Nếu làm cha mẹ có con tuổi teen, hẳn ai cũng đã từng trải qua những lúc phát điên vì nhắc con đến lần thứ 20, một việc siêu đơn giản, nằm trong khả năng của con nhưng con không thể làm đúng như bố mẹ bảo. Phản ứng rất quen thuộc của lũ trẻ là “Vâng”, xong ngày mai vẫn thế. Phản ứng cũng rất quen thuộc của bố mẹ là phát điên và nói lại lần thứ 21: “Bố/Mẹ phải nhắc con đến bao giờ? Việc đơn giản như thế này mà sao không thể làm được?” Nếu trẻ có thái độ phản ứng thì bố mẹ sẽ tặng thêm 1 câu kinh điển: Nếu con làm luôn rồi thì bố/mẹ đã không phải nhắc con và nói nhiều đến thế. Một số bố mẹ khác nếu đang trong cơn bực mình, có thể còn nghĩ ra 1001 tội khác của con để mắng cho các con rút kinh nghiệm một thể. Các tội ấy đều có điểm chung là: nói mãi vẫn không làm được.
Để giải mã tình huống này, chúng ta cần phải nhìn vào suy nghĩ và cảm xúc của cả 2 bên.
Phía trẻ: thực sự là những thứ bố mẹ yêu cầu làm, trẻ không thấy nó quan trọng và cần thiết như bố mẹ nói. Đặc biệt là không quan trọng so với các việc khác của con như: tám chuyện với bạn, chơi nốt ván điện tử, ăn nốt gói bim bim… Bố mẹ nghe thấy thế thì thấy thật nực cười nhưng sự thật là như vậy. Bố mẹ hãy thử nhớ lại hồi mình bằng tuổi con, mình sẽ thích trốn ra sân chơi bóng đá với lũ bạn hoặc ngồi đọc nốt cuốn tiểu thuyết hơn hay là rửa bát hơn? Nên bản chất là phần lớn trẻ đang không có đủ động lực để thực hiện yêu cầu của bố mẹ, chứ không phải là không làm được yêu cầu đó.
Phía cha mẹ: Cha mẹ có nỗi lo sợ rằng nếu con mình cứ không có ý thức như hiện tại, hoặc thậm chí có thể nghĩ không không biết làm việc này thì sau này khi rời xa vòng tay cha mẹ, sẽ có rất nhiều hậu quả con phải gánh chịu. Nỗi lo lắng này khiến cho cha mẹ phải thúc ép con làm để mình thấy yên tâm và cũng là tốt cho con, cáu kỉnh khi con không thực hiện được mong muốn của mình vì sự bất an trỗi dậy. Cộng thêm với việc nói đi nói lại một thứ cũng khiến cha mẹ thấy ức chế vì bất lực. Tâm lý này càng khiến cho cha mẹ cáu tiết hơn, so với mức độ thực tế của vấn đề gây ra.
Có thể thấy, trẻ và bố mẹ đều có những cái lý nhất định của mình, do đó tạo ra những hành vi nhất định. Và hành vi này thường khiến cho cả 2 bên đều không thoải mái, thậm chí dẫn tới tổn thương tâm lý. Vậy đứng trước vấn đề này, bố mẹ và con cái cần phải giải quyết như thế nào?
Việc đầu tiên là chúng ta cần phải đối thoại để ghi nhận suy nghĩ của cả 2 bên. Trẻ cần được ghi nhận là việc bố mẹ giao hiện tại chưa thực sự quan trọng đối với con. Bố mẹ cần được ghi nhận sự lo lắng, bất an khi những hành vi và thói quen này của con nếu tiếp diễn sẽ dẫn tới những hậu quả không hay cho cả hai.
Tiếp đến, cả 2 bên cùng chia sẻ xem làm như thế nào để dung hòa nhu cầu của hai bên ở mức độ hợp lý. Trẻ ở tuổi teen đã có những hiểu biết xã hội nhất định, có chính kiến nên cũng cần được tôn trọng và ứng xử như một người trưởng thành. Trẻ cũng sẽ chấp nhận những đề nghị hợp lý chứ không phải luôn chống đối bố mẹ. Bố mẹ cần hiểu tâm lý lứa tuổi này để hành xử cho phù hợp và cùng tìm ra giải pháp hợp lý với con.
Như một xã hội thu nhỏ, trong gia đình cũng nên có những nguyên tắc, luật lệ nhất định để đảm bảo gia đình vận hành trơn tru, thoải mái cho tất cả các thành viên. Tuy nhiên, ở xã hội, do có nhiều thành phần và trình độ hiểu biết không đồng đều, điều kiện sống cũng khác nhau và nhìn chung là phức tạp nên việc làm luật được thực hiện bởi các chuyên gia. Còn tại gia đình, các nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả mọi người thì có thể xem xét để cả gia đình cùng thống nhất, xây dựng, đặc biệt là trong các gia đình có con tuổi teen. Và đã là nguyên tắc, nó nên có chế tài thưởng phạt để việc thực hiện được triệt để và hiệu quả. Khi những nguyên tắc quan trọng nhất trong gia đình đã được xây dựng và mọi thành viên đều tuân thủ, việc phải la hét, trách mắng con tự dưng sẽ đỡ dần đi và các thành viên đều thấy thoải mái hơn.
Thực hiện việc xây dựng và tuân thủ các nguyên tắc trong gia đình vừa giúp các con ý thức được phần trách nhiệm của mình trong gia đình, lại giúp các con có thói quen tuân thủ luật lệ trong cộng đồng sinh hoạt, đồng thời lại giúp các con có quyền chủ động như một chủ nhân chứ không chỉ là em bé được bố mẹ nuôi, không có quyền và trách nhiệm gì. Các con cũng học được cách thương thuyết, đàm phán trong những lần xây dựng nguyên tắc của gia đình. Các con cũng có thể chủ động đề xuất việc xây dựng thêm các nguyên tắc để đảm bảo sự thoải mái cho các con và hợp lý cho gia đình chung.
Nhìn chung, việc đưa nguyên tắc “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” vào đời sống gia đình một cách uyển chuyển sẽ giúp bố mẹ quản lý gia đình đỡ mệt hơn, con cái trưởng thành và có ý thức hơn. Tất nhiên các con không thể ngay lập tức thực hiện răm rắp theo luật, kể cả đã đồng ý và cam kết vì dù sao trẻ con vẫn là trẻ con, cần thời gian để trưởng thành. Nhưng nếu cứ thực hiện kiên trì và bền bỉ, bằng một cách thần kỳ nào đó, con sẽ phát triển y như cách mà bố mẹ mong đợi – độc lập và có ý thức!
Tuy nhiên, mình muốn nhắc bố mẹ về nguyên tắc 80-20 khi xây dựng nguyên tắc nhé. Hãy chọn 20% các vấn đề có tính quan trọng và cấp thiết nhất thôi vì nếu nhiều nguyên tắc quá, các con không theo nổi và mình cũng không nhớ hết để theo dõi đâu.
ThanhBình