Là cha mẹ, bạn đã bao giờ cảm thấy ấm ức vì con cái không thấy hết sự hy sinh và tình yêu của mình dành cho con chưa? Bạn cũng đã bao giờ thấy ngạc nhiên khi con nói những câu “Đấy là tại bố mẹ muốn thế chứ con có cần đâu” không? Bạn có bao giờ bực mình vì con cứ liên tục thử thách lòng kiên nhẫn và sự chịu đựng của mình không? Hay bạn có bao giờ lo sợ là con trở thành người vô tâm khi chẳng để ý gì đến sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ mà coi đó là điều nghiễm nhiên?
Trong khi làm việc với các bố mẹ và con cái, đồng thời từ những trải nghiệm của mình với con, tôi hiểu rằng bố mẹ nào cũng có lúc nào đó thoáng nghĩ hoặc đau đáu vì những câu hỏi này.
Thực ra, đây chỉ đơn giản là hệ quả của việc chưa xác định rõ các ranh giới trong mối quan hệ mà thôi. Như các cụ ngày xưa thường nói “Thương nhau rào giậu cho kín”. Bản chất là các cụ dạy, chúng ta cần có những giới hạn rõ ràng để người khác có thể nhìn thấy mà tôn trọng những khoảng riêng tư của bản thân. Nhờ vậy mà chúng ta yêu nhau hơn, thoải mái hơn, ít xích mích hơn.
Vậy biên giới hay giới hạn trong mối quan hệ là gì?
Bởi mối quan hệ là vô hình nên giới hạn trong mối quan hệ cũng là điều vô hình. Nó là cái ngưỡng của mỗi người về sự cho đi hay nhận lại về cảm xúc. Là điểm cuối của sự thoải mái của mỗi người. Hay nói một cách khác, giới hạn hay biên giới xác định vùng thoải mái của mỗi cá nhân trong một mối quan hệ nhất định, không nhất thiết là mối quan hệ cha mẹ – con cái. Và vì biên giới vô hình, nên nó rất cần được nói ra một cách rõ ràng để đối phương biết và ứng xử phù hợp.
Nếu ai đó bị người khác hành xử đến mức đẩy họ ra ngoài biên giới này, họ sẽ cảm thấy khó chịu, không thoải mái và bắt đầu xuất hiện các xung đột hay rạn nứt trong mối quan hệ. Trong mối quan hệ song phương, các cá nhân cần biết giới hạn của nhau để điều chỉnh và tôn trọng, đảm bảo sự thoải mái cho người kia và cho cả mình.
Ví dụ: con trai không thích nghe mẹ nói nhiều, Khi mẹ nói nhiều quá ngưỡng chịu đựng, con sẽ bật cơ chế phòng vệ, không nghe nữa. Vậy nên mọi lời nói của mẹ không còn tác dụng gì nữa, nếu không nói là gây cho con một cảm giác khó chịu. Hoặc trường hợp ngược lại, mẹ là người gọn gàng ngăn nắp, sẽ rất khó chịu khi thấy nhà cửa bừa bãi. Nếu con cái không biết rõ giới hạn của mẹ đến đâu và điều này làm cho mẹ không thoải mái như thế nào, con sẽ không quan tâm đến việc dọn dẹp (chứ không phải không quan tâm đến mẹ) và đẩy mẹ ra ngoài giới hạn của mình ==> bực bội, mắng mỏ.
Như vậy, đôi khi xung đột đến không phải là do các cá nhân không có sự quan tâm đến nhau mà đơn giản chỉ là không biết rõ giới hạn của nhau để tôn trọng, để khiến đối phương của mình không cảm thấy thoải mái.
Đặc biệt trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, bố mẹ thường âm thầm nới rộng biên giới của mình theo thời gian mà không hề cho con biết điều đó. Trong khi con cái thì hành xử theo bản năng tự nhiên và không hề biết bố mẹ đang vì mình mà phải hy sinh dần sự thoải mái. Nhưng đến một giới hạn nhất định, khi không thể nới thêm giới hạn, bố mẹ sẽ bùng nổ và cảm thấy không được cảm thông, được yêu thương và được ghi nhận.
Ngược lại, cũng có những trường hợp, đứa trẻ không ý thức được rằng mình cần phải nói ra các giới hạn của bản thân để bố mẹ biết và điều chỉnh trong giao tiếp. Điều này có thể đến từ một vài lý do.
Thứ nhất, có thể do con cái không được tạo điều kiện và có thói quen nói lên các suy nghĩ của mình vì hầu như mọi quyết định, tiếng nói của bố mẹ được ưu tiên hơn.
Thứ hai, có thể do môi trường gia đình chưa đủ an toàn để con dám nói lên suy nghĩ, cảm xúc của mình. Con sợ bị phán xét, bị tấn công, chê bai, đánh giá là hỗn hào khi chia sẻ quan điểm của mình.
Thứ ba, con không biết cách gọi tên cảm xúc để chia sẻ với cha mẹ. Con bị lẫn lộn giữa các cảm xúc tiêu cực: cáu giận, sợ hãi, thất vọng, buồn chán …Toàn bộ các cảm giác này đều chỉ được con thể hiện ra là thái độ phản ứng tiêu cực nên bố mẹ cũng khó để ứng xử phù hợp.
Như vậy, việc bố mẹ – con cái hiểu được cảm xúc của chính mình, hiểu được giới hạn thoải mái của bản thân là điều rất quan trọng. Và nhờ việc hiểu biết rõ này, bố mẹ – con cái mới có thể chia sẻ, làm rõ được với đối phương vùng an toàn của mình để được tôn trọng, nhờ đó, mình cảm thấy thoải mái và an bình trong mối quan hệ. Đồng thời, mỗi bên cũng tự xác định được các tình huống mà biên giới bị vi phạm dẫn tới việc kích hoạt sự không thoải mái và các hành vi, phản ứng tiêu cực của mình.
Trong rất nhiều trường hợp, vùng an toàn của mỗi bên có thể chồng lấn, mâu thuẫn với nhau. Ví dụ: bố mẹ cảm thấy thoải mái khi con cái tự giác làm việc nhà đã giao, không phải nhắc nhở gì thêm và sẽ khó chịu nếu phải nhắc nhở con đến lần thứ ba. Trong khi con cái lại cảm thấy thoải mái khi đọc xong quyển truyện, chat chit loanh quanh với bạn bè rồi mới đi làm việc và bố mẹ có thể nhắc nhở đến 5 câu cũng không sao, miễn là không cáu gắt gì.
Nếu bố mẹ và con cái không trao đổi với nhau về giới hạn của mình thì có thể dẫn tới trường hợp là bố mẹ gắt lên ngay sau khi nhắc câu thứ hai vì nó đã vượt ra ngoài ranh giới thoải mái. Con cái có thể cảm thấy khó chịu vì có thể nghe lời nhắc nhở vài lần nhưng không thích tông giọng cáu gắt.
Cách tốt hơn sẽ là bố mẹ cùng con cái chia sẻ với nhau về giới hạn của mình và tìm ra một điểm giới hạn chung để cả hai bên cảm thấy thoải mái và đều được lắng nghe, tôn trọng. Và tất nhiên, có thể giới hạn chung này chỉ đạt được khi mỗi bên đều phải có sự thỏa hiệp nhất định. Ví dụ: Bố mẹ đồng ý con có thể làm viêc nhà theo sự ưu tiên của con và sẽ chỉ nhắc con về việc nhiệm vụ việc nhà 3 câu, sau đó bố mẹ sẽ cảnh báo là bố mẹ sẽ cáu vì nó đã vượt ra ngoài biên giới thoải mái của bố mẹ. Đồng thời, con cũng đồng ý là con sẽ để bố mẹ nhắc nhở với tông giọng bình thường không quá 3 câu, nếu không sau đó con cũng phải chấp nhận sự không thoải mái do đã không tôn trọng giới hạn thoải mái của bố mẹ.
Phần lớn khi bố mẹ – con cái đã có sự hiểu nhau và những thỏa ước rõ ràng, cả hai bên vì tình cảm yêu thương nhau đều sẽ thực hiện tốt các thỏa thuận này và nếu có xung đột, các bên cũng hiểu được lý do vì sao bên kia lại cáu giận hoặc phản ứng tiêu cực. Nhờ đó, điều chỉnh lại hành vi của mình. Đôi khi đối phương có thể quên ranh giới của mình thì việc nhắc nhở đối phương về việc ranh giới đã bị vi phạm cũng cần thiết và quan trọng. Là bố mẹ, chúng ta nên làm gương về việc này để con cái có thói quen quan sát bản thân, xác định giới hạn của bản thân và chia sẻ cùng với những người khác để được tôn trọng và thoải mái trong các mối quan hệ.
Tóm lại, mối quan hệ có hòa khí và ăn khớp đến đâu, phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta xác định các giới hạn rõ ràng cho chính bản thân mình và cho người khác.
ThanhBình