Với tôi cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, khái niệm và các nguyên tắc đặt mục tiêu chẳng có gì xa lạ. Nhất là nguyên tắc SMART trong khi đặt mục tiêu có lẽ ai cũng nằm lòng. Tuy nhiên, khi gặp gỡ, trò truyện với nhiều người, tôi mới biết tiêu chí Attainable – Tính khả thi là thứ tương đối khó xác định, khiến cho nhiều người đã chọn nhầm. Tưởng là Khả thi nhưng thực tế là không hề Khả thi. Do vậy, việc đặt mục tiêu không hiệu quả dẫn tới việc thực hiện gặp nhiều trở ngại và ta sẽ thấy không thoải mái vì những điều không như ý. Có 2 yếu tố cần cân nhắc khi xét đến tính Khả thi:
Thứ nhất: Đặt mục tiêu ngoài khả năng kiểm soát của bản thân. Trường hợp này tôi thường xuyên gặp trong các mối quan hệ thân thiết: vợ – chồng, bố mẹ – con cái thông qua các câu hỏi: Làm thế nào để chồng tôi bỏ thuốc lá, Làm thế nào để con tôi thích học tiếng Anh, Làm thế nào để bố mẹ tôi không tiết kiệm, chắt bóp mà sống thoải mái hơn…
Sau vế “Làm thế nào” là những mong muốn rất chính đáng, có thể hiểu được vì nó đều hướng tới viễn cảnh có một cuộc sống hòa hợp, tốt đẹp hơn hoặc có tương lai sáng lạn, hứa hẹn hơn. Trong phạm vi bài này, tôi sẽ chỉ chia sẻ về quan hệ của chúng ta và con cái.
Nếu các bố mẹ ý thức được đây là mong muốn, nguyện vọng của cá nhân mình thì việc chia sẻ những mong muốn nguyện vọng này với các con là điều hoàn toàn tích cực và nên làm. Tuy nhiên, nếu mình biến nó thành mục tiêu, mục đích để hành động của bản thân thì nó thực tế đã vi phạm nguyên tắc Attainable – Khả thi trong nguyên tắc SMART. Vì chúng ta không có khả năng “Điều khiển, kiểm soát” bất cứ ai, kể các các con của mình, nên các mong muốn này luôn luôn chỉ là mong muốn cá nhân của bố mẹ. Điều duy nhất mình có thể làm là Gây ảnh hưởng tới các con để các con cũng chia sẻ mong muốn này cùng mình. Mà khi đã xác định mình là Người gây ảnh hưởng, ắt hẳn các bạn sẽ hiểu được những mong muốn dưới dạng kết quả kia hoàn toàn không phụ thuộc vào mình mà chủ yếu phụ thuộc vào các con. Từ đó, mình sẽ kiên nhẫn hơn và hướng tới việc làm thay đổi nhận thức của các con bằng các chiến thuật khác nhau, thay vì bắt ép, áp đặt (cả hành động và tư tưởng) hay thất vọng, suy nghĩ tiêu cực khi các con chưa thay đổi theo ý mình.
Ví dụ: khi muốn con không chơi điện tử nữa, mình phải hiểu rằng con chỉ không chơi, hoặc giảm thời gian chơi khi con nhận thấy việc này ảnh hưởng tới kết quả học tập/sức khỏe hoặc không mang lại giá trị gì cho các con so với các hoạt động khác. Đứng ở cương vị là bố mẹ, nếu đặt mình ở địa vị là người chịu trách nhiệm chấp dứt việc chơi điện tử thì đó là điều không khả thi vì vô hình chung, mình đang mong vào một việc ngoài tầm kiểm soát của mình. Nó sẽ khiến mình bực bội, khó chịu khi không thực hiện được. Mình phải nhìn nhận thực tế các con mới là chủ thể chấm dứt hành động này và điều mình làm được chỉ có thể là kiên nhẫn, tìm cách phương án tác động, ảnh hưởng tới con để con thay đổi nhận thức. Phương án này sẽ tùy theo từng con và hoàn cảnh gia đình chứ không có công thức nào cụ thể. Các trường hợp khó, bố mẹ có thể tham vấn với các chuyên gia để tìm các động lực sâu nhằm làm thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành động của con.
Thứ hai: Mục tiêu cụ thể, đơn lẻ nên phù hợp với mục tiêu tổng thể trong cuộc sống. Trường hợp này xảy ra khi bố mẹ chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt mà quên đi những mục tiêu lâu dài của hệ sinh thái quanh con.
Các điển hình tôi gặp là khi bố mẹ chỉ muốn con tập trung vào mục tiêu học tập mà quên các mục tiêu phát triển bản thân khác và sự cân đối với môi trường xung quanh. Bố mẹ có thể hài lòng, hãnh diện khi con đạt được các mục tiêu học tập nhưng lại thất vọng, lo lắng khi con thiếu các kỹ năng xã hội, mệt mỏi bức bối khi mình không có thời gian dành cho bản thân và cho các thành viên khác trong gia đình, không hài lòng khi các thành viên khác không tập trung và đầu tư thời gian, công sức vào mục tiêu giống như mình…
Các con chúng ta, tuy còn nhỏ nhưng bản chất luôn luôn sinh sống và phát triển trong một môi trường toàn diện: có học tập kiến thức, có quan hệ xã hội (bạn bè – gia đình – họ hàng), có rèn luyện thể chất… Vậy nên các mục tiêu của con và bố mẹ nên trải đều và cân đối chung trên các môi trường này để các con có sự phát triển toàn diện lâu dài. Tất nhiên trong từng giai đoạn ngắn hạn (3-6 tháng), các con có thể có những mục tiêu ngắn hạn cần tập trung tinh thần, trí lực để đạt được mục tiêu. Nhưng trên 6 tháng, bố mẹ và các con cần tìm một cơ chế sinh hoạt, học tập dài hơi, phù hợp để đạt được sự cân bằng lâu dài cho con cũng như cho hệ sinh thái quanh con. Mục tiêu của mỗi cá nhân trong gia đình hòa hợp, tương ứng với mục tiêu phát triển chung của gia đình thì việc thực hiện mục tiêu sẽ dễ dàng hơn do đạt được sự đồng thuận và hỗ trợ tối đa của các thành viên và quan trọng nhất là cả nhà sẽ cùng vui vẻ.
Ví dụ: khi bố mẹ cùng con muốn con sẽ học ở trường chuyên. Đây hoàn toàn là một nguyện vọng chính đáng và đáng quý. Tuy nhiên, điều kiện của gia đình ở xa trường, công việc của bố mẹ không thuận lợi cho việc đưa đón con, gia đình không có các nguồn lực hỗ trợ. Nếu chỉ tập trung vào mục tiêu này mà bố mẹ phải hy sinh các mục tiêu chung khác của gia đình như mẹ bỏ việc để đưa đón con, bố phải chịu gánh nặng kinh tế lớn hơn, gia đình phải cắt giảm chi tiêu… chúng ta cần xem lại xem mục tiêu học trường chuyên đó có thực sự phù hợp với mục tiêu chung của gia đình hay không, bố có sẵn lòng và có khả năng gánh vác không, các em có thiệt thòi gì không… Nếu mục tiêu này không tương thích với cả gia đình, liệu chúng ta có thể hướng tới các mục tiêu khác hiệu quả hơn không?
Như vậy, đặt mục tiêu với những lưu ý về tính Khả thi là điều rất quan trọng dẫn tới quá trình hành động tiến tới mục tiêu.
Hy vọng những chia sẻ này có thể giúp các bố mẹ nhìn lại tính Khả thi trong những mục tiêu mình và con đang cùng hoạch định, để luôn hạnh phúc trên con đường thực hiện mục tiêu.
ThanhBình