Khi nền kinh tế của Việt nam phát triển nhanh và mở với thế giới, nó kéo theo nhiều thay đổi trên toàn bộ đời sống của nhân dân. Việc đi du học của thanh thiếu niên cũng nằm trong dòng chảy đó.
Từ trước những năm 1995, phần lớn học sinh đi du học là do có thành tích học tập xuất sắc và có học bổng chính phủ hoặc học bổng của các trường nước ngoài. Từ năm 1996 trở đi, ở Việt nam bắt đầu xuất hiện các hiện tượng du học tự túc và dịch vụ hỗ trợ du học cũng bắt đầu ra đời. Trung tâm du học lớn và uy tín có mặt sớm nhất là IDP, chuyên hỗ trợ du học Úc. Sau này, việc du học mới mở rộng dần sang các nước khác như Anh, Mỹ, Canada, Đức… Từ năm 2005 đến nay, hẳn là các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn dịch vụ hỗ trợ thông tin du học, cả trên Internet và các trung tâm du học.
Tuy nhiên, các trung tâm này phần lớn chỉ giúp được cho các gia đình phần ngọn, tức là khi đã xác định sẽ đi du học. Các trung tâm sẽ giúp chọn quốc gia, ngành nghề, chọn trường và trang bị thêm 1 số thông tin cho việc chuẩn bị du học. Còn chưa có mấy trung tâm giúp phụ huynh và học sinh xác định, du học có phải lối đi phù hợp với mình không.
Vậy du học có gì hấp dẫn mà nhu cầu cho con đi du học lại phổ biến đến vậy? Nên hay không nên? Bài viết này sẽ chia sẻ với các bạn cái nhìn khách quan về việc đi du học.
Khởi nguồn cho việc du học trở nên hấp dẫn với nhiều phụ huynh là những tấm gương du học sinh trở về nước và có những thành công nhất định trong công việc, cuộc sống. Vì vậy, du học được nhìn nhận như một bí quyết thành công. Điều này hoàn toàn có lý nếu thực sự du học sinh đó đã tồn tại và học tập tốt trong quá trình du học.
Du học là có điều kiện được sinh sống và học tập trong một môi trường tiên tiến. Các bạn sẽ được tắm mình trong 1 nền văn hóa lâu đời (nếu đi châu Âu) hoặc xã hội văn minh (các quốc gia phát triển nói chung). Do vây, các bạn sẽ học được nhiều điều tốt đẹp trong cách xử sự và nhìn cuộc sống. Du học sinh cũng sẽ được tiếp xúc và hưởng thụ một cuộc sống hiện đại với cơ sở vất chất đầy đủ và tiện nghi. Ở trường học, du học sinh sẽ được trang bị những kiến thức mới và giáo dục bằng những phương pháp tiến bộ, cập nhật nhất theo các xu hướng mới của thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là rất nhiều các khó khăn trở ngại mà du học sinh phải đối mặt như:
- Rào cản về ngôn ngữ: các bạn sẽ phải đọc, nghe giảng và tư duy hoàn toàn bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ
- Rào cản về phương pháp học tập: các bạn có thể choáng ngợp nếu không quen với phương pháp tự học và chủ động, vốn chưa quen thuộc trong suốt quá trình đi học tại Việt nam
- Phải tự chủ và tự thu xếp các sinh hoạt hàng ngày: các bạn sẽ phải hoàn toàn làm chủ lịch sinh hoạt của mình để đảm bảo đi học đúng giờ, ăn uống đầy đủ, trả bài đúng hạn, cân bằng giữa học tập, vui chơi giải trí…
- Phải tự vượt qua mọi khó khăn/thử thách mà không có hoặc rất ít sự hỗ trợ từ người thân: khi ốm đau, lúc buồn bã, lúc gặp khó khăn, khúc mắc trong học tập, làm việc, hay khi khủng hoảng trong quan hệ bạn bè…
- Phải học cách hòa nhập và thích ứng với môi trường mới: các bạn sẽ phải thiết lập một số thói quen mới để thích nghi, ví dụ như đúng giờ, làm việc có kế hoạch, ra quyết định một mình, làm việc và vui chơi một mình….
Vậy nên bạn nào đã rèn luyện và vượt được qua những điều này thì đúng là sẽ có được nhiều thế mạnh để thành công, trong đó nổi bật là tư duy phản biện, tính độc lập và kỷ luật.
Trong 2 năm du học tại Úc, tôi đã chứng kiến không ít những trường hợp các bạn tìm mọi cách để né tránh các khó khăn nói trên. Kết quả là, sau chuyến du học, các bạn không khác nhiều những bạn học tại Việt nam, ngoại trừ một tấm bằng do trường đại học ở Úc cấp. Trong khi đó, điều tôi thấy giá trị nhất trong chuyến đi của tôi lại chính là những trải nghiệm đặc biệt, chưa từng có trong đời. Nó cũng khiến tôi thay đổi rất nhiều về nhân sinh quan và thế giới quan. Còn chiếc bằng Thạc sĩ, tôi mới dùng nó đúng một lần khi nộp hồ sơ xin việc mới.
Gần đây, tôi thấy các bạn trẻ còn lan truyền nhau một khái niệm nói về các bạn đi du học không thành công là “Zombie”. Hình ảnh các Zombie có thể nhận diện khi ở nước ngoài như sau:
- Chủ yếu ở chung và sinh hoạt, làm bài tập nhóm, duy trì quan hệ với người Việt
- Dựa vào nguồn chu cấp tài chính của bố mẹ mà không đi làm thêm
- Chỉ đặt mục tiêu đạt kết quả học tập ở mức tối thiểu cho đủ Credit để lấy được chứng chỉ
- Khi đi chơi chỉ chú trọng vào việc chụp ảnh Selfie để chia sẻ trên mạng xã hội
Các Zombie này tất nhiên không thể có đủ năng lực để cạnh tranh với các bạn sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác khi muốn ở lại nước đó làm việc. Và khi về nước cũng không cạnh tranh nổi với các bạn học Đại học trong nước nhưng lại có sự thấu hiểu và kinh nghiệm tương tác, làm việc trong môi trường Việt nam. Thậm chí ngoại ngữ được coi là ưu thế của du học sinh, các Zombie cũng chưa chắc đã có nhiều khác biệt với các bạn tốt nghiệp trong nước.
Lý do xuất hiện các Zombie này chủ yếu do:
- Không có động lực tự thân: các bạn đi vì bố mẹ muốn mình đi, bản thân mình cũng không quá hứng thú hay dành thời gian tìm hiểu để thấy hứng thú với việc du học, nhận lời đi chỉ vì nghĩ tới những mặt tích cực, hay ho của cuộc sống ở nước ngoài
- Chưa rèn luyện đủ để thực sự tích lũy cho mình kinh nghiệm và kỹ năng: ngại khó, ngại khổ và không có mục tiêu xa, lâu dài
Xét từ những góc độ trên, các bậc phụ huynh nên cân nhắc các yếu tố sau khi bàn bạc với con về kế hoạch du học:
- Con có thực sự thích đi du học không? Mục tiêu đi du học của con để làm gì? Điều này rất quan trọng vì nếu con thực sự muốn, con sẽ là người chủ động tìm tòi thông tin và mang trong mình động lực tự thân. Động lực này sẽ là sức mạnh giúp con vượt qua những khó khăn, thử thách khi chỉ có một mình ở nước ngoài.
- Con đã sẵn sàng cho việc đi du học chưa, cả về thể chất và tinh thần? Con đã chuẩn bị được gì trong hành trang đi du học, khi không có bố mẹ bên cạnh? Nếu chưa có, con đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào rồi?
- Trong trường hợp gia đình bạn không có điều kiện tài chính cho con đi du học mà con rất muốn đi, bố mẹ và con đã tìm hiểu gì về các giải pháp hỗ trợ tài chính (học bổng) chưa? Nếu vấn đề tài chính chưa thể giải quyết được ngay thì mình có các phương án thay thế nào khác không, ví dụ như: hoãn lại sau 1-2 năm, đi làm thêm để tích lũy tiền…
Nếu các con muốn theo đuổi con đường du học, các con nên trang bị cho mình các yếu tố quan trọng:
- Hồ sơ học tập tốt trong các năm cấp 3 để có điều kiện lựa chọn các trường có chất lượng tốt, ranking cao
- Ngoại ngữ ở mức tốt, tốt nhất là cao hơn mức tối thiểu để được nhận vào các trường mình nhắm tới. Luyện tập để có sự tự tin trong giao tiếp bằng ngoại ngữ.
- Khả năng tự chủ và độc lập trong cuộc sống: chủ động hoàn toàn trong việc học, tự xoay xở được với 1 bữa cơm, tự chăm sóc bản thân về ngoại hình (đầu tóc, quần áo sạch sẽ gọn gàng), tự ra các quyết định đơn giản và chịu trách nhiệm với nó
- Chơi ít nhất là 1 môn thể thao hoặc 1 môn nghệ thuật để giải tỏa căng thẳng và cân bằng cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện cho việc kết bạn, giao lưu dễ dàng hơn
Trong trường hợp các con không muốn hoặc chưa sẵn sàng đi, bố mẹ cũng đừng xem đó là điều thiệt thòi hay đáng buồn vì:
- Cuộc đời phía trước còn rất dài, con có thể thay đổi ý định sau đó và cơ hội học tập ở nước ngoài là suốt đời. Không du học vào khi kết thúc lớp 12, con có thể du học ở bậc Thạc sĩ hoặc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn khi đã đi làm
- Tại Việt nam hiện nay, cơ hội tiếp xúc với các kiến thức tiên tiến trên thế giới cũng rất dễ dàng hơn trước nhiều nhờ các trường Đại học quốc tế, các chương trình Đại học liên kết với các trường nước ngoài, các chương trình quốc tế online, các thông tin miễn phí trên internet…
- Con ở nhà, bố mẹ có thêm thời gian để gắn bó hơn với con. Đồng thời, bố mẹ cũng có cơ hội đồng hành với con trong quá trình lập nghiệp. Tại Việt nam, kể từ khi học Đại học, các con mới bắt đầu va chạm dần với xã hội, tiếp xúc với nhiều người có hoàn cảnh đa dạng hơn. Lúc này, nếu có bố mẹ đồng hành cùng, các con sẽ có thêm nhiều thuận lợi và quá trình hỏi hỏi, làm quen với môi trường xã hội sẽ dễ dàng hơn
Như vậy, nếu bỏ vấn đề tài chính qua một bên thì Du học cũng như trường chuyên lớp chọn. Nó không phải chiếc áo đẹp với tất cả mọi người. Nó chỉ thực sự tôn người mặc lên nếu vừa vặn và phù hợp. Và hãy để các con là người chủ động tìm hiểu, ra quyết định này các bố mẹ nhé!
ThanhBình