Quay trở lại nỗi sợ hãi của cha mẹ, vậy làm thế nào để không sợ hãi nữa? Sợ hãi đến từ đâu ta sẽ xử lý ở đấy. Có một số nỗi sợ hãi phổ biến thế này:
– Sợ con mãi không tiến bộ: hãy ghi nhật ký lại để xem con có thực sự tiến bộ không? Mỗi con có một tốc độ phát triển khác nhau nên hôm nay tốt hơn hôm qua là tiến bộ rồi. Nếu tốc độ của con chậm, hãy chấp nhận, kiên nhẫn chờ đợi và giúp con tiến bộ mỗi ngày. Muốn đẩy nhanh tốc độ, con phải là người tham gia xây dựng và “phê duyệt” kế hoạch thay đổi vì chúng là người thực hiện chứ không phải chúng ta. Ai cũng chỉ làm tốt những gì mà người ta tin tưởng và cam kết.
– Sợ con không đạt được thành tích: hãy thử hỏi thành tích ấy là do ai đặt ra? Nó có phù hợp với năng lực của con không? Con nghĩ thế nào về thành tích ấy? Đó có phải là mục tiêu của con không hay con có mục tiêu nào khác? Điều gì khó khăn, cản trở con khi không đạt được thành tích?
– Sợ con không đủ hiểu biết: bạn đã hỏi con biết gì về vấn đề đó chưa? Liệu có chắc chắn con không đủ hiểu biết không? Bạn đã tạo ra được những cuộc tranh luận, chia sẻ bình đẳng để con có cơ hội nói ra suy nghĩ của mình chưa? Con có muốn biết thêm gì nữa không? Con có cần trợ giúp gì từ bố mẹ không?
– Sợ con non nớt, không vững vàng, bản lĩnh trong cuộc sống: bạn đã để con vấp ngã thực sự bao giờ chưa? Bạn đã để con đối mặt với thử thách, khó khăn trong cuộc sống bao giờ chưa? Bạn đã để con tập chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra chưa? Bất cứ ai cũng chỉ trưởng thành được từ vấp ngã. Con ngã càng sớm thì đau càng ít.
– Sợ không biết tương lai con nên làm gì để được vui vẻ, thành công: bạn đã hỏi con xem điều gì làm con thấy thích thú, thoải mái khi làm chưa? Bạn và con đã biết con có năng khiếu/sở thích về việc gì chưa? Bạn đã khuyến khích con tìm hiểu xem làm thế nào để biết được điều này chưa? Bạn đã cho con trải nghiệm đủ nhiều để con có sự so sánh chưa? Một công việc thú vị, làm con thấy vui vẻ chưa chắc đã là một công việc ổn định, nhiều tiền như định nghĩa về thành công của xã hội.
– Sợ mình chưa làm cha mẹ tốt: điều gì khiến bạn nghĩ vậy? Con học không tốt hay không thành đạt bằng ai đó ư? Bạn có thành đạt hơn hay học giỏi hơn tất cả mọi người trong xã hội không? Bạn có bao giờ trách bố mẹ vì mình không thành đạt bằng ai đó không?
Có thể các bố mẹ còn có nhiều nỗi sợ hãi và trăn trở, lo lắng khác khác nữa nhưng nếu nhìn sơ sơ vào list trên, có thể thấy những lo lắng của mình khả năng lớn là do mình chưa tham vấn ý kiến của con mà có. Mình mong con độc lập, vững vàng nhưng chỉ vì những nỗi lo sợ do mình tự nghĩ ra mà lại giành quyền quyết định thay con, khiến con mất đi cơ hội trải nghiệm việc tìm hiểu, cân nhắc và ra quyết định.
Nếu đứng ở góc độ của con cái, trong quá trình phát triển, các con đã luôn âm thầm thu nhận được các kiến thức, kỹ năng và mong muốn được tự quyết định nhưng vì chưa có cơ hội, con chưa thể chứng tỏ cho bố mẹ biết mình đã trưởng thành như thế nào để bố mẹ yên tâm buông tay.
Chúng mình muốn tự quyết định cuộc đời của chúng mình. Vậy tại sao không để con cái đóng vai chính trong việc hoạch định tương lai của bọn chúng? Bố mẹ – nếu có mạng lưới bạn bè rộng lớn, có nguồn lực tài chính dồi dào, có một kho tri thức phong phú, một bề dày kinh nghiệm đáng ngưỡng mộ thì đó là một kho báu lớn của con cái. Tuy nhiên, kho báu đó chỉ đáng giá khi bố mẹ dừng lại và vui vẻ với vai trò là người gợi ý, hỗ trợ, đồng hành tích cực để cùng con thực hiện hành trình đó thôi. Các con chúng mình khôn lắm, chúng luôn ý thức được kho báu ở đó và sẽ biết cách khai thác khi cần.
Đến đây, chắc hẳn lại có 1 loạt câu hỏi của phụ huynh nảy lên: tôi hỏi rồi nhưng con tôi nó cũng chả biết nó thích gì, tôi hỏi nhưng con tôi không nói, tôi hỏi gì nó cũng bảo “Tùy mẹ”….Đấy lại là một chủ đề khác: chia sẻ và kết nối với con.
Hẹn các bạn ở post sau nhé!