Các bạn trẻ có ít kinh nghiệm thường khá băn khoăn, không biết cần phải chuẩn bị những gì khi bước vào một cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Tôi thì thường nói đùa rằng: chẳng cần chuẩn bị gì cả, chỉ cần chuẩn bị một tâm hồn đẹp thôi! Nói là đùa nhưng thực chất đó là một lời nhắn nhủ rất chân tình và hàm ý rộng tới người nghe.
Tâm hồn đẹp ở đây nhằm đề cập tới mấy thứ: tâm thế, thái độ và kiến thức cần cho một buổi phỏng vấn.
Tâm thế:
- Hãy đi phỏng vấn với một tâm thế thoải mái, tự tin như khi bạn đi gặp một đối tác để làm dự án. Cho dù người phỏng vấn bạn có đại diện cho một doanh nghiệp lớn cỡ nào, trong cuộc phỏng vấn này, họ và bạn bản chất cũng đang là đối tác của nhau. Họ cần bạn cho một vị trí nhất định để vận hành công việc, để giúp tổ chức phát triển và đạt mục tiêu của họ; và tương tự, bạn cần một công việc thích hợp để cống hiến, để phát triển bản thân và để kiếm tiền.
- Tất nhiên trong một số trường hợp nhất định, mỗi bên có thể có quyền lực hơn bên kia, ví dụ như một trong hai bên không có nhiều thời gian để kén chọn, không có đủ nguồn lực để đáp ứng bên còn lại… Tuy nhiên, các bạn hãy hiểu rằng, bên ít quyền lực hoàn toàn có thể là tổ chức tuyển dụng chứ không nhất thiết là cá nhân đi tìm việc. Xác định tâm thế như vậy sẽ khiến cho các bạn có quyền lực lớn hơn nhiều trong quá trình đàm phán lương và phúc lợi.
- Hãy chuẩn bị tâm thế đón nhận sự từ chối vì không phải hai bên lúc nào cũng có thể khớp được với nhau và không phải lúc nào từ chối cũng là do nguyên nhân về năng lực. Cá nhân đi tìm việc cũng có thể từ chối tổ chức khi thấy không phù hợp về văn hóa, về phương thức làm việc, về mức thù lao đãi ngộ…
- Vì mỗi người đi làm dự định đây sẽ là nơi dành ít nhất 8h/ngày nên chọn một chỗ thực sự thích hợp và khiến mình thoải mái tinh thần, thể chất để sống, để cống hiến là điều quan trọng. Hãy thoải mái khám phá, hỏi han về tổ chức mình đang ứng tuyển về những điều mình quan tâm nhưng còn thắc mắc hoặc chưa tìm hiểu được. Thực chất, phỏng vấn chính là cơ hội để tổ chức đánh giá các bạn nhưng cũng là cơ hội để bạn đánh giá tổ chức xem có thực sự phù hợp với mình không.
Thái độ:
- Hãy tới cuộc phỏng vấn với một thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp, tôn trọng đối phương. Nhìn chung, thái độ này thể hiện ở việc: đúng giờ, trang phục phù hợp, ngôn ngữ giao tiếp đúng mực.
- Thái độ nghiêm túc còn thể hiện ở việc các bạn tìm hiểu kỹ về công việc mình ứng tuyển, hiểu rõ yêu cầu công việc, so sánh với năng lực, trình độ của mình và bước đầu thấy có sự tương thích. Đừng đến gặp nhà tuyển dụng với một sự lơ mơ và mịt mù về công việc mình sắp ứng tuyển vì như vậy sẽ khiến cho cả 2 bên cùng bị lãng phí thời gian. Nhà tuyển dụng cảm nhận việc này rất nhanh và rõ ràng.
- Nếu bạn thấy rất hứng thú với công việc này, đừng ngại tỏ ra điều đó với Nhà tuyển dụng. Nếu bạn có thể cho họ thấy bạn hứng thú đặc biệt vào 1 vài công việc và có thể làm nó tốt như thế nào, thậm chí tốt hơn hiện tại như thế nào với các kinh nghiệm, kỹ năng đã có của mình thì càng tuyệt vời.
- Bạn cũng hãy chuẩn bị một thái độ ham học hỏi, sẵn sàng đón nhận các thử thách. Không có công việc nào hoàn toàn giống nhau, cho dù tên vị trí có thể giống nhau vì mỗi tổ chức có một phương thức vận hành khác nhau, văn hóa làm việc khác nhau. Vậy nên việc sẵn lòng học hỏi và thử những thứ mới mẻ là điều quan trọng mà mỗi nhà tuyển dụng đều cần ở một nhân viên, đặc biệt là nhân viên trẻ.
Kiến thức:
- Kiến thức chuyên môn cần thiết cho vị trí ứng tuyển là điều bắt buộc bạn phải có và vững vàng khi tới cuộc phỏng vấn
- Trong những vòng ngoài gặp bộ phận Nhân sự, bạn có thể không gặp các câu hỏi về kiến thức chuyên môn mà sẽ được hỏi về bản thân bạn như: giới thiệu về bản thân, kinh nghiệm làm việc, những trải nghiệm thành công/thất bại… Nghe những câu hỏi này có vẻ không liên quan tới kiến thức nhưng thực chất là rất liên quan. Mục tiêu của câu hỏi là để đánh giá mức độ phù hợp của bạn với tổ chức nên bạn cần phải trả lời để họ thấy bạn phù hợp với tổ chức như thế nào. Điều đó đòi hỏi bạn phải dành thời gian nghiên cứu về tổ chức bạn ứng tuyển (mô hình tổ chức, danh tiếng trên thị trường, văn hóa công ty….), về ngành nghề họ đang hoạt động… Bạn càng có kiến thức về những thứ này, bạn càng kết nối dễ dàng hơn với họ và chỉ cho họ thấy được bạn sẽ đóng góp như thế nào cho tổ chức, bạn có lợi thế bắt nhịp công việc hơn các ứng viên khác như thế nào….
Đấy, không có gì nhiều đâu, chỉ cần một tâm hồn đẹp thôi! Cho dù bạn có nhận được hay chấp nhận thư Offer công việc hay không, bạn cũng đã thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã nghiêm túc lựa chọn tổ chức để đồng hành và phù hợp với công việc này như thế nào. Còn có đến được với nhau hay không lại còn do nhiều yếu tố khác nữa. Rất có thể họ thấy tiếc vì không thể tuyển được bạn đấy!
ThanhBình