Chuẩn bị cho năm mới, tôi chọn xem 1 bộ phim truyền cảm hứng và Netflix gợi ý phim The swimmers – Những người bơi lội.
Nội dung phim dựa trên câu chuyện có thật về Vận động viên bơi lội Syria với giấc mơ được bơi tại giải Olympic thế giới. Bộ phim kể về nghị lực và lòng quyết tâm, bền bỉ của cô gái để vươn tới ước mơ của mình. Tất nhiên bên cạnh kết quả cô đã đạt được mà ai cũng biết thì bộ phim cũng cho thấy một số thông điệp không mới: Bạn hãy luôn hướng về phía ước mơ của mình, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội; Kỷ luật và tập trung là yếu tố làm nên thành công; Gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc để bạn nương tựa khi khó khăn và tiếp thêm sức mạnh để bạn nỗ lực…
Điều thú vị không nằm ở bộ phim mà nằm ở cuộc thảo luận của tôi với các con về bộ phim. Các con tôi chia sẻ về sức ép và những thách thức “vượt sướng” của các con – những người được sinh ra và lớn lên trong sự đầy đủ. Các con cảm thấy ấm ức khi bị những người lớn bảo là “Sướng quá hóa rồ” vì các con thấy mình không được thấu hiểu. Đâu đó con cũng được giáo dục về yêu thương và chia sẻ bởi các hình ảnh về những người khó khăn về vật chất hoặc khuyết tật và các con hoàn toàn hiểu được điều đó. Tuy vậy, hiểu không có nghĩa là các con phải hành xử như những người đã hoặc đang trải qua khó khăn.
Về điểm này, tôi phải đồng ý với các con vì về mặt khoa học, não chúng ta sinh ra để thích nghi và hướng tới sự an toàn, thoải mái. Vậy nên khi các con đang có mọi điều thoải mái, não sẽ không có động lực gì để tạo ra khó khăn, trở ngại để làm gì khác mà sẽ thoải mái hưởng thụ hiện tại. Và người lớn chúng ta cũng vậy, “sướng quen rồi, khổ không chịu được”. Trong khi đó, các bạn có hoàn cảnh khó khăn, não sẽ phải tìm mọi cách để hướng tới và tìm cách đạt được sự thoải mái nên động lực lớn, rõ ràng và thuận theo tự nhiên hơn rất nhiều.
Có thể nói, ở góc độ đó, “học sinh giàu vượt sướng” gặp trở ngại về mặt tinh thần khá lớn do cần “lội ngược dòng” và cần được hỗ trợ để tìm ra động lực chứ không chỉ đơn giản như người lớn nghĩ: bố mẹ trang bị cho đầy đủ rồi, chỉ mỗi việc học mà cũng không xong. Nếu các con được giúp đỡ, khơi gợi để có động lực, các con sẽ “lội ngược dòng” dễ dàng và thuận lợi hơn.
Hiểu như vậy để các bố mẹ không thấy trăn trở, lo lắng vì “con em chả có động lực”. Vì thực chất, đây là một vấn đề chung của thế hệ các con Gen Z và Gen Alpha chứ không phải cá biệt ở một bạn nhỏ nào. Hiểu như vậy, các bố mẹ cũng sẽ thông cảm hơn với những khó khăn của các con, để bình tĩnh lắng nghe các con hơn để cùng con tìm động lực trong học tập, trong cuộc sống. Bố mẹ cũng có thể tạo ra những “trở ngại”, “khó khăn” nhất định trong cuộc sống, tùy theo điều kiện của gia đình để thôi thúc và kích thích các con phấn đấu và có động lực hơn. Ví dụ: các con cần tự thực hiện các việc phục vụ bản thân và làm việc nhà hàng ngày, các con cần có những thành tích nhất định để đạt được những phần thưởng mà con mong muốn…
Tuy nhiên, có điều đáng lưu tâm là tôi gặp nhiều bố mẹ than thở: “Em chẳng biết tạo khó khăn như thế nào? Nếu không thuê người dọn dẹp thì em làm không xuể mà thuê người thì bọn nó cứ ì ra” hoặc “Con em nó chả có nhu cầu gì nên em không nghĩ được phần thưởng gì”. Như vậy, bố mẹ đang đứng trước thực tế là mình muốn rèn cho con mình những thứ chưa thích hợp với lối sống, sinh hoạt của bố mẹ, của gia đình. Ví dụ: gia đình có giúp việc 24/7, bố mẹ không phải tham gia việc nhà thì rất khó mong đợi việc rèn luyện thành công con làm việc nhà, hoặc do điều kiện gia đình khá giả, con đã được cung cấp tất cả những nhu cầu trong cuộc sống mà không phải có nỗ lực gì thì việc yêu cầu con nỗ lực để có phần thưởng không thiết yếu cũng rất khó khăn…. Bởi vậy nên bố mẹ cần cân nhắc để điều chỉnh lối sống của chính bản thân mình và gia đình, tạo điều kiện cho con có chút “thiếu thốn” để có động lực vượt sướng thành công.
ThanhBình