Từ ngàn đời xưa, các cụ đã dạy “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để giúp chúng ta có những cuộc hội thoại đạt được mục đích tối thượng của nó: hai bên hiểu nhau và hiểu vấn đề đang giao tiếp.
Vậy “uốn lưỡi” thực sự là làm gì? Có phải là “uốn” một cách cơ học cái “lưỡi” không? Thực ra thì các bạn cũng có thể uốn để câu giờ, để có thời gian nghĩ thêm trước khi nói. Nhưng bản chất câu thành ngữ này là để nhắc nhở mỗi người cần NGHĨ kỹ trước khi nói.
Câu hỏi đặt ra: Vậy chúng ta cần NGHĨ về những điều gì trước khi nói một điều gì đó? Nhà triết gia Hy Lạp nổi tiếng Socrates cho rằng, có 3 câu hỏi chúng ta nên tự hỏi mình trước khi nói:
- Điều ta nói có phải là sự thật không? Nó là sự thật hay là điều ta suy đoán, nghi ngờ hoặc tin là thế? (TRUE)
- Điều ta nói có tốt đẹp và tử tế không? (KIND)
- Điều ta nói có cần thiết với người nghe không? (NECESSARY)
Nếu câu trả lời cho cả 3 câu hỏi trên đều là Không, rõ ràng lời ta nói chẳng có giá trị gì, tốt nhất là không nên nói. Còn nếu câu trả lời là CÓ và KHÔNG, ta hãy cân nhắc xem, chúng ta cần phải nói gì, với ai và vào lúc nào để khi ta nói, ta có thể đạt được cả 3 câu trả lời CÓ.
Hậu thế ngày nay còn bổ sung thêm 2 yếu tố nữa để ta suy nghĩ thêm, khiến cho lời nói có thêm phần trọng lượng:
- Điều ta nói có ích cho người nghe không (HELPFUL)
- Điều ta nói có truyền cảm hứng, tạo sự hứng khởi không? (INSPIRING)
Và với các chữ cái đầu của mục tiêu những câu hỏi, ta có chữ THINK – Suy nghĩ trước khi nói.
Thông thường, việc thực hiện những nguyên tắc này khi trò chuyện sẽ dễ dàng hơn khi ta giao tiếp với người lạ. Ta cẩn trọng hơn và nghiêm túc suy nghĩ hơn rồi mới nói. Nhưng trong những mối quan hệ thân hữu, đặc biệt là quan hệ gia đình, ta dựa vào lợi thế dễ bỏ qua, chấp nhận của đối phương mà giao tiếp tùy tiện hơn. Tuy nhiên, trong quan hệ với con cái, do chênh lệch về trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi, đôi khi bố mẹ có thể gặp trở ngại nếu thiếu sự cẩn trọng, suy nghĩ trong giao tiếp.
Ví dụ:
- SỰ THẬT: Bố mẹ thường nhìn thấy các hiện tượng, biểu hiện của con cái và cho đó là sự thật. Ta sẽ có những câu nói quen thuộc của bố mẹ: Con làm điều này là vì không quan tâm đến bố mẹ chứ gì, Ngồi vào bàn giả vờ học đển trốn việc chứ gì, Điểm kém như thế này chẳng qua là ôn bài chưa kỹ thôi, Lại giả vờ đau bụng để khỏi phải học, mẹ lạ gì con…
Những nhận định mang tính phỏng đoán, suy diễn như thế này sẽ khiến các bạn nhỏ cảm thấy rất không thoải mái vì thực ra nó rất có thể không phải sự thật.
- SỰ TỬ TẾ: Bố mẹ nào cũng mong và luôn cố gắng mang những điều tốt đẹp nhất tới với con. Tuy nhiên, không phải lúc nào bố mẹ cũng truyền đạt đúng được ước muốn đó của mình. Có những điều bố mẹ nói ra lại mang tới cho con thêm sự thù hận (khi so sánh con với các bạn) hoặc sự tự ti (chê bai, đánh giá các việc làm của con cái)
- SỰ CẦN THIẾT, HỮU ÍCH: Có phải lúc nào cũng cần nói tất cả mọi thứ với con hay không? Hoặc đây có phải là thời điểm cần thiết để nói ra điều này với con không?
Trẻ con nhỏ, nhiều nhận thức về thế giới còn hạn chế nên có những vấn đề quá phức tạp, bố mẹ cần cân nhắc để trao đổi với con để tránh những hiểu lầm không đáng có. Tuy nhiên, khi trẻ đã lớn và có nhận thức, được giáo dục về chủ đề này rồi, bố mẹ lại cần cởi mở, trao đổi với con. 2 chủ đề có thể các bố mẹ thường gặp bối rối khi xác định mức độ cần thiết để giao tiếp với con, đó là Tình dục và Tài chính. Nói quá sớm hay né tránh đều có thể khiến giao tiếp với các con trở nên khó khăn.
- TRUYỀN CẢM HỨNG: Vì bố mẹ là một phiên bản sống mà con được quan sát hàng ngày, 24/7 nên các con sẽ luôn thấy thú vị vì biết được cả mặt được và chưa được. Như vậy, một cách tự nhiên, bố mẹ đã có những ảnh hưởng nhất định lên con cái. Nếu các bố mẹ có thể tận dụng những tình cảm này, mối quan hệ mật thiết này để đưa tới cho con những câu chuyện khiến con hào hứng thì hiệu quả nhất định là không nhỏ. Tuy nhiên, các bố mẹ có xu hướng lồng ghép các bài học đạo đức vào những câu chuyện của mình khiến các con không con giữ được cảm hứng như khi nghe chuyện về tuổi thơ và hành trình trưởng thành của bố mẹ vì đó thường là các bài học áp đặt, thiếu tính sáng tạo và chủ động.
Các bố mẹ hãy kể cho con nghe cả về thành công và thất bại của mình. Và quan trọng hơn, mình đã đứng dậy như thế nào sau những cú vấp ngã. Các con có thể qua đó thấy được nhiều điều, từ ý nghĩa của thất bại, sức mạnh của ý chí và sự kiên cường, quyết tâm của mỗi con người đã đem tới những thành quả như thế nào. Và chỉ cần dừng ở đó thôi, tự các con sẽ thẩm thấu và có suy nghĩ của riêng mình.
Chúc các bố mẹ luôn giao tiếp vui vẻ với các con, bởi ta chỉ nói những điều đúng sự thật, tốt đẹp, truyền cảm hứng, cần thiết và hữu ích!