Hôm nay, nhân dịp rảnh rỗi, tôi ngồi xem 1 video của một cô giáo nổi tiếng trên mạng XH về nuôi dạy con. Cô ấy có vẻ thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh vì đã kể ra rất nhiều hành động mà phụ huynh hay làm với con nhưng qua sự phân tích của cô thì đó toàn là những hành động sai trái. Do đó, có nhiều những hậu quả đã xảy ra và phá hủy mối quan hệ bố mẹ – con cái. Cô ấy cũng đưa ra những câu “thần chú” để xử lý vấn đề: tôn trọng con, cho con lựa chọn, mặc kệ con…
Tôi phải thừa nhận các giải pháp của cô ấy đưa ra hoàn toàn đúng và ai cũng nên làm thế. Tuy nhiên, đã kinh qua giai đoạn con còn nhỏ, tôi phải có một vài lời biện hộ cho bố mẹ. Biện hộ để thấy ngay kể cả khi bố mẹ đã biết những kiến thức này thì đâu là lý do bố mẹ không thể thực hiện được như cô nói.
- Lý do đầu tiên đó là sức ép thời gian. Làm bố mẹ là một nghề đòi hỏi rất nhiều thời gian và ưu tiên cao nhưng trớ trêu thay, ta lại chẳng hề có một khoảng thời gian cố định cho nó. Nhất là vì nó trải ròng rã trong suốt một thời gian dài, hậu quả lại chưa đến ngay nên đôi khi, bố mẹ quên đi mất thứ tự ưu tiên của nó mà dành thời gian cho các việc mang tính cấp bách nhất thời hơn. Vô hình chung, khoảng thời gian dành cho việc làm cha mẹ bị co lại lúc nào không biết. Bố mẹ bỗng trở nên thiếu thời gian cho việc này và không còn kiên nhẫn để tôn trọng hay chờ đợi con thực hiện các nhiệm vụ như cô giáo kia đã dạy. Đến giờ đi ngủ mà chưa đánh răng ==> mắng, đến giờ đi ngủ mà chưa làm xong bài tập ==> mắng, đến thời hạn nộp bài mà con chưa làm xong bài ==> mắng, nhắc con đã nhiều lần rồi nhưng con không nghe theo ==> mắng …. Mắng và đánh là các phương pháp rất tiện, nhanh nên khi eo hẹp thời gian, nó thường được ưu tiên sử dụng đầu tiên.
- Thứ hai, đó là áp lực do chính bố mẹ tạo ra cho mình. Hầu như bố mẹ nào cũng tự mang trong mình trách nhiệm phải nuôi dạy con nên người. Do đó, một cách rất tự nhiên, bố mẹ hình thành cho mình những khuôn mẫu lý tưởng và mong muốn con trở thành hoặc giống người A, người B, người C mà bố mẹ vẫn hằng ngưỡng mộ. Và để trở thành khuôn mẫu đó, dường như bố mẹ đã tự hình thành trong đầu những lộ trình/phương pháp tiếp cận con để con đi tới cái đích đó. Chỉ cần con cái đi chệch ra khỏi cái lộ trình đã vạch sẵn, bố mẹ sẽ có cảm giác sản phẩm con cái có khả năng bất như ý, dẫn tới việc bố mẹ thất bại trong việc nuôi dạy con. Cảm giác thất bại thực sự là một cảm giác rất không hay ho và ai cũng muốn tránh nó.
- Thứ ba, đó là áp lực của xã hội. Đôi khi có những bố mẹ rất muốn áp dụng những phương pháp tiên tiến, thúc đẩy sự tự chủ, tự nhiên của con thì lại phải đối mặt với áp lực từ những người xung quanh : ông bà nội ngoại, họ hàng, làng xóm… Không phải bố mẹ nào cũng có bản lĩnh vững vàng và điều kiện để nuôi dạy con độc lập theo cách mà mình mong muốn. Chưa kể phương pháp nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm nhất định khiến cho một vài lần bố mẹ nhận thấy phương pháp của mình có yếu điểm thì bỗng hoang mang, lo lắng về phương pháp mình chọn. Đôi khi, việc xử lý với đứa trẻ tuy vất vả nhưng cũng không mệt mỏi bằng cuộc chiến thuyết phục những người lớn xung quanh để cùng chung tay nuôi dạy con cái với mình hoặc thuyết phục chính bản thân mình đi trên con đường mình chọn.
- Thứ tư, đó là kỳ vọng tự nhiên của bố mẹ. Con cái vốn là một tài sản vô cùng quý báu của mỗi bố mẹ nên ai cũng chăm bẵm, gìn giữ, nâng niu. Và một cách tự nhiên, những mong mỏi đó sẽ đi kèm với những kỳ vọng nhất định và đôi khi còn có xu hướng đánh giá nó cao hơn so với thực tế. Cái này là tâm lý chung và phổ biến của con người đối với vật mình sở hữu khi mình đã dành cho nó rất nhiều nỗ lực, đầu tư ngoài giá trị tự thân của nó. Kỳ vọng này luôn được mong chờ biến thành những thành tựu cụ thể như kết quả học tập tốt, thái độ ngoan ngoãn, tác phẩm/kết quả tốt của các hoạt động văn thể mỹ…. Nhìn vào thực tế, bố mẹ sẽ nảy sinh sự so sánh và nếu nó kém hơn so với kỳ vọng, sự sốt ruột và thất vọng xuất hiện khiến cho bố mẹ có tâm lý tiêu cực và từ đó, sẽ ảnh hưởng tới cách hành xử với con cái
- Thứ năm, hơi buồn nhưng thực tế. Đó là có thể nó đến từ mâu thuẫn trong chính bố mẹ. Bố mẹ muốn con trung thực nhưng bản thân lại có rất nhiều hành động/suy nghĩ/lời nói không trung thực, bố mẹ muốn con đọc sách nhưng cả đời chẳng sờ đến quyển sách nào, bố mẹ muốn con không sử dụng thiết bị điện tử nhưng mình thì không bao giờ rời cái điện thoại, bố mẹ muốn con vận động thể chất nhưng bản thân mình không chơi môn thể thao nào….
- Thứ sáu, có những mô thức tư duy hoặc ảnh hưởng vô thức lặp lại trong mối quan hệ của các thế hệ. Ví dụ bố mẹ đã từng được đối xử tốt lúc nhỏ sẽ có xu hướng đối xử tốt với con cái hoặc bố mẹ đã từng bị bạo hành (cả thể xác và tinh thần) sẽ có xu hướng lặp lại hành vi bạo hành một cách vô thức. Hoặc ở 1 hình thái khác, bố mẹ đã không được quan tâm khi còn nhỏ sẽ có xu hướng quan tâm kèm cặp con chặt chẽ để bù đắp lại tuổi thơ của mình vì mình nghĩ điều đó là quan trọng khiến cho con cái cảm thấy ngột ngạt, thiếu sự tự do, “chết đuối trong tình yêu thương”. Hoặc bố mẹ đã từng bị kèm cặp chặt chẽ từ lúc nhỏ dễ có xu hướng cho con thoải mái, thả lỏng, thậm chí vô tổ chức… như để thỏa mãn giấc mơ, mong mỏi lúc nhỏ của bản thân mình.
Như vậy thì làm như thế nào để chúng ta thực hiện được những “thần chú” rất hay ho mà cô giáo kia đang dạy? Làm thế nào để chúng ta vượt được qua những vấn đề, trở ngại xuất phát từ chính bản thân và từ môi trường xung quanh để có thể trở thành bố mẹ đúng đắn, hay ho như mình thấy cô giáo kia nói?
Thực chất, mỗi người sẽ có một khó khăn riêng, một tính cách riêng và một hoàn cảnh riêng cần đối mặt. Vậy nên việc thay đổi tư duy, thay đổi cách nhận thức vấn đề không thể là một sớm một chiều mà nó là một hành trình chuyển hóa trong tâm tưởng và nó cần có thời gian, cần có phương pháp và sẽ tốt hơn nhiều khi có người đồng hành để khích lệ, giúp đỡ.
Nếu các bố mẹ cảm thấy mình rơi vào tình trạng biết hết lý thuyết rồi nhưng vẫn không làm được, đừng tự trách mình kém cỏi mà chỉ đơn giản là vì các bạn đang cần một người đồng hành, một người giúp bạn nhận ra những khúc mắc trong tâm trí đang cản bước mình thôi. Đừng ngại ngần tìm gặp những chuyên gia nhé. Họ chắc chắn sẽ là người có thể lắng nghe và giúp bạn đi qua chặng đường này một cách nhẹ nhàng nhất, hiệu quả nhất!
ThanhBình