Mình luôn háo hức đọc những tác phẩm của các bạn trẻ vì nó mang lại một sự mới mẻ, hấp dẫn và tự tin trong cuộc sống. Mình thích Huyền Chip, thích Rosie Nguyễn vì các bạn ấy lạc quan, dám đương đầu với thử thách và hạnh phúc với lựa chọn của mình. Vậy nên nghe đồn cuốn sách này của anh Đặng Hoàng Giang cũng nói về tuổi thanh niên, mình hớn hở chọn đọc ngay.
Nhưng hóa ra, đây không phải là một cuốn sách vui, đây là một cuốn sách rất buồn! (*) 80% cuốn sách này là lời tự sự của những người trẻ, từ teen đến hậu teen, đều đang mắc kẹt trong khi đi tìm ra cái TÔI của mình, đi tìm điều làm mình hạnh phúc. 20% xen kẽ là những phân tích khoa học, cố gắng tìm cách lý giải nguyên nhân sâu xa của những bế tắc ấy.
Hóa ra, trong số những người trẻ được coi là thành đạt ngoài kia, nào là thủ khoa, nào là học bổng du học nước ngoài, trường chuyên lớp chọn, là niềm tự hào của gia đình… không ít trong số họ, những cái danh hão ấy chỉ là vỏ bọc cho sự cô đơn và bất lực trước cuộc sống này. Họ đang từng ngày đau khổ, vật vã vì bị tổn thương, vì bị gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề của người lớn khi còn chưa trưởng thành nhưng bề ngoài, lúc nào cũng phải gồng mình lên để tỏ ra…bình thường. Trớ trêu thay, nó bình thường đến nỗi mà chính bố mẹ họ cũng không nhận ra những nỗi đau bị che đậy.
Bao nhiêu chân dung là bấy nhiêu câu chuyện buồn. Nỗi buồn tích tụ từ đời bố mẹ, là những “tuổi thơ gai góc và đầy vết sẹo” bị cha mẹ vô tình kéo lê đến thế hệ của các con, dầy vò chúng và khiến chúng dở khóc dở cười ở tuổi mười tám đôi mươi, teen chưa qua mà trưởng thành thì chưa tới.
Phần lớn các câu chuyện buồn xảy ra trong các gia đình thiếu vắng hình bóng của người cha hoặc người mẹ mà may sao cho lũ trẻ, chắc tỉ lệ này cũng ít thôi. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng một thống điệp khác, xuyên suốt cả cuốn sách, đó là sợi dây tình cảm và chia sẻ giữa bố mẹ và con cái. Nếu thiếu đi điều này thì cho dù hoàn cảnh gia đình có thế nào, khả năng ta tuột mất đứa con tuổi teen là rất lớn. Mình tương đối bất ngờ với phản ứng và suy nghĩ của một số teen có hoàn cảnh trông rất quen thuộc vì nó xảy ra đầy rẫy quanh mình, và có thể ở một góc nào đó là giống chính mình. Bố mẹ có vẻ đồng lòng, chăm chút con và tin rằng mình làm thế là chả có gì sai, nhưng kỳ thực, khi không có kết nối và chia sẻ thực sự thì đứa con trông có vẻ hay ho kia đang phải tự mình vật lộn với biết bao giông bão trong lòng.
May mắn thay, những nỗi đau vì tuổi thơ không êm đềm không phải là không có thuốc chữa. Chương cuối là những câu chuyện về hành trình chữa lành vết thương bằng sự vị tha và lòng trắc ẩn của người thân, của chính bản thân mình đã mở ra một hy vọng cho các bố mẹ có trót lỡ để tuổi thơ của con qua mất.
Kết thúc cuốn sách rồi mà mình vẫn còn toát mồ hôi hột. Làm cha mẹ quá ư khó! Thêm 1 chút thì thành o bế con, thiếu 1 chút lại thành thiếu quan tâm, lòng thắc thỏm không biết con mình đang hình thành bản thể của nó theo hướng nào. Hic hic, thôi thì đành trò chuyện mỗi ngày để biết nêm nếm tình yêu thương thế nào cho vừa độ vậy. À, và bản thân mình cũng soi lại quá trình hình thành căn tính để hiểu về chính mình hơn.
Sách dày 395 trang, buồn nhưng sâu sắc và để suy nghĩ, chiêm nghiệm. Chỉ thích hợp với ai quan tâm đến tâm lý tuổi teen.
(*): nhại bài hát Bài hát vui của Jun Phạm – nhóm 365