Nói dối là một điều không hề xa lạ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Người lớn nói dối, trẻ con cũng nói dối.
Trong một nghiên cứu của Mỹ với hơn 1000 người, từ 6 đến 77 tuổi thì nhóm trẻ em và người già nói dối ít nhất, còn người trưởng thành nói dối nhiều nhất (*). Và trong 1 báo cáo khác, người ta nhận thấy học sinh trung học nói dối khoảng 4.1 lần trong 24h, tức là cao hơn 75% so với học sinh Đại học cao đẳng và gấp 1.5 lần so với người lớn nói chung (**).
Vậy lý do chính là gì khiến cho học sinh trung học – teens lại nói dối nhiều hơn các nhóm người khác như vậy? Và liệu nói dối tới mức nào thì là vấn đề nghiêm trọng.
Thông thường, có một vài nguyên nhân khiến cho các bạn teens phải nói dối:
- Khẳng định những nguyên tắc của bản thân: ở tuổi này, các bạn rất muốn chứng tỏ và khẳng định sự tự do và trưởng thành, độc lập của mình nên có thể tự đặt ra một số nguyên tắc để phục vụ cho mong muốn này. Tuy nhiên, khi gặp phải sự kiểm soát hoặc hạn chế của bố mẹ, teen sẽ phải nói dối để che giấu sự thật, che giấu mong muốn thực tế của mình. Ví dụ: các bạn gái muốn trang điểm khi tham gia các kỳ cuộc nhưng bố mẹ thì cho rằng con chưa đến tuổi sử dụng mỹ phẩm. Do vậy, rất có thể các bạn sẽ phải nói dối để có tiền mua mỹ phẩm để sử dụng khi cần thiết.
- Tránh bị phạt: điều này thì dễ hiểu vì người lớn cũng có thể áp dụng trong một số trường hợp, khi đã từng thống nhất nguyên tắc rồi nhưng không thực hiện được theo cam kết. Ví dụ: con thống nhất làm xong bài rồi mới chơi điện tử, nếu không sẽ bị thu thiết bị. Con ý thức được mình đã vi phạm nguyên tắc khi chơi lúc chưa xong bài nhưng vẫn không muốn đối mặt với hình phạt nên nói dối là đã làm xong bài rồi.
- Bao che cho bạn bè: Teen bị ảnh hưởng rất lớn từ các bạn và cũng rất coi trọng các mối quan hệ bạn bè. Do đó, các bạn teen đôi khi sẽ sẵn lòng nói dối để bao che cho bạn và coi đó là một hành động bảo vệ hoặc trung thành với bạn. Ví dụ: Con có thể nói dối là bạn học tốt, chăm chỉ, đưa ra các lý do để giải thích cho hành động của bạn nếu thấy bố mẹ tỏ ý nghi ngờ bạn, không thích bạn và có thể gây ảnh hưởng lên mối quan hệ của mình với bạn.
- Mang lại được niềm vui cho bố mẹ: Teen có thể nói dối chỉ để nhận được sự chấp nhận của bố mẹ và tránh những nỗi buồn, sự thất vọng cho bố mẹ. Ví dụ: khi thấy bố mẹ rất tin tưởng và tự hào ở mình, teen có thể che giấu việc khó khăn khi học một môn học nào đó hoặc bị điểm kém môn nào đó ở trường
- Che giấu cảm xúc thật của mình: teen nhiều khi cũng gặp những khó khăn trong việc hiểu chính những cảm xúc thất thường của bản thân mình hoặc diễn đạt chúng ra bên ngoài. Vì thế, các bạn ấy chọn cách nói dối để cho dễ. Ví dụ trong lòng một bạn trai đang có rất nhiều nỗi niềm trong quan hệ với bạn của mình, tuy nhiên, bạn ấy luôn luôn nói là con với bạn vẫn ổn, chả có vấn đề gì cả. Bố mẹ chỉ biết đến quan hệ thực sự khi đến một ngày, hai bạn không còn chơi với nhau nữa.
Những lý do trên tương đối phổ biến khiến cho các bạn phải nói dối và hoàn toàn có thể hiểu được. Điều quan trọng là, biết được những nguyên nhân này, bố mẹ hoàn toàn có thể tạo không gian và điều kiện để teen không cần nói dối nữa.
- Trở thành những bố mẹ kiểu mẫu: qua lời nói và cả hành động, bố mẹ hãy sống với ít lời nói dối nhất có thể (tôi vẫn biết là chúng ta đôi khi vẫn phải nói không đúng sự thật vì sự bình an của mình và của người khác). Teen cũng có nhận thức tương đối về cuộc sống rồi nên khi buộc phải nói dối, bạn cũng có thể cho con biết mục đích, ý nghĩa của việc nói dối này để con cũng hiểu được bản chất của lời nói dối. Còn nếu bố mẹ có những lời nói dối rõ ràng và thiếu động cơ ý nghĩa thì con cái sẽ học điều đó rất nhanh.
- Tạo không gian an toàn để con có thể chia sẻ thoải mái, từ những niềm vui và những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
- Xây dựng những nguyên tắc chung với sự tham gia của cả hai bên. Ví dụ: giờ giới nghiêm. Nếu bố mẹ muốn con về lúc 10h tối trong khi con cái lại muốn về lúc 12h thì có thể thỏa thuận để đạt được mức hợp lý chung, 11h chẳng hạn. Còn nếu không, bố mẹ hãy chuẩn bị nghe những lý do kiểu như: con không gọi được xe, con bị nhỡ xe bus, điện thoại con hết pin…., chỉ để che chắn cho mục tiêu về muộn hơn 10h
- Kiểm soát cảm xúc của bản thân: khi nhận thấy con nói dối, bố mẹ cần bình tĩnh xử lý cảm xúc của mình vì mọi cơn giận hay những cảm xúc quá mức đều không giải quyết được tình hình mà chỉ khiến mọi việc thêm căng thẳng.
Hãy bình tĩnh đón nhận sự việc, cho con cơ hội giải thích và đối mặt với tình huống. Bố mẹ cũng có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm nhận của mình về tình huống nhưng tất cả đều được trao đổi trong một thái độ bình tĩnh. Cách tiếp cận như vậy của bố mẹ sẽ khiến con cái cũng bình tĩnh hơn khi nhìn nhận sự việc, dám chịu trách nhiệm về hậu quả mình gây ra và có thể làm tốt hơn trong những lần tiếp theo
- Tránh gán nhãn “dối trá” khi con nói dối. Cũng như việc gán cho con những cái nhãn tiêu cực khác, việc gán nhãn “dối trá” sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành sự tự trọng, tự tôn bản thân của trẻ và nó sẽ có tác hại rất lâu dài. Thay vì việc tránh nói dối, trẻ bị gán nhãn “dối trá” sẽ có xu hướng tiếp tục nói dối vì tin là mình là kẻ dối trá thật.
Vậy khi nào thì chúng ta cần coi việc nói dối là nghiêm trọng và thậm chí có vấn đề bệnh lý? Đó là khi:
- Nói dối nhiều, trong nhiều tình huống khác nhau
- Trẻ nói dối mà không có nguyên nhân rõ ràng, cụ thể
- Nói dối liên tục trong một thời gian dài
- Trẻ nói dối mà không do các nguyên nhân về bệnh tâm thần
Trong các trường hợp đã là bệnh lý, bố mẹ có thể phải tham vấn những người có chuyên môn để hỗ trợ xử lý.
Chúc các bố mẹ thư giãn, thả lỏng và đón nhận nếu con mình có nói dối.
ThanhBình
Nguồn tham khảo:
(*): https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0001691815300184
(**): https://www.researchgate.net/publication/271669427_Teenagers_Lie_a_Lot_A_Further_Investigation_into_the_Prevalence_of_Lying