Khi nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ cha mẹ con cái, mình ngày càng hiểu hơn về những mâu thuẫn trong cha mẹ, từ đó dẫn tới mâu thuẫn trong quan hệ với con.
Nếu được hỏi là: bạn muốn con bạn sau này sẽ thế nào hoặc nếu có một điều ước sẽ trở thành sự thực dành cho con cái, bạn sẽ ước điều gì, mình chắc rằng phần nhiều, nếu không nói là 100% những người bình thường đều bảo: tôi muốn con tôi hạnh phúc, vui vẻ, an nhiên…rất nhiều từ tương tự mô tả về sự bình yên trong tâm hồn. Tuy nhiên, khi được hỏi là bạn đã làm gì để cho con bạn như thế, câu trả lời lại đa dạng hơn nhiều. Tôi cho con tôi một cuộc sống đầy đủ, tôi cho con tôi học những trường tốt nhất, tôi dạy cho nó những kinh nghiệm đau thương của tôi, tôi bảo con tôi phải làm những điều này điều kia để có tương lai tốt đẹp, tôi áp dụng kỷ luật để con tôi thành công…1001 câu trả lời, nhưng chỉ có 1 điều cốt lõi: bố mẹ sẽ cho con tất cả những gì mình nghĩ là tốt đẹp nhất mà mình có, với hy vọng nó sẽ biến thành điều tốt đẹp trong tương lai.
Nhưng dừng lại một nhịp nhé, có bố mẹ nào đã từng hỏi con mình: con có thực sự cần và thấy những điều bố mẹ đang làm, đang cho con khiến con hạnh phúc – điều mà bạn vốn luôn mong mỏi?Nếu con bạn vui vẻ đáp: hihi, vui mà mẹ, con muốn được nhiều hơn nữa. Chúc mừng bạn, mối quan hệ mẹ con của bạn hẳn là tốt đẹp lắm, và mình tin là đôi bạn cùng tiến BỐ MẸ – CON CÁI sẽ còn cùng nhau enjoy quãng đường này, đến một tương lai tốt đẹp ở xa xa kia. Còn nếu con bạn đáp: vâng, con thấy mẹ toàn làm điều tốt cho con mà, hoặc mẹ thì lúc nào chả muốn tốt cho con hoặc con lảng tránh, hãy thử nghĩ xem, vì sao con lại phải dùng lý trí để nói. “Thấy” và “Muốn” là từ của lý trí đấy!
Có một video clip nhắc nhở mình về 1 câu nói nổi tiếng của Nam Cao : “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…”. Đây là Nam Cao nói về thời khó khăn ngày xưa của ông nên có thể nó có ý nghĩa nhiều về vật chất. Tuy nhiên, mình thì thấy câu nói này còn nguyên vẹn giá trị tới bây giờ khi vật chất đã đầy đủ thì nó mô tả đúng về mặt tinh thần. Chính là “nỗi lo lắng, ích kỷ” của bố mẹ đã che lấp mất bản năng làm cha mẹ tốt đẹp mà nhiều khi mình không biết.Vì sao mình bắt con phải học cho tử tế, giỏi giang? Vì mình sợ con học không tốt thì mình xấu hổ với bạn bè, tương lai nó sẽ bấp bênh. Vì sao mình không cho con được vui đùa, nhố nhăng như nó muốn? Vì mình sợ nó sẽ lãng phí thời gian lẽ ra phải dành cho “việc có ích”, vì mình sợ nó quen trò lố thì ra đường sẽ mất mặt với bạn bè. Vì sao mình bực mình khi con làm hỏng cái gì đó? Vì mình sợ nó hậu đậu thế đến suốt đời, vì mình sợ lớn lên có “chó” nó lấy, vì mình dạy mãi mà nó không khá lên được… Và có một nỗi sợ vô hình to lớn nữa, đó là mình làm bố mẹ chưa đủ tốt, hình như mình sai lầm nếu con mình thế này thế khác.
Nếu nói thật với lòng mình, bạn có những nỗi sợ hãi này không? Có đủ bao dung cho những lỗi lầm của bản thân và con cái chưa? Nếu bạn có sợ hãi và chưa đủ bao dung, cũng là chuyện bình thường thôi vì phần đông các bố mẹ đều thế. Nhưng quan trọng là bạn nhìn thẳng vào nỗi sợ của mình để xử lý nó, để bản năng làm bố mẹ tuyệt vời của mình được nổi lên và khi ấy, chắc chắn đứa con sẽ nhận được niềm vui, hạnh phúc. Và không chỉ hôm nay, tương lai của một đứa trẻ hạnh phúc sẽ là một NGƯỜI LỚN HẠNH PHÚC.
Làm bố mẹ thật khó! Khi con gặp khó khăn, bố mẹ có thể bảo “Đừng sợ, con luôn có bố mẹ ở đây”. Khi bố mẹ gặp khó khăn, ai sẽ giúp mình đây nếu không phải là chính chúng ta? Chúc các bạn dũng cảm đối mặt với những nỗi sợ hãi, truyền sự dũng cảm ấy sang những đứa trẻ để các con luôn dũng cảm trên con đường đi tới hạnh phúc!