Ai rồi cũng sẽ phải đi đến và đối diện với điểm cuối này của cuộc đời – CÁI CHẾT. Mặc dù mình đã rơi nước mắt trong suốt thời gian đọc cuốn sách nhưng nó chỉ là những giây phút xúc động vì tình người, tình mẫu tử, thương cho thân phận của những con người bé nhỏ chứ không phải vì sự u ám của cái chết.
Cuốn sách chỉ có hơn 200 trang, được viết bởi nhà hoạt động xã hội có tiếng Đặng Hoàng Giang – tác giả cuốn Bức xúc không làm ta vô can. Cuốn sách được viết giản dị, nhẹ nhàng theo lối kể chuyện. Chuyện về những ngày tháng cuối cùng của những người cận tử – tức là cận kề cái chết. Ba cuộc đời kể trong sách là nỗi niềm của con người ở những vai trò khác nhau: của người con, người mẹ và người vợ. Dù họ có ở giai tầng nào, có trình độ học thức thế nào hay hoàn cảnh ra sao, dù có khác nhau đến mấy thì những ngày tháng này, họ cũng đều có thể kết thân với nhau một cách dễ dàng bởi một điều then chốt: khao khát sự sống!
Mình đã từng có lúc tự mãn về cuộc sống, thấy nhàm chán về điều này điều kia, thấy cái chết thật đơn giản nhưng quả thực, cuốn sách này đã chỉ ra đó là cái tự mãn của một người tự tin cuộc sống sẽ kéo dài mãi mãi, hoặc ít nhất là 70-80 năm. Còn một khi biết tấm vé cuộc đời sắp hết hạn, bạn sẽ có 100 thậm chí 1000 việc cần phải làm mà thời gian thì cứ đuổi sau lưng, còn bạn thì chạy ngày một chậm.
Cuốn sách này gợi nhắc cho mình về những ngày tháng tâm sự với chị Thúy già Do Thi Ngoc Thuy, khi chị đang phải đối mặt với điểm đến của cuộc đời. Chị đã kể rất nhiều chuyện về cuộc sống, về nguyện vọng của chị, về nhân sinh quan thay đổi như thế nào và cũng như các nhân vật trong sách, chị ấy đã chuẩn bị rất kỹ cho sự ra đi của mình. Đối mặt với cái chết không sợ hãi bằng việc thấy mình là gánh nặng cho đời hoặc đã giã từ cõi đời mà không để lại dấu ấn nào. Lúc này, sự chia sẻ và thấu hiểu nguyện vọng của người thân là điều cần thiết nhất bởi họ, người cận tử, lúc ấy, hoàn toàn không nghĩ về cái chết của mình mà chỉ nghĩ về những người ở lại.
Đọc về cái chết để hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống!
Cuốn sách còn chỉ ra những góc khuất trong nền y tế vốn đã tối tăm của Việt nam. Đáng thương sao những con người “sống không bằng chết”, muốn trợ tử cũng không được, muốn được sống có ý nghĩa cũng không được vì những quan niệm cổ hủ, những lối mòn suy nghĩ và thờ ơ không chỉ trong nhân dân mà còn trong chính cả giới chuyên môn.
Gấp sách lại mà tim chùng xuống một nhịp. Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ…Nói mãi rồi nhưng mà mình vẫn còn thờ ơ lắm!