Phần nhiều người lao động rất ngại phải trải qua giai đoạn “Thất nghiệp đi tìm việc” nên luôn chọn phương án tìm được việc mới rồi mới rời bỏ công việc cũ. Tất nhiên, đây là phương án tối ưu nhưng không phải lúc nào cũng có thể xảy ra.
Một vài nguyên nhân khiến giai đoạn này trở nên rất đáng sợ:
- Thiếu hụt nguồn thu tài chính
- Tâm lý “bị thất nghiệp” rất nặng nề do nỗi sợ bị đánh giá bởi những người xung quanh
- Không biết làm gì cho hết ngày
- Sợ bị tụt hậu trong quá trình “thất nghiệp”
- Sợ không tìm được một công việc như công việc cũ: lương thưởng, sự thoải mái, quen thuộc với môi trường làm việc và đồng nghiệp…
- Sợ bị thất nghiệp mãi hoặc lâu dài
- Cảm thấy mình yếu thế so với nhà tuyển dụng khi đi xin việc lại
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận Phát triển sự nghiệp là một hành trình thì những giai đoạn thất nghiệp này chỉ là tạm thời. Nhất định, với sự nỗ lực tiến về phía trước, các bạn CHẮC CHẮN sẽ tìm thấy hướng phát triển sự nghiệp mới mẻ và hay ho, cho dù có thể nó có thể giống hoặc không giống con đường bạn đã đi qua. Vậy làm thế nào để các bạn có niềm tin này, dẹp đi mọi nỗi lo sợ và biến mong muốn phát triển nghề nghiệp của mình thành hiện thực.
Theo tác giả Karen Schaffer và Juliana Wiens – các chuyên gia trong lĩnh vực Phát triển nghề nghiệp, hành trình phát triển nghề nghiệp bao gồm cả những giai đoạn được trả lương (có việc làm) và giai đoạn không được trả lương (học tập, giải trí và làm tình nguyện).
Như vậy, nếu bạn lo sợ không biết làm gì trong giai đoạn thất nghiệp này, hãy chủ động tìm kiếm các cơ hội học tập. Khoảng thời gian học tập, tuy không có lương nhưng sẽ trở nên giá trị vì nó giúp nâng cấp phiên bản con người công việc của bạn và do vậy, góp phần hỗ trợ con đường sự nghiệp. Tương tự như vậy, các hoạt động tình nguyện, đặc biệt là hoạt động mà bạn có thể đóng góp kỹ năng/kiến thức chuyên môn vào đó sẽ là một điểm cộng thêm vào giá trị cho giai đoạn thất nghiệp. Đây cũng là những điểm sáng để bạn chia sẻ với Nhà tuyển dụng khi có cơ hội phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ ít nhất nhìn thấy 2 điểm mạnh của bạn mà công việc nào cũng cần. Đó là sự ham học hỏi, chủ động học hỏi và nhu cầu cống hiến, trao đi giá trị của mình, ngay cả khi không có lợi ích vật chất.
Bên cạnh việc dành thời gian tìm kiếm các cơ hội việc làm trên các trang tuyển dụng, hãy đừng quên dành thời gian kết nối với bạn bè, với các cộng đồng mới để khám phá thị trường công việc ẩn. Việc kết nối này không chỉ giúp bạn tăng thêm các cơ hội tìm việc mà còn giúp bạn cân bằng trong cuộc sống khi duy trì các mối quan hệ xã hội. Nhờ vậy, các cuộc phỏng vấn cũng không còn là trở ngại lớn với bạn. Trong khoảng thời gian thất nghiệp, người lao động thường co mình, ngại tiếp xúc vì sợ bị hỏi han, đánh giá vì không có việc. Hoặc cho rằng không tập trung vào tìm việc mà dành thời gian cho việc khác là lãng phí thời gian. Thực tế cho thấy, hệ quả của việc không kết nối xã hội sẽ khiến tâm trạng không tốt, ảnh hưởng tiêu cực tới phong thái khi đối diện với Nhà tuyển dụng.
Phát triển nghề nghiệp là quá trình kết nối Sở thích, Giá trị, Niềm tin, Kỹ năng và năng lực của một người với Nhu cầu của thị trường lao động. Rất có thể ở công việc cũ, bạn chưa hoàn toàn hài lòng hoặc phát huy được sở trường của mình. Do đó, khoảng thời gian thất nghiệp cũng là lúc bạn dành thời gian nhìn lại con người công việc của mình một cách toàn diện và tìm cho mình một công việc thực sự phù hợp. Một công việc phù hợp sẽ mang tới không chỉ niềm vui mà còn cả tiền bạc và sự thăng tiến bởi nó khơi được vào đúng thế mạnh và tiềm năng sẵn có trong con người bạn. Con người bạn thay đổi theo thời gian với nhiều năng lực được bổ sung, nhiều năng lực không còn thích hợp. Vậy nên chặng đường sắp tới, rất có thể sẽ không giống như chặng đường bạn đã đi qua. Đừng ngại vì đó là chuyện rất bình thường và nhiều người đang trải qua nó.
Phần tài chính bị thiếu hụt đúng là cũng cản trở và gây áp lực không ít lên người lao động trong khoảng thời gian thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn là người đã từng đi làm, có đóng BHXH đầy đủ và có 1 chút tích lũy, hãy đừng ngại ngần sử dụng những nguồn hỗ trợ này. Bản chất đây chính là “lương khô” cho những ngày “giáp hạt” – thất nghiệp. Khi tin rằng mình sẽ sớm tìm được công việc mới, bạn sẽ thấy thoải mái hơn với việc “ăn lương khô” mà giữ cho mình một phong thái tự tin, thoải mái, sáng suốt trên con đường lựa chọn công việc mới. Áp lực luôn chỉ mang tới cho bạn cho bạn những quyết định vội vàng, không chuẩn xác và vì những mục tiêu rất ngắn hạn – đôi khi đi ngược lại với mục tiêu quan trọng dài hạn.
Phát triển nghề nghiệp vốn là một hành trình không đơn độc. Bạn đã có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Vậy tại sao bạn không tìm thêm một chuyên gia để đồng hành, cùng mình phân tích các cơ hội nghề nghiệp, hỗ trợ các kỹ năng tìm việc để tăng cơ hội được phỏng vấn, được lựa chọn? Nếu bạn cần một người như vậy, tôi luôn ở đây để giúp bạn. Nhưng trước hết, tôi muốn bạn hãy bắt đầu với một tâm thế thoải mái đón nhận “khúc quanh” thất nghiệp trên hành trình Phát triển nghề nghiệp của mình.
ThanhBình