Trong quá trình đi chia sẻ với các bạn học sinh về Hướng nghiệp, tôi thường hay hỏi: Tiêu chí quan trọng trong việc chọn nghề của các con là gì? Và 2 câu trả lời tôi thường xuyên nhận được nhất là Đam mê và Nhiều tiền.
Thông thường, tôi sẽ dành chút thời gian để giải thích cho các bạn hiểu và phân biệt rõ Đam mê và Sở thích. Nhưng còn tiêu chí Nhiều tiền, tôi chưa bao giờ có thời gian đủ để giải thích cho ngọn ngành. Tôi chỉ biết nói ngắn gọn: nếu con tỏa sáng trong nghề nghiệp, tự nhiên tiền sẽ đến. Nhưng tôi tin rằng, có lẽ không phải bạn trẻ nào cũng hiểu hết nó vì đến chính các bậc phụ huynh, nhiều người cũng vẫn còn nghi ngờ.
Trong con mắt của nhà tuyển dụng, lương của một lao động sẽ phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng sau:
- Năm kinh nghiệm và trình độ học vấn: kinh nghiệm càng dày và trình độ càng cao, người lao động càng có cơ hội được trả cao hơn so với mặt bằng chung
- Hiệu quả công việc: các nhân viên có hiệu quả công việc cao, có nhiều đóng góp cho công ty sẽ được xem xét để trả thêm các khoản thưởng so với các nhân viên khác
- Khả năng chi trả của doanh nghiệp: doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh thu thấp sẽ không có khả năng trả lương cao và ngược lại
- Nhu cầu của thị trường với vị trí này: có một số vị trí công việc sẽ có nhu cầu cao hơn các công việc khác ở những thời điểm nhất định. Ví dụ như các công việc IT hiện tại, công việc kế toán khoảng 15 năm trước đây… Tuy nhiên, nhu cầu này của thị trường thường xuyên biến động, phụ thuộc vào lượng cung ứng của nguồn lao động. Xu hướng chung là khi các vị trí được cho là “hot”, sẽ có nhiều người học và làm việc đó hơn, dẫn tới nhu cầu của thị trường sẽ sớm được cân bằng trở lại. Tình trạng thiếu, hiếm thông thường chỉ diễn ra trong 1 khoảng thời gian ngắn 2-3 năm.
- Mức lương trung bình của ngành: có một số ngành, mức lương được trả thấp hơn so với các công việc khác. Ví dụ: lương giáo viên, bác sĩ trong những năm trước đây.
Xu hướng chung, các bố mẹ và bạn trẻ đang hướng vào các yếu tố thị trường và ngành để lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, các yếu tố này biến động không ngừng nên mọi tính toán vào thời điểm chọn ngành rất có thể sẽ không đúng nữa khi các bạn trẻ tốt nghiệp ra trường.
Trong khi đó, các yếu tố về trình độ học vấn, năm kinh nghiệm, hiệu quả công việc hay chọn doanh nghiệp có khả năng chi trả tốt hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của chúng ta. Và để đạt được mức lương cao, chúng ta cần phải chú trọng vào kiểm soát tốt những yếu tố này.
Hãy trải nghiệm và làm việc bất cứ lúc nào có thể để tích lũy kinh nghiệm. Các bạn trẻ không cần phải chờ đến năm ra trường mới bắt đầu làm việc mà đã có thể tự làm dự án của mình hoặc tham gia các dự án bên ngoài ngay từ khi còn học cấp 3, thậm chí cấp 2. Ví dụ: các bạn có thể tham gia Câu lạc bộ ở trường để có kinh nghiệm tổ chức 1 sự kiện, các bạn có thể tham gia các cuộc thi vẽ để có kinh nghiệm ra sản phẩm dưới áp lực, các bạn có thể tham gia các dự án tình nguyện để có kinh nghiệm làm việc đội nhóm …
Cũng không cần phải chờ đến lúc đi làm các bạn mới có thể cải thiện hiệu quả công việc. Bằng việc trải nghiệm sớm, có nhiều kinh nghiệm làm việc, các bạn đã có thể nhận biết được những công việc quan trọng cần ưu tiên, cách sắp xếp công việc để đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Và khi ra trường, với những kinh nghiệm, trải nghiệm sớm, những kỹ năng vượt trội so với trang lứa, các bạn mới có khả năng tiếp cận được các công ty lớn, có khả năng chi trả mức lương cao.
Như vậy, nhìn đi nhìn lại mới thấy, tiêu chí lương cao chỉ có thể đặt ra khi các bạn có một sự chuẩn bị rất tốt và sẵn sàng “bán” chất xám của mình cho thị trường lao động. Nếu bản thân các bạn chưa vững vàng, còn mơ hồ về công việc mình làm, kỹ năng mình cần có, tiêu chí lương cao sẽ trở nên xa vời và viển vông.
Quay trở lại câu chuyện của các bạn trẻ, tôi rất mong khi đặt tiêu chí “lương cao”, “nhiều tiền”, các bạn đã hiểu rõ những năng lực, thế mạnh của bản thân và hiểu rõ những bước đi tới thị trường lao động.
Hãy tỏa sáng trong công việc, rồi tiền sẽ tự đến với bạn.
ThanhBình