Quản trị kinh doanh là một tên ngành khá phổ biến hiện tại, cũng là cứu cánh cho các bạn chưa biết mình thực sự muốn học chuyên ngành cụ thể nào. Tuy nhiên, khi tham gia các diễn đàn về Hướng nghiệp, tôi thấy có những em sinh viên học chuyên ngành này vẫn đang rất băn khoăn về ngành đã chọn. Bởi lẽ trong khi các bạn học ngành Kế toán, Kiểm toán, Marketing hay Ngân hàng thì ra trường, công việc tương lai thấy rất rõ. Nhưng Quản trị kinh doanh thì ra làm gì? Có phải học ngành này ra để làm sếp không? Nhưng chúng em vừa mới ra trường như thế này ai cho làm sếp? Nếu không làm sếp thì em làm nghề gì?
Quả thực những câu hỏi này là hoàn toàn có lý. Tôi không biết khi các em vào chuyên ngành này, có ai đã giúp em hiểu về ngành và giải thích cặn kẽ cho các em không. Tuy nhiên, khi thấy các em còn băn khoăn vì các câu hỏi này, tôi nghĩ mình cần viết một bài giải thích.
Quản trị kinh doanh là việc quản lý một hoạt động kinh doanh. Phạm vi của việc này rất rộng, bao gồm công tác quản lý tất cả các khía cạnh trong một hoạt động kinh doanh như: kế toán, marketing, bán hàng, nhân sự… Như vậy, đúng là trong một doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh doanh, thường chỉ có những người đứng đầu mới hay có cái nhìn hoặc phải chịu trách nhiệm bao quát toàn bộ các khía cạnh này. Vậy nên nhiều người có thể hiểu lầm là học ngành Quản trị kinh doanh để khi ra trường làm sếp.
Thực chất, chúng ta phải hiểu đúng rằng: chuyên ngành Quản trị kinh doanh cung cấp cho ta cái nhìn tổng thể về các khía cạnh của hoạt động kinh doanh. Nhưng cái nhìn đó phục vụ mục đích gì thì thực tế, không hạn chế ở việc làm sếp. Nếu ở vị trí nhân viên và làm một việc công việc cụ thể nhất định, việc có một cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp, hiểu được nghiệp vụ, chức năng và mối liên hệ của các phòng ban cũng giúp cho ta rất nhiều. Nó khiến cho ta thực hiện các chỉ tiêu cốt lõi – KPI – của bản thân dễ dàng hơn do tận dụng được sự hỗ trợ của các phòng ban khác. Đồng thời, nó cũng khiến cho việc hợp tác với phòng ban khác trơn tru, nhờ đó tăng sự hiện diện và uy tín của bản thân trong công ty. Cơ hội thăng tiến chắc chắn cũng sẽ sáng lạn hơn những người chỉ biết duy nhất về chuyên ngành hẹp của mình.
Ví dụ như khi bạn làm vị trí bán hàng. Nếu bạn hiểu được marketing là các hoạt động hỗ trợ bán hàng, tạo ra các cơ hội bán hàng trên diện rộng thì bạn sẽ tham gia đầy đủ, nhiệt tình vào các sự kiện marketing của công ty. Nhờ đó, bạn sẽ có cơ hội tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn, có cơ hội đạt KPI về doanh thu tốt hơn và dĩ nhiên, đó chính là cơ hội lấy điểm trong mắt sếp và tăng cơ hội thăng tiến trong công việc. Còn nếu như bạn không ý thức được điều này, bạn sẽ không tận dụng hết sức mạnh của hoạt động marketing, không tham gia góp ý để hoạt động marketing hiệu quả hơn và phục vụ tốt hơn cho công việc của mình, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội trở thành người có doanh thu cao và cơ hội thăng tiến do vậy cũng sẽ xa hơn với bạn.
Vậy điểm hạn chế của việc học ngành này là gì?
Sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh khi ra trường, nếu không trang bị cho mình một chuyên ngành bổ trợ thì đúng là sẽ gặp khó khăn khi đi xin việc. Với một xuất phát điểm thấp, chưa có kinh nghiệm làm việc trong doanh nghiệp/tổ chức, bản thân tuổi đời cũng còn trẻ và thiếu trải nghiệm, các bạn sinh viên sẽ khó lòng phát huy được rất nhiều kiến thức bề rộng của mình do nhà trường trang bị cho về ngành học này. Trong khi đó, phần lớn các đơn vị tuyển dụng sẽ yêu cầu các bạn sinh viên cần có một kỹ năng cụ thể để thử sức, bắt đầu từ những công việc cụ thể và có phạm vi hẹp như: kế toán, nhân sự, marketing…
Vậy lời khuyên cho các bạn học chuyên ngành này là gì?
Đầu tiên là hãy học tốt tất cả các môn học trong trường và hiểu rằng, chuyên ngành này cung cấp cho mình một kiến thức bề rộng về hoạt động của doanh nghiệp/tổ chức kinh doanh. Mỗi môn học đều quan trọng và có giá trị.
Tiếp đó, các bạn hãy chọn cho mình một chuyên ngành sâu hơn, phù hợp với sở trường của bản thân để học thêm. Việc này nhằm mục đích chuẩn bị cho tương lai trước mắt, khi vừa ra trường. Với kiến thức và các kỹ năng chuyên sâu, các bạn sẽ dễ tìm việc hơn.
Sau đó, trong quá trình học chuyên ngành sâu hơn, hãy cố gắng thực hành hoặc làm thêm các công việc có ứng dụng chuyên ngành sâu (bán hàng, kế toán, marketing…). Đồng thời trong quá trình trải nghiệm, hãy quan sát vị trí và mối quan hệ của những công việc này và các công việc khác trong tổ chức (quan trọng đến mức nào, hay liên hệ mật thiết với bộ phận nào, cần sự hỗ trợ của phòng ban nào…). Từ đó, liên hệ với các kiến thức được học ở trường về các khía cạnh kinh doanh khác. Việc quan sát này, các bạn hãy giữ liên tục cho đến khi đi làm thực tế và nó sẽ là vốn kiến thức rất quan trọng để phát huy khi có cơ hội thăng tiến, khi các bạn đến tuổi làm sếp.
Quá trình tích lũy kinh nghiệm và sự quan sát, cộng thêm với các kiến thức rộng được trang bị trong nhà trường khi học Quản trị kinh doanh sẽ khiến cho bạn có thể trở thành một nhà quản lý tốt – ý là một người Sếp tốt đó.
Vậy nên các bạn trẻ học Quản trị kinh doanh, hoặc bố mẹ có con chọn chuyên ngành này, đừng quá hoang mang và lo lắng. Khi hiểu được bản chất của ngành học và những thứ cần chuẩn bị cho con đường sự nghiệp, chắc chắn ngành này sẽ là một hành trang tốt cho các bạn “mau” trở thành Sếp hơn …. vào một năm nào đó … sau khi đã làm tốt vài năm công việc chuyên ngành sâu …
Chúc các bạn học vui và thành công, trở thành sếp giỏi!