Khi nghe thấy bạn tôi bảo hoang mang vì không biết phải đồng hành như thế nào với con, tôi bỗng nghĩ lại hành trình của mình. Quả thực tôi cũng đã từng đi qua những giai đoạn rất hoang mang. Tôi không biết phải đồng hành với con theo cách nào, tôi không biết những gì tôi dạy con đã đúng chưa, tôi không biết nên dạy con những gì mình giỏi để tận dụng kiến thức mình có hay nên dạy con những điều mình thấy mình còn kém để tránh khỏi những thua thiệt mình đã vấp phải, tôi cũng không biết mình làm thế này có quá chiều con không hay làm thế khác là quá nghiêm khắc, tôi tự hỏi không biết điều gì sẽ tốt cho con… Một vạn câu hỏi vì sao quay cuồng trong đầu mỗi ngày và tôi làm mọi thứ theo bản năng, không có định hướng hay mục tiêu gì. Và tôi lúc nào cũng hỏi vì sao, như thế nào….
Để giải mã sự hoang mang, tôi đọc đủ loại sách, hỏi đủ chuyên gia, hóng hớt các diễn đàn làm cha mẹ, theo chân những anh chị đi trước nhằm học hỏi kinh nghiệm. Cuối cùng thì tôi hiểu được một chuyện. Để khỏi hoang mang, tôi cần phải biết mình đi về đâu, tức là mình muốn việc đồng hành cùng con đạt được mục tiêu gì. Có phải đồng hành là để dạy con các thứ hay đồng hành để giúp đỡ con hay đồng hành để định hình cuộc đời con…? Mỗi người có một mục tiêu khác nhau, khả năng cũng khác nhau nên chẳng ai có thể học hoàn toàn được của ai, chỉ có thể dựa vào chính mong muốn và nguồn lực của mình.
Tôi tự thấy mục tiêu của mình trong việc đồng hành với con là để làm chỗ dựa cho con, giúp đỡ con trong tiến trình học hỏi cuộc sống là chính. Bởi tôi quan niệm, mỗi người đều phải tự học những bài học mà cuộc sống thiết kế riêng cho mình. Ở thời điểm nhận ra điều này, tôi chỉ muốn đồng hành để giúp con có được sự thoải mái, hạnh phúc trong cuộc sống, giúp con học được sự tự giác, có trách nhiệm, tính kỷ luật trong việc hoàn thành nhiệm vụ học tập tại trường và giúp con học hỏi được những kỹ năng xã hội căn bản. Tôi cũng mong sự đồng hành khiến các con nhìn mình như một bến đỗ an toàn để có thể sẻ chia mọi thứ trong cuộc sống mà không sợ bị đánh giá, bị phản bội hay chê trách.
Khi đã thấy mục tiêu rõ ràng, tôi thấy việc vạch ra con đường đi tới đó trở nên dễ dàng hơn hẳn.
- Với mục tiêu thoải mái, hạnh phúc: tôi tâm sự thường xuyên với con và lắng nghe con để biết điều gì sẽ làm con cảm nhận được điều đó
- Với mục tiêu tự giác học hành: tôi thực sự để sự tự giác diễn ra với việc động viên khuyến khích con làm, nhiều hơn là nhắc nhở. Tôi trao đổi thẳng thắn với con về mục tiêu này, vì sao tôi làm thế, tôi có thể hỗ trợ được gì cho con, không hỗ trợ gì và con cũng nhất trí hợp tác. Tôi cũng sẵn lòng để con nhận hậu quả nếu con không tự giác. Con cần được trải nghiệm hậu quả và chúng tôi sẽ nhắc lại về cam kết ban đầu, bàn về cách làm như thế nào để thực hiện được cam kết. Có đôi lúc, tôi cũng có phần sốt ruột vì bài học này con học khá chậm. Song, tôi chọn sự kiên nhẫn.
- Với mục tiêu học hỏi những kỹ năng xã hội: gia đình tôi thường có bữa cơm tối rất sôi nổi vui vẻ để thảo luận, trao đổi về các tình huống ở trường ở lớp của các con, thêm cả các tình huống thực tếtrong đời sống. Thông qua đó, các con được tiếp cận nhiều cách giải quyết khác nhau của mọi người và chọn cách phù hợp cho mình. Hàng ngày, tôi cũng tạo điều kiện cho con thực hành các kỹ năng xã hội này để các con có trải nghiệm thực và soi chiếu từ những câu chuyện đã thảo luận trong bữa cơm. Rất nhiều khi, các con cũng nhận thấy: nói thì dễ mà làm thì khó à nha!
- Với mục tiêu bến đỗ: tôi thực sự trân trọng những câu chuyện các con kể cho mình, tôn trọng những ý kiến riêng của các con và thảo luận lịch sự, bình đẳng khi có ý kiến trái chiều. Tôi coi con mình như những người trưởng thành vì tôi có niềm tin rằng các con tôi giờ đây (từ cấp 2 trở đi) đã có nhận thức xã hội, có chủ kiến và cần được tôn trọng. Chúng tôi có những buổi Girl talk – Chuyện con gái – chỉ có 3 mẹ con để tâm sự những chuyện sâu xa, thầm kín của giới nữ.
Bên cạnh đó, cũng giống như các bố mẹ khác, tôi luôn muốn là người được giúp đỡ con mình trên hành trình trưởng thành và phát triển. Tôi cho con biết nguồn lực từ tôi luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào con cần. Trên hành trình này, tôi nhận ra là: các con sẽ chỉ nhờ mình giúp đỡ khi chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Bằng không, con sẽ tìm các nguồn hỗ trợ khác dễ chịu hơn, thuận lợi hơn. Vậy nên, việc xây dựng quan hệ thân thiết với con sẽ là tiền đề quan trọng cho nhu cầu hỗ trợ con của các bố mẹ
Tất cả những điều này, tôi cứ cố gắng thực hiện nó tốt hơn mỗi ngày. Và sau một khoảng thời gian nhìn lại, tôi thấy hình như tôi đã đạt được những mục tiêu mình đặt ra. Do vậy, tôi cảm thấy yên tâm hơn và cứ thế đi tiếp.
Trong hành trình sắp tới, khi con bước sang một giai đoạn mới, có những mục tiêu mới trong cuộc đời, tôi nghĩ rằng mình sẽ phải điều chỉnh một số thứ cho phù hợp để có sự đồng hành hiệu quả. Với những gì đã trải qua, tôi tin rằng chỉ cần có mục tiêu rõ ràng, tôi sẽ biết mình phải làm gì.
Có thể các bố mẹ khác, mục tiêu đồng hành với con sẽ lớn và phức tạp hơn tôi rất nhiều, đòi hỏi nhiều tâm sức và nỗ lực hơn tôi. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, chỉ cần bố mẹ hiểu rõ những mục tiêu trong sự đồng hành của mình, bố mẹ sẽ biết phải đồng hành với con như thế nào.
Chúc các bố mẹ bớt hoang mang.
ThanhBình