Có một cậu học sinh lớp 11 đến với tôi khi bó tay với việc tự hướng nghiệp. Em bảo đã làm hết theo quy trình hướng dẫn của cô rồi, kết quả Trắc nghiệm cũng rất rõ ràng, em thấy khá hợp lý mà không hiểu sao những nghề nghiệp gợi ý em hoàn toàn không thấy phù hợp. Câu hỏi cậu bé đặt ra cho tôi là: Cô ơi, thế có khi nào kết quả trắc nghiệm này sai, không phản ánh đúng bản thân cháu không?
Đây là một trường hợp không quá phổ biến nhưng đôi lúc những người tự hướng nghiệp có thể gặp. Vậy câu trả lời là gì? Thực tế thì một bản trắc nghiệm có thể đưa ra kết quả chưa đủ tin cậy vì một số lý do sau:
1- Nếu bản trắc nghiệm của nước ngoài và người sử dụng dùng bản dịch thì việc chuyển ngữ có thể khiến cho câu cú, ý tứ diễn đạt không còn được chính xác như bản gốc. Vậy nên nếu có điều kiện, tôi khuyến khích các bạn trẻ làm trắc nghiệm bằng bản gốc để hiểu chính xác nghĩa của những câu hỏi trong bản trắc nghiệm và nhờ đó, câu trả lời của mình cũng chính xác hơn.
2- Do yếu tố địa phương, nền tảng văn hóa và trình độ của người thiết kế trắc nghiệm, bản trắc nghiệm có thể mang dấu ấn chủ quan khiến cho kết quả trắc nghiệm không hoàn toàn phản ánh chính xác được mục tiêu đã đề ra
3- Do mỗi bản trắc nghiệm được thiết kế với một hoặc một vài mục đích nhất định nên thông thường, một bản trắc nghiệm chỉ đo được 1 chiều kích nhất định của một con người. Vậy nên chúng ta không thể trông chờ 1 bản trắc nghiệm có thể mang lại cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về một con người. Trong một số trường hợp, chúng ta có thể kết hợp một số loại trắc nghiệm để có cái nhìn toàn diện hơn khi ra quyết định.
4- Việc đọc và trả lời trắc nghiệm ở mỗi thời điểm khác nhau cũng có thể cho ra các kết quả khác nhau. Điều này không phải do vấn đề của bản trắc nghiệm mà do chính người làm trắc nghiệm đã có những sự trưởng thành và thay đổi trong tư duy. Có thể con người họ không thay đổi nhưng cách nhìn nhận các câu hỏi thay đổi khiến cho kết quả trả lời cũng thay đổi.
Vậy làm thế nào để có kết quả trắc nghiệm đáng tin cậy? Có một số điều sau sẽ giúp các bạn có những kết quả trắc nghiệm đáng tin cậy hơn, đặc biệt là với trắc nghiệm tâm lý:
- Chọn các trắc nghiệm đã được kiểm chứng và có uy tín, được sử dụng rộng rãi trên thế giới
- Tìm hiểu về mục đích của bản trắc nghiệm, dùng để đo cái gì, trong trường hợp nào
- Cho mình thời gian thoải mái để làm hết bài trắc nghiệm, không gian yên tĩnh để có sự tập trung
- Đọc kỹ để hiểu rõ câu hỏi, nhưng trả lời nhanh. Việc ngẫm nghĩ lâu để đưa ra câu trả lời khiến cho câu trả lời không còn phản ánh chính xác tâm lý thật của mình mà bị chi phối với các yếu tố lý trí
Các bài trắc nghiệm tâm lý, thực ra sẽ có giá trị nhiều hơn với các bạn trẻ khi chưa có nhiều trải nghiệm, va chạm trong cuộc sống và chưa biết khám phá bản thân từ đâu. Những bài trắc nghiệm sẽ giúp các bạn bước đầu khám phá về bản thân (ví dụ: mình là người hướng nội hay hướng ngoại, là người nguyên tắc hay linh hoạt, là người có thế mạnh về giao tiếp hay về kỹ thuật…) và từ đó, các bạn trẻ có gợi ý để quan sát bản mình dễ hơn. Vậy nên, kết quả khám phá bản thân sẽ chỉ đúng nhất sau khi các bạn có đủ trải nghiệm và tự xác nhận lại các kết quả trắc nghiệm đã làm. Kết quả trắc nghiệm sẽ chỉ mang tính tham khảo chứ không phải là căn cứ tuyệt đối để ra quyết định.
Quay trở lại trường hợp em lớp 11 nói trên. Sau 60 phút nói chuyện, trao đổi và dùng thêm các kỹ thuật khác, tôi đã giúp em tìm được ra nghề nghiệp phù hợp với mình. Mấu chốt của vấn đề ở đây là bài trắc nghiệm đó chưa đủ để phản ánh một số góc cạnh khác trong mong muốn của em về nghề nghiệp.
Vậy hãy đừng quá trông chờ chỉ vào một vài kết quả trắc nghiệm, song cũng không nên coi thường nó nhé! Nó cũng giá trị lắm đó nếu ta biết cách sử dụng.