Theo thói quen, tôi thường dùng cụm từ “hành trình phát triển sự nghiệp” hoặc “hành trình hướng nghiệp” khi chia sẻ với các bạn trẻ và bậc phụ huynh về chủ đề này. Tôi không mấy bận tâm về việc sử dụng những cụm từ đó vì tôi cứ coi nó là điều hiển nhiên, tất yếu vì công cuộc lựa chọn, theo đuổi và phát triển nghề nghiệp thường lâu lắm. Nó như một bản nhạc với đầy đủ nốt thăng, nốt trầm, nhiều dấu hóa và phát ra rất nhiều giai điệu khác nhau ở mỗi khoảng thời gian.
Tuy nhiên, thực trạng gần đây khiến tôi phải suy nghĩ và thấy cần phải viết thêm 1 bài làm rõ về hành trình này. Đó là việc sau 1 buổi làm việc sơ bộ đầu tiên, các em học sinh, thậm chí là các bạn đã đi làm cảm thấy vui mừng và thỏa mãn trước những nhận thức mới về bản thân hoặc nhìn thấy những cửa sáng trong việc hoạch định nghề nghiệp. Đây là tín hiệu vui nhưng sau đó, các bạn đã không thực sự tiếp tục làm theo các bước cần thiết mà vội vã ra quyết định hoặc bỏ lửng đó, để thời gian cuốn đi. Sau một thời gian hỏi thăm lại, tôi thấy các bạn đã chọn ra 1 trường tương đối đại khái hoặc các bạn trẻ có trăn trở về phát triển nghề nghiệp vẫn chưa có gì chuyển biến. Tôi thực sự cảm thấy buồn và tiếc vì dường như các bạn đã hơi thiếu kiên nhẫn.
Một buổi gặp chuyên gia thông thường chỉ là sự mở đầu với những nhận thức mới về bản thân. Tuy nó rất tích cực và có ích cho việc mở ra một kế hoạch phát triển nghề nghiệp nhưng nó chưa đủ. Bản thân mỗi cá nhân đều đã quen với nếp suy nghĩ cũ, hành vi cũ và thói quen cũ hình thành từ lâu. Một nhận thức mới đến có khả năng thay đổi những thứ cũ, làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn nhưng nó luôn tối thiểu là cần thời gian và nhiều hơn thế sẽ cần một người bạn đồng hành. Trừ một số cá nhân có tính cam kết và mục tiêu rất cao, tự thân có thể thực hiện tất cả các kế hoạch do mình vạch ra còn với phần đông, chúng ta cần có lời hứa với các đối tượng bên ngoài để nâng tính cam kết và tránh “tặc lưỡi”. Ngay từ những việc tưởng chừng rất dễ dàng như ăn bớt đi 1 chút hoặc tập thể dục nhiều hơn 1 chút, ai cũng hiểu là mình nên làm, thậm chí cần làm nhưng nếu không có cam kết và giám sát từ bên ngoài, các bạn cũng dễ dàng “tặc lưỡi” và để lỡ các mục tiêu của mình. Chưa kể đến việc xây dựng và phát triển nghề nghiệp, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực tìm kiếm và chọn lọc thông tin, quan sát và đánh giá bản thân, học tập nâng cao trình độ…thì việc có người đồng hành để động viên, khuyến khích, soi chiếu, giám sát và thúc đẩy lại càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.
Đó là lý do cuối mỗi phiên gặp mặt, tôi luôn mời các bạn quay lại khi bất cứ có khó khăn, trăn trở nào vì tôi biết, hành trình này rất dài và luôn cần người đồng hành để thay đổi, hiện thực hóa ước mơ thành công.
Vậy nên đi cùng người đồng hành trong bao lâu là đủ?
Nếu lý tưởng thì mỗi người đều nên có một người đồng hành đủ hiểu biết về thị trường nghề nghiệp, đủ hiểu con người mình để có thể chia sẻ và giúp đỡ mình trong suốt quá trình gây dựng và phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện hạn chế nên hiếm ai tìm được một người đồng hành cùng suốt cả chặng đường mà mỗi giai đoạn có thể thay đổi, là những người khác nhau, phù hợp với từng thời điểm. Thông thường, người đồng hành này tốt nhất là bạn bè, người thân.
Trong những trường hợp cần thiết, bạn cần giúp đỡ nhưng người quanh ta không giúp được mà phải tìm tới chuyên gia, thời gian lý tưởng để làm việc với các chuyên gia nên là 3 tháng. Đây là thời gian đủ để các chuyên gia giúp bạn gỡ rối vấn đề, theo dõi các hành động để giải quyết vấn đề, tiếp tục hỗ trợ nếu quá trình hành động gặp khó khăn và gây dựng các tư duy mới và thói quen mới. Mật độ gặp gỡ có thể tùy thuộc vào mức độ phức tạp của tình huống và yêu cầu tiến triển của vấn đề.
Vậy nên hãy đừng tự thỏa mãn hoặc cho rằng buổi đầu tiên không có gì đặc biệt mà từ chối có một người đồng hành trong hành trình của mình! Tôi chắc chắn với các bạn một điều, nếu tìm được người đồng hành phù hợp, bạn sẽ tiến nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với đi một mình đó! Cá nhân tôi cũng có coach riêng và cam kết đồng hành dài hạn.
Chúc các bạn tìm được cho mình người đồng hành thật xịn xò trong hành trình phát triển sự nghiệp!
ThanhBình