm tư nguyện vọng của con. Có một số nguyên tắc quan trọng như sau khiến cha mẹ giảm bớt xung đột với con:
- Không phán xét: Bố mẹ khi lắng nghe con chia sẻ, hãy lắng nghe khách quan nhất và đặt các câu hỏi chân tình để tìm thêm thông tin nếu chưa rõ. Việc áp đặt các suy nghĩ của mình để phán xét suy nghĩ và hành động của con khiến trẻ cảm thấy “không được thấu hiểu”. Tuyệt đối tránh các thái độ “mỉa mai”, chọc tức, coi thường như “bố/mẹ lạ gì con”, “con bé thì biết cái gì”, “con bị làm sao đấy”… Cho dù nói ra bằng lời hoặc thông qua ánh mắt, nét mặt cũng sẽ nhanh chóng bị sự nhạy cảm của Teen “chộp” lấy và biến thành xung đột
- Tin tưởng: Con đang trong giai đoạn khẳng định mình nên niềm tin của bố mẹ là một trong những điều rất quan trọng giúp con củng cố niềm tin ở bản thân. Nếu bố mẹ tỏ ra không tin tưởng con, một cách rõ ràng hay kín đáo, cũng sẽ khiến con nghi ngờ ở bản thân và có khả năng làm tình hình thêm phần nghiêm trọng. Việc kiểm soát, can thiệp thái quá mọi hoạt động của con cũng là một biểu hiện rất rõ ràng của việc thiếu lòng tin ở con.
- Cho con tự chịu trách nhiệm: Việc này không chỉ giúp con có những trải nghiệm, vấp ngã để tự rút kinh nghiệm mà còn là một hình thức giáo dục bài học Trách nhiệm cho con. Hãy bình tĩnh trước những sai lầm của con vì con sai càng sớm, con ngã càng đỡ đau. Không nên giải quyết vấn đề của con chỉ vì nó làm “mất mặt” mình mà hãy cùng nói chuyện với con để giải quyết vấn đề cốt lõi của con, giúp con tốt hơn.
- Không kỳ vọng: mỗi người có một năng lực, ý chí và mục tiêu khác nhau. Vậy nên hãy tôn trọng các mục tiêu và mong muốn của con. Tránh việc biến con thành công cụ thực hiện các ước mơ và mong muốn của mình
- Gợi mở: hãy luôn gợi mở để con đưa ra giải pháp của riêng mình. Ở độ tuổi này, các con coi mình là người lớn và sẽ sẵn sàng tự tìm cách giải quyết vấn đề nên việc trao cho các con quyền quyết định là điều khiến các con thoải mái. Đôi khi, các con có thể kêu ca về việc này việc khác thì bố mẹ đừng vội vã đưa ra giải pháp vì con chỉ có ý định “thể hiện cảm xúc” thôi, không cần sự giúp đỡ. Vậy nên những lúc này, bố mẹ chỉ cần lắng nghe và hỏi “Thế à? Chán/Bực nhỉ! Thế đến giờ con xử lý xong chưa?”, thế là các con sẽ hài lòng.
- Tôn trọng thế giới của con: bắt đầu bước vào teen, ảnh hưởng của con chuyển từ bố mẹ sang bạn bè, thần tượng. Bạn bè, thần tượng, KOL là những điều rất quan trọng. Bố mẹ hãy đừng vì cái nhìn chủ quan của mình về những đối tượng này mà tạo ra xung đột. Hãy hỏi con xem con nghĩ gì về họ, con học được gì từ họ, con thấy họ có điều gì thú vị… Rất có thể thế giới ấy hay ho hơn bố mẹ tưởng. Nếu có thể chia sẻ được với con như nghe nhạc cùng, xem phim cùng, đó là điều quá tốt. Còn nếu không chia sẻ được, hãy giữ những suy nghĩ của mình ở trong lòng vì đó là suy nghĩ chủ quan của mình, đừng dè bỉu, chê bai. Nếu thực sự con bị ảnh hưởng xấu, hãy trao đổi thẳng thắn, chân thành và khách quan về các vấn đề mình lo ngại và cùng con phân tích, tháo gỡ nỗi lo. Hãy nhớ nguyên tắc Không phán xét khi trao đổi nhé!
Tất cả những nguyên tắc trên, thực ra chỉ xoay quanh 1 điều “Đối xử với teen như một người trưởng thành – Tôn trọng và Tin tưởng”. Đó là những gì teen cần ở bố mẹ để vượt qua lúc khó khăn này.
Bố mẹ của teen – đây hẳn không phải là một vai trò dễ dàng. Chúng ta có thể phải nín nhịn nhiều trước một thùng thuốc súng lúc nào cũng chực bùng nổ. Tuy nhiên, tôi tin là khi bố mẹ đã hiểu được những khó khăn của con, đồng thời coi con như người lớn như con muốn, việc nín nhịn sẽ bớt phần khó khăn và chắc thùng thuốc súng ấy cũng không có nhiều cơ hội bùng phát. Đây cũng là điều kiện cần để các con được giúp đỡ, giải tỏa mà sống vui vẻ qua giai đoạn teen. Đồng thời, tận dụng được hết năng lực của mình để chuyển mình, chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng.