Tác phẩm của nhà văn Brazil này mình mua đã lâu vì nó được rất nhiều người khuyên đọc. Tuy nhiên, nó cứ ở mãi trên giá vì mình quá bận rộn. Cho đến hôm nay, trong lúc rảnh rang ở hàng làm tóc, mình mới có cơ hội thưởng thức nó. Có lẽ mỗi lứa tuổi đọc cuốn truyện này sẽ có một góc nhìn khác nhau. Còn mình, đứng trên cương vị đã từng là con cái, là cha mẹ, là người thường xuyên được tiếp xúc với trẻ con và được trẻ con coi là chỗ trút bỏ nỗi niềm, mình thấy đây thực sự là một cuốn sách rất sâu sắc và đáng để đọc dành cho người lớn dù nó là tự truyện của một cậu bé con 5 tuổi.
Cuốn sách xoay quanh cậu bé Zézé, mới chỉ 5 tuổi đã tự biết đọc, thông minh, nghịch ngợm, lạc quan, nhân hậu và có tâm hồn thiện lương và trong sáng, làm lay động trái tim “người xung quanh”. Chỉ có điều tiếc rằng, trong số “người xung quanh” ấy lại không có mấy người thân ruột thịt của em.
Với giọng văn hồn nhiên, trong trẻo, câu chuyện về hành trình khám phá thế giới của cậu bé được kể lại rất chân thật và ta thấy mình có thể bắt gặp cậu bé bất cứ đâu quanh đây chứ không phải sang tận Brazil. Những suy nghĩ ngây thơ, giản dị, trí tưởng tượng phong phú đáng yêu của cậu giống như bao đứa trẻ đang vô tư lớn lên mỗi ngày. Bên cạnh đó, cơm áo gạo tiền và những lo toan của cuộc sống đã cuốn cha mẹ cậu cũng như bao cha mẹ khác xa rời “tổ ấm” yêu dấu của mình từ lúc nào không biết. Bố mẹ chúng ta đã không có đủ thời gian để lắng nghe con, không có đủ kiên nhẫn để thấu hiểu con mà chỉ lạnh lùng phán xét con trẻ bởi những hành động bên ngoài của chúng và bằng những định kiến cố hữu. Vậy nên chúng ta bỏ phí mất cơ hội được tự hào về một đứa con hay ho, bỏ phí mất cơ hội làm quen với Cây cam ngọt – một người bạn kiên nhẫn và bao dung đã thay chúng ta làm chỗ vịn để con vượt qua khó khăn và trưởng thành.
Trớ trêu mà lại có thật, con cái chẳng có quyền được chọn cha mẹ trên giấy khai sinh cho mình nhưng nó lại có quyền được chọn cha mẹ trong tâm trí, trong trái tim của mình. Cái nghèo đói, nỗi lo tiền bạc hay mặc cảm về xuất thân rất nhiều khi đã là cái cớ hợp lý cho bố mẹ né tránh đối mặt với trách nhiệm và quyền lợi kết nối với con cái để duy trì sợi dây tình cảm. Tuy nhiên, hình ảnh người chị gái Glória trong truyện này hay ai đó đã đọc Becoming Michelle Obama thì thấy rõ, cái cớ lúc nào cũng chỉ là cái cớ. Nó chẳng có tác dụng gì ngoài việc xoa dịu cái tôi của bản thân cha mẹ. Kể cả trong đói nghèo hay rơi hoàn cảnh khó khăn, nếu ta thực sự ý thức được việc kết nối đến trái tim con người là điều quan trọng, ta sẽ có cách để làm.
Cuốn sách kết thúc buồn với hình ảnh chàng trai lớn lên cùng trái tim chi chít những vết sẹo và niềm tin vào phép màu nhiệm của cuộc sống đã bị tước đi quá sớm. Cũng phải thôi, chỉ cần mất kết nối với người thân thôi đã không vui rồi, nữa là điều đó xảy ra trong quan hệ cha mẹ – con cái, một mối quan hệ vốn luôn được coi là vô cùng thiêng liêng và tuyệt vời.
Có những đoạn văn mô tả tâm trạng của một đứa trẻ lạc lõng, lủi thủi trong chính gia đình mình, sao mà xúc động đến thế! Có những thứ không thể nói ra, có những điều không thể mô tả và có những mối quan hệ bị đẩy đi xa tít, bị cách ngăn bởi một bức tường vô hình mà không phải người trong cuộc nào cũng nhìn thấy. Hẳn ai đã có trải nghiệm này sẽ thấy câu chuyện chạm thấu đến từng nhịp đập của trái tim, ngay cả giây phút nó chẳng còn thiết đập nữa.
Cảm xúc của con người lúc nào cũng vậy, quốc gia nào cũng vậy. Tác phẩm ra đời từ năm 67 của thế kỷ trước, xa tận nửa vòng trái đất mà hôm nay, tại đây, bài học và nỗi đau vẫn vẹn nguyên.
ThanhBình