Câu hỏi này thoạt tiên nghe rất buồn cười vì phần lớn các bố mẹ khi tôi gặp đều đang than phiền là con họ lười học, lười đọc, lười tìm hiểu, ngại mày mò. Tuy nhiên, một cô bé sinh viên năm 2 đến với tôi trong tâm trạng rất băn khoăn lại thôi thúc tôi phải viết bài này.
Cô bé ấy chia sẻ rằng: khi học phổ thông, con vốn là học sinh chăm ngoan nên việc thi đỗ Đại học cũng không phải vấn đề quá to tát. Vào Đại học, con vẫn tiếp tục là một sinh viên chăm chỉ. Con lên lớp đầy đủ, học bài cần mẫn, rồi cũng mày mò rất nhiều lớp học để học thêm các kỹ năng mới, nghe nói là sẽ tốt cho việc đi làm sau này. Tuy nhiên, sau 1 năm miệt mài như vậy, con bắt đầu thấy có gì đó không ổn. Con cảm thấy sao mình học nhiều, biết nhiều nhưng mình vẫn không thể nhanh nhẹn, năng động như các bạn cùng lớp. Nếu xét về kết quả học tập thì các bạn đó thậm chí còn thua kém còn nhưng con không sao có được sự tự tin, vui tươi của các bạn. Con cảm thấy rất lo lắng, băn khoăn về điều này.
Thực ra, ca này làm tôi rất mừng vì cũng nhờ chịu đọc, chịu tìm hiểu mà con đã sớm tìm đến chuyên gia để giúp đỡ khi mình có vấn đề. Băn khoăn của con là hoàn toàn có thể hiểu được vì nó đang là một ví dụ minh họa rất tuyệt của mô hình học tập 70-20-10. Vậy nên chỉ cần trò chuyện với nhau trong 60 phút, chia sẻ với con về mô hình học tập này, con đã biết vấn đề nằm ở đâu và sắp tới sẽ phải làm gì để xây dựng sự tự tin cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc đi làm, bên cạnh học tập chăm chỉ.
Mô hình học tập 70-20-10 được phát triển bởi 3 nhà khoa học người Mỹ – Morgan McCall, Robert Eichinger and Michael Lombardo – từ những năm 1980. Sau này, mô hình học tập được ứng dụng rộng rãi trong các trường học và doanh nghiệp khi thiết kế các chương trình đào tạo và phát triển nhân lực. Mô hình 70-20-10 nói rằng:
- 70% việc học là thông qua trải nghiệm
- 20% việc học là thông qua tương tác và học hỏi từ người khác
- 10% việc học là thông qua trường lớp, các khóa học
Như vậy, mô hình này nhấn mạnh vào việc học tập có thể thực hiện thông qua các con đường khác nhau. Do đó, cho dù có miệt mài học hết khóa học nọ tới khóa học kia, cô bé ấy cũng mới chỉ đi được 10% quãng đường. Trong khi những bạn khác, có thể chưa tham gia khóa học nào nhưng đã học được nhiều hơn 10% thông qua những cách thức khác.
Dựa vào mô hình này, các bạn trẻ nên đa dạng việc học của mình bằng cách:
- Trải nghiệm càng nhiều càng tốt:
- Áp dụng các kiến thức đã học vào những công việc thực tế
- Bắt tay vào thực hiện các dự định, kế hoạch riêng của mình
- Tích cực tham gia và các dự án và làm việc nhóm trong và ngoài trường học, công ty
- Dám thử các nhiệm vụ khó, thách thức, đòi hỏi kết hợp nhiều kỹ năng
- Tham gia các hoạt động cộng đồng và tình nguyện
- Học từ việc tương tác với người khác
- Quan sát người khác làm việc
- Tìm lời khuyên, hỏi ý kiến và nghe các ý tưởng khác nhau
- Xin được làm “đệ tử” (mentee) của những người giỏi nghề, thạo việc (mentor)
- Lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp
Tôi tin rằng, các bạn trẻ luôn có nhiều ý tưởng và dự định riêng, biến cuộc sống của mình trở nên thú vị và khác biệt. Vậy hãy mạnh dạn bắt đầu ngay nhé! Tham gia các khóa học để nắm được những kiến thức và kỹ năng căn bản là việc cần làm. Sau đó, tiếp tục dấn thân vào làm việc, trải nghiệm thực tế, bởi đó chính là con đường học tập mang lại cho bạn nhiều kết quả hơn đó!