Với những kinh nghiệm đi tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh cấp 3, thậm chí thanh niên đã học xong Đại học, tôi gặp rất nhiều những lời chia sẻ thế này với câu hỏi “Vì sao em lại nghĩ đến ngành học này?”:
- Vì bố mẹ em bảo học ấy cho nhàn hoặc dễ xin việc
- Vì bạn em bảo ngành này hay
- Vì anh chị em đã học rồi, anh chị ý bảo dễ thi đậu
- Vì thầy cô giáo bảo em phù hợp với ngành này
- Vì em chẳng biết chọn ngành gì nên đăng ký thi chung với đứa bạn thân để sau này đỗ thì đi học cùng nhau cho vui
Lúc còn là học sinh cấp 3, tôi cũng đã chọn ngành thi Đại học vì “nó vừa sức” và vì “bố mẹ tôi đều làm ngành đó, ra trường khả năng xin việc sẽ tốt hơn” dù thâm tâm tôi ước ao một ngành học khác, hoàn toàn không liên quan. Vậy nên tôi rất hiểu lý do vì sao các em lại bối rối trước quyết định Hướng nghiệp của mình đến vậy. Lý do chủ yếu nhất là do các em chưa hiểu biết về quá trình hướng nghiệp và vai trò của mình quan trọng như thế nào trong đó. Lại đứng trong bối cảnh không có kinh nghiệm về cuộc sống, chưa có trải nghiệm về nghề nghiệp, việc nghe lời tư vấn của ai đó trở nên vô cùng dễ dàng và cám dỗ.
Thực tế, khi đã là một người trải nghiệm cuộc đời, tôi tin bố mẹ nào cũng sẽ đồng ý rằng: mình chỉ có thể làm tốt một việc khi mình yêu thích nó và cộng với tinh thần trách nhiệm, lòng ham học hỏi, rèn dũa và luyện tập công việc đó mỗi ngày, thành tựu mới có thể xuất hiện. Khi có thành tựu, mình lại càng tự tin để làm, để học hỏi thêm và yêu công việc của mình mỗi ngày. Và cứ vòng lặp như thế, năng lực được trau dồi, thành tựu nhiều hơn, ta mới có thể tỏa sáng.
Còn nếu chỉ lựa chọn theo sự hướng dẫn của người khác mà không dựa vào chính năng lực và sự yêu thích của bản thân, các em sẽ dễ bị rơi vào các trường hợp:
- Nếu ngành học trái ngược hẳn với sở thích và năng lực: các em sẽ rất vất vả trong việc học và do đó, dù có nỗ lực cách mấy cũng không thể bằng các bạn vốn tự nhiên đã có sở trường về ngành học này.
- Nếu ngành học không trái với sở thích nhưng chưa khai thác được điểm mạnh nhất về năng lực của mình: các em cũng sẽ chỉ đạt được một mức độ thành công nhất định, cho dù đã nỗ lực hết mình
- Nếu ngành học phù hợp với năng lực nhưng không phù hợp với sở thích: các em có thể học và làm việc tốt. Tuy nhiên, động lực trau dồi kỹ năng nghề nghiệp sẽ không có nhiều được như đối với ngành học mình yêu thích
Vậy nên, ngành học và công việc lý tưởng sẽ là điểm giao nhau giữa năng lực và sở thích. Chọn được ngành học đảm bảo 2 yếu tố này, chắc chắn các em sẽ có thể trở thành “phiên bản tốt nhất” của mình trong nghề nghiệp và tỏa sáng nhất.
Nói đến đây, chắc hẳn bố mẹ và các em đều đã nhận ra: Hướng nghiệp là công việc tự thân của mỗi người vì chỉ có mình mới hiểu mình nhất, cả về năng lực và sở thích. Bố mẹ, thầy cô hay bạn bè chỉ là những người đồng hành, cùng hỗ trợ và kiểm chứng lại những gì ta hiểu về mình.
Việc một học sinh còn thiếu kinh nghiệm và sự từng trải nên có thể hoang mang về bản thân là điều không bất ngờ và hoàn toàn hiểu được. Tuy nhiên, nếu các em xác định mình là người sẽ quyết định tương lai của mình, các em sẽ tìm được lối đi thông qua việc tìm tòi các công cụ Trắc nghiệm để hiểu bản thân, các chương trình/dự án khám phá năng lực cá nhân hoặc sự hỗ trợ của các chuyên gia về Hướng nghiệp.
Mong các bố mẹ và các em luôn vững tin ở vai trò quyết định của mình trong tiến trình Hướng nghiệp và đạt được thành công.