Trong những năm gần đây, các bạn sinh viên được tạo điều kiện rất nhiều trong việc tiếp cận và làm quen với nghề nghiệp thông qua nhiều hoạt động: internship (thực tập), hội thảo nghề, mentoring (kèm cặp)… Đây là những cơ hội rất quý để các bạn va chạm và tích lũy kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng làm việc để trở nên tự tin và tăng cơ hội trong tuyển dụng khi ra trường. Tuy nhiên, có thể do các bạn chưa biết cách khai thác các cơ hội này nên tôi thấy khá tiếc cho các bạn.
Có những bạn tìm mọi cách để được đi thực tập nhưng khi đến nơi thực tập, các bạn lại thụ động, không xông xáo tìm tòi với công việc. Nhiều khi các bạn chỉ coi chỗ thực tập là một nơi để có thể viết thêm một dòng vào CV. Các bạn thấy ngại ngùng, chỉ ngồi chờ nhân viên chính thức giao việc mới làm. Thời gian rảnh thì chỉ ngồi chơi hoặc lôi sách vở ra học. Trong khi đó, các nhân viên ở công ty nào hầu như cũng luôn bận rộn với rất nhiều công việc chứ không đặt việc chỉ bảo cho các bạn lên hàng ưu tiên. Họ sẽ chỉ đưa cho các bạn một vài công việc “chân tay”, ít hàm lượng tư duy để đỡ phải chỉ dạy nhiều. Tuy nhiên, hãy là một Intern tích cực. Bạn làm tốt những việc được giao và chủ động hỏi xin làm thêm các công việc khác nữa. Khi thấy bạn làm tốt những công việc đơn giản, nhân viên hoặc lãnh đạo chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các bạn thử sức ở các công việc khác (vì các bạn đang đỡ việc cho họ mà!). Lợi thế của việc được làm nhiều loại công việc là học được nhiều kỹ năng. Ngoài ra, các bạn còn hình dung được sự liên hệ, kết nối giữa các mảng công việc. Nhờ đó, có thể thực hiện tốt hơn công việc được giao do hiểu rõ vai trò và tính chất, yêu cầu khác nhau của từng loại công việc. Quan trọng hơn nữa, nếu các bạn thực hiện tốt nhiều công việc, cơ hội việc làm sẽ xuất hiện với bạn nhanh và sớm hơn bạn nghĩ. Bởi mỗi điểm chạm với những người đi làm đều mở ra cơ hội việc làm cho các bạn trong tương lai. Đừng đợi đến khi trở thành nhân viên chính thức mới làm việc hết mình. Hãy hết mình ngay từ khi nhận bất cứ công việc nào!
Với nguồn lực mentor, các bạn cũng chưa tận dụng được hết mức có thể. Các mentor hiện nay rất tâm huyết với việc kèm cặp, chỉ dạy, truyền kinh nghiệm cho sinh viên vì muốn các bạn có điều kiện hơn họ ngày xưa, sẵn sàng làm bệ phóng để các bạn đi nhanh và đi xa hơn. Trong khi đó, các bạn sinh viên lại loay hoay chưa biết khai thác mentor như thế nào. Khi được mời sử dụng các buổi mentor miễn phí từ phía nhà trường và các tổ chức, các bạn chủ yếu đang mang tới buổi gặp tâm thế nghe kể câu chuyện thành công của mentor và chờ mentor khuyên bảo. Thực chất, mỗi người sẽ có một con đường đi riêng và có những nhân tố thành công riêng. Còn những yếu tố chung như chăm chỉ, quyết tâm, xông xáo… thì sách vở nói nhiều rồi. Câu chuyện của mentor hầu như sẽ không giúp được các bạn nhiều nếu bản thân các bạn chưa biết mình muốn đi con đường như thế nào và hình dung xem cần giúp đỡ ở đâu. Mentor cũng không thể giúp nếu các bạn không có đích đến hoặc không có những vấn đề cụ thể. Vậy nên khi đến với mentor, hãy chuẩn bị một loạt các khúc mắc mà bạn không tự giải được hoặc chưa thỏa mãn với cách giải có từ nguồn lực hiện có (internet, bạn bè, cha mẹ, thầy cô….). Mentor là nguồn hỗ trợ sống, sinh động, cập nhật và linh hoạt để giúp bạn giải quyết những việc như thế.
Các bạn cũng có thể chủ động tìm mentor cho mình ở bất cứ nơi nào trong cuộc sống: anh chị khóa trên, cô dì chú bác, thầy cô, thậm chí cả bạn bè… Và mentor cũng không giới hạn chỉ trong công việc mà có thể là bất cứ lĩnh vực nào bạn muốn phát triển, miễn là mentor đó đã đi qua và có kinh nghiệm nhiều hơn bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải là người xác định mình sẽ đi con đường nào để chọn mentor thích hợp và mình đang gặp khó khăn gì, cần hỗ trợ ở đâu để mentor “ra tay”. Bởi ngay chính những người đã đi con đường bạn đang muốn đi cũng sẽ gặp những khó khăn khác nhau do tư duy, trình độ, tính cách… khác nhau. Họ có thể chia sẻ chỗ họ đã từng vấp, nhưng không chắc bạn sẽ vấp ở đó. Giá trị của họ nằm ở chỗ, giúp bạn giải quyết những chỗ vấp của chính bạn.
Như vậy, điều nổi bật trong việc tận dụng các nguồn lực để phát triển trên hành trình công việc là sự CHỦ ĐỘNG. Có sự chủ động, các bạn sẽ tự khám phá được năng lực của mình, sẽ tận dụng được các nguồn lực để khai thác tốt hơn tiềm năng của bản thân, nhờ đó tiến bộ nhanh và vững chắc.
Chúc các bạn trẻ có thể tỏa sáng tối đa với nhiều nhất tiềm năng của mình.
ThanhBình