Trong khi phong trào Khởi nghiệp trở nên rộn ràng ở các bạn trẻ thì tôi thấy có một bộ phận không nhỏ các bạn được bố mẹ định hướng theo con đường Kế nghiệp – duy trì và phát huy doanh nghiệp của gia đình. Trước đây, do điều kiện kinh tế xã hội, Kế nghiệp chủ yếu chỉ dừng lại ở việc chọn nghề giống nghề của bố mẹ, vào làm việc ở cơ quan của bố mẹ chứ ít ai có doanh nghiệp riêng để truyền lại cho con. Nhưng ngày nay, với tốc độ phát triển vũ bão của doanh nghiệp tư nhân, việc Kế nghiệp làm thương nhân như bố mẹ trở nên phổ biến hơn rất nhiều.
Vậy bố mẹ là doanh nhân muốn con Kế nghiệp thì cần làm gì thay vì việc cho con một cuộc sống thật thoải mái và sau đó đến lúc thi Đại học thì muốn con chọn ngành Quản trị kinh doanh?
Trước tiên, việc nhìn nhận mức độ yêu thích đối với việc Kinh doanh của con là rất quan trọng. Nếu con không có xu hướng lãnh đạo, khởi xướng, có tính mục tiêu và tham vọng – những đức tính quan trọng và nổi bật của doanh nhân, ta cần nhìn nhận rằng con không thực sự thích hợp với việc làm kinh doanh,. Nếu vẫn muốn con Kế nghiệp, ta xác định con sẽ cần có đối tác hỗ trợ về mảng duy trì và phát triển kinh doanh, trong khi con phát huy thế mạnh của mình ở một mảng nhất định trong doanh nghiệp (nếu thích hợp).
Nếu con sớm thể hiện những đặc tính thích hợp với việc Kinh doanh, xin chúc mừng bố mẹ vì đã có một hậu bối giúp mình duy trì sản nghiệp. Điều quan trọng hơn nữa, đó là tạo lợi thế cho con so với các bạn phải tự Khởi nghiệp. So với việc Kế nghiệp ở các ngành nghề khác mà bố mẹ đi làm thuê, bố mẹ làm chủ doanh nghiệp sẽ có điều kiện chủ động hơn trong việc giúp con tiếp cận, quan sát và thử nghiệm từ khi còn nhỏ, xuất phát từ những công việc, vị trí nhỏ tại công ty, bên cạnh việc học lý thuyết ở trường về kinh doanh. Với việc đầu tư sớm và đúng hướng, lại có bố mẹ sát cánh để chỉ dạy với những kinh nghiệm của mình, chắc chắn các con sẽ bay cao và bay xa hơn cả bố mẹ, phát triển sản nghiệp của gia đình tốt hơn bố mẹ.
Vậy bố mẹ sẽ tạo lợi thế như thế nào cho con hoặc có thể làm gì để giúp con cái sẵn lòng trải nghiệm và thích thú với việc Kế nghiệp kinh doanh?
Trước tiên từ phía bố mẹ, hãy cho con thấy được những ý nghĩa, giá trị tốt đẹp trong sự nghiệp kinh doanh của mình thông qua những câu chuyện hàng ngày và chia sẻ trong các hoạt động sinh hoạt gia đình. Con cái thường bị ảnh hưởng vô thức và được truyền cảm hứng rất nhiều từ bố mẹ. Nếu bố mẹ làm tốt việc này thì một đứa trẻ có thiên hướng kinh doanh sẽ sớm được thu hút vào việc tìm hiểu nghề nghiệp.
Tiếp theo, bố mẹ có thể rủ con tham gia vào các dự án, công việc nho nhỏ của công ty, thích hợp với trình độ của con, kèm theo những lợi ích phù hợp. Thông thường, trẻ có xu hướng kinh doanh cũng rất dễ bị thu hút bởi việc được thấy mình quan trọng và có sự ảnh hưởng, được ghi nhận nói chung và ghi nhận bằng vật chất nói riêng khi hoàn thành các mục tiêu. Các trải nghiệm của con với việc kinh doanh sẽ được nâng tầm dần dần và đến lúc thích hợp, bố mẹ có thể tạo điều kiện cho con tham gia gặp gỡ, trao đổi với các đối tác, với những người thành công để con được truyền cảm hứng thêm trong công việc. Việc con tham gia làm việc, trải nghiệm cũng sẽ cho các con những bài học thực tế quý giá về quyền lợi – trách nhiệm, nỗ lực – kết quả, sai sót – trả giá, rủi ro – lợi nhuận … Những bài học này khi được học từ sớm, các con sẽ học được nhiều hơn với chi phí ít hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Ngoài ra, việc bố mẹ đi cùng và kèm cặp con trong việc tham gia và thực hiện dự án cũng là một cách truyền nghề rất hiệu quả thông qua thực tiễn, khiến các con ghi nhớ và tiếp nhận nhanh hơn, sâu sắc hơn. Điều này không chỉ dừng lại ở những kiến thức kinh doanh mà còn là sự kết nối và chuyển giao giữa các thế hệ trong gia đình về các giá trị tinh thần bố mẹ muốn truyền đến con và muốn lưu giữ, phát huy tại doanh nghiệp của mình sau này.
Một thực tế thường thấy là bố mẹ doanh nhân vốn không có thời gian làm việc cố định nên hay bỏ qua việc thu xếp thời gian dành cho con cái. Do vậy, bố mẹ đã bỏ qua cơ hội dìu các con vào nghề dần và tạo điều kiện khác biệt đáng kể cho con với các doanh nhân Khởi nghiệp khác. Đây là điều rất đáng tiếc vì nguồn lực bị bỏ phí. Bên cạnh đó, vì không có thời gian nên bố mẹ lại chọn cách dành cho con các điều kiện vật chất tốt nhất để bù đắp. Cho con điều kiện vật chất tốt không sai, song không cho con những trải nghiệm để học những bài học về hưởng thụ – trách nhiệm sẽ khiến cho tình yêu thương này trở thành lạc lối.
Một vài chia sẻ với các bố mẹ là doanh nhân đang đi tìm người Kế nghiệp. Chúc các bố mẹ tìm được cách nâng đỡ, dìu dắt hậu bối của mình một cách hiệu quả nhất và phát triển cơ ngơi của gia đình ở mức tốt nhất có thể.
ThanhBình