Gần đây, tôi có điều kiện làm việc với các bạn trẻ tầm 30 tuổi và nhận thấy có một bộ phận đang cảm thấy khá hoang mang và mơ hồ về cuộc sống của mình.
Có bạn thì băn khoăn vì mình chưa có thành tựu gì nhiều so với những người khác, có những bạn lại ước mơ rất lớn nhưng băn khoăn không biết có phải mình mơ lớn quá không, có viển vông, dở hơi không, hoặc có bạn lại thấy em cái gì cũng ổn rồi, vậy chẳng nhẽ cuộc sống chỉ có vậy thôi sao, em sẽ sống tiếp như thế nào để vui tươi và có động lực như khi em có những mục tiêu này, mục tiêu khác. Có bạn cũng hỏi tôi là em sống an yên với một cuộc sống đơn giản, em muốn dành nhiều thời gian cho bản thân mình, liệu điều này có phải là em đang có lỗi với con cái hay bố mẹ vì không thể đem cho họ cuộc sống đủ đầy với nhiều của cải vật chất không?
Ngồi nghe các bạn chia sẻ, tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với những lo lắng băn khoăn này. Mẫu số chung cho những nỗi băn khoăn này là các bạn đang nghĩ rất nhiều về cuộc sống của mình, trăn trở rất nhiều để làm sao cho cuộc sống tốt hơn. Điều này tôi thấy rất đáng trân trọng và luôn ghi nhận những nỗ lực vươn lên, hướng tới những điều tốt đẹp của các bạn. Nhưng bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là vậy băn khoăn này đến từ đâu và giải quyết nó như thế nào?
Dường như những băn khoăn này đều đến từ những nỗi sợ. Mỗi người có một nỗi sợ khác nhau nhưng phổ quát con người có mấy nỗi sợ chính: sợ bị đánh giá, sợ bị nghèo đói, sợ ốm đau, sợ không được yêu thương, sợ tuổi già và sợ chết. Thẳm sâu trong tâm can, những nỗi sợ này chi phối con người làm người ta cứ quẩn quanh, không dám lìa bỏ những cái phao vì tưởng chừng như chỉ cần rời những chiếc phao ấy ra, hậu quả của nỗi sợ hãi kia sẽ ập tới và phá hủy cuộc sống của mình. Ví dụ: nếu tôi làm thế này, tôi sẽ bị đánh giá là người không tốt; nếu tôi rời bỏ công việc này, tôi sẽ không có đủ tiền bạc để chi tiêu; nếu tôi không làm việc đó, người ta sẽ ghét bỏ tôi… Nhưng điều khó khăn ở chỗ, nếu cứ ôm cái phao này, họ sẽ cảm thấy phiền muộn, mất năng lượng sống và cảm thấy cuộc đời không còn nhiều ý nghĩa. Từ nghịch lý này, những băn khoăn sinh ra vì bước đi mắc núi, trở lại mắc sông.
Vậy thực tế thì sao? Tôi không trả lời thay các bạn được vì con đường của mỗi người được thiết kế khác nhau, mỗi con đường dành riêng cho một con người với sự khác biệt và duy nhất của họ. Cũng có thể bước đi mắc núi thật, cũng có thể không. Vậy thì chỉ có bằng chính trải nghiệm của mình, các bạn mới có thể biết ngọn núi trước mặt ấy là có thật hay là sản phẩm của trí tưởng tượng. Các cụ đã nói: Trăm nghe không bằng một thấy. Vậy nên tôi tin chắc một điều rằng, khi chủ động bước tới, chủ động hành động, các bạn sẽ khẳng định được thực tế về ngọn núi. Nếu thực sự có núi, việc bạn tiến đến gần ngọn núi sẽ khiến cho các bạn cảm nhận và đánh giá được: ngọn núi này có đáng trèo không, ngọn núi này mình có thể trèo không, có ai đang trèo cùng mình không hoặc nếu mình cứ muốn trèo, ai, cái gì sẽ là thứ thực sự giúp mình chinh phục được ngọn núi này. Nếu không có ngọn núi nào cả, chỉ là ảo ảnh của nỗi sợ thôi thì xin chúc mừng các bạn, các bạn đã có một con đường thật thoải mái, dễ chịu.
Tôi, chẳng có cách nào khác giúp các bạn ngoài việc chỉ kiên nhẫn lắng nghe và phản chiếu để các bạn nhận ra những nỗi sợ và một bức tranh toàn cảnh, nhiều góc cạnh của đời mình. Sau khi được xem bức tranh ấy, phần lớn các bạn đều kết luận là: Có lẽ em phải hành động chị ạ! Tôi mừng vô cùng khi thấy cuối cùng các bạn ấy đã có niềm tin giống tôi. Tin ở sự màu nhiệm của hành động, để bước ra khỏi thế giới suy tư vốn quá rối rắm và phức tạp và là nguồn cơn của những hoang mang.
Tôi càng tin hơn rằng, những bạn trẻ luôn hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, lại bắt tay vào hành động thì chắc chắn các bạn ấy sẽ gặt hái được nhiều hoa thơm, trái ngọt. Các bạn ấy đã có sẵn nguyên liệu tốt trong người rồi, chỉ cần ra tay thôi là sẽ có một mâm cỗ thịnh soạn!
Hoang mang không đáng sợ nhỉ! Quan trọng là mình dám đối diện!
ThanhBình