Quanh tôi đều là những bố mẹ có tâm với con. Tôi biết những người quanh tôi đều dành cho con mình vô vàn những điều tốt đẹp, từ nguồn lực thời gian, tiền bạc, cho đến tình yêu thương. Các bố mẹ cũng dành hết những đau thương, thành công từ vốn sống của mình để chỉ bảo cho con cái đâu là con đường chông gai, đâu là con đường trải hoa hồng. Những điều ấy thật đáng quý!
Tuy nhiên, mọi sự đều yên ả và ổn cho đến một ngày, con bạn bước vào tuổi Teen – một độ tuổi với rất nhiều sự thay đổi, thách thức dành cho cha mẹ. Con bạn không còn là một đứa trẻ vui vẻ, đáng yêu, luôn nghe lời bố mẹ, phải phụ thuộc vào bố mẹ mà đã trở thành một đứa trẻ hay cáu gắt, hay lý sự, phản kháng và tự do làm theo ý mình.
Mỗi bố mẹ sẽ chọn một cách khác nhau để đối diện với giai đoạn này. Tuy nhiên, có 4 loại bẫy làm cha mẹ mà tôi muốn chia sẻ với bố mẹ vì trẻ con, nhất là trẻ con tuổi Teen học một tí từ những gì cha mẹ nói, học nhiều hơn từ những gì cha mẹ làm và học rất nhiều từ …. CHÚNG TA LÀ AI.
CHÚNG TA LÀ AI ở đây cụ thể chỉ cách hành xử trong vai trò làm cha mẹ của mỗi người. Bằng cách nào đó, hãy tránh xa những chiếc bẫy này, để con chúng ta không nhận được những thông điệp không tốt do chúng ta vô thức đem tới cho các con.
1- Bẫy THOẢI MÁI
Bố mẹ nhóm này thường ngại những thử thách, sự khó khăn vì sợ cảm giác thất bại. Bố mẹ có xu hướng né tránh việc phải đối diện với con trong lúc con không ổn và những vấn đề của con.
Suy nghĩ thường gặp: ôi, việc này ngoài tầm của mình, thôi để con tự giải quyết đi, không có mình chắc con cũng làm được tuốt, ai chả có lúc qua tuổi thế này
Hành vi: Phớt lờ, bỏ qua hoặc rút lui
Thông điệp không chủ ý tới con: Người lớn không đáng tin, hoặc Mình chẳng đáng để bố mẹ quan tâm và dành thời gian và công sức cho mình, việc nào khó quá thì bỏ qua, không cần làm nếu không bắt buộc
Hậu quả: con dần dần sẽ né tránh, tự tìm cách xử lý vấn đề của mình mà không chia sẻ với cha mẹ hoặc chấp nhận để vấn đề tồn tại mà không giải quyết
Cách xử lý: Bố mẹ hãy đối diện với những điều mình đã từng ngần ngại hoặc e sợ và mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia
2- Bẫy HÀI LÒNG
Bố mẹ thuộc nhóm này thường có xu hướng làm hài lòng con, sợ làm tổn thương con
Suy nghĩ thường gặp: Nếu con bực tức với mình thì hẳn là mình đã làm sai điều gì rồi
Hành vi: Nuông chiều, không thiết lập ranh giới phù hợp
Thông điệp không chủ ý tới con: Tôi không phải là người thiết lập luật chơi hay nguyên tắc, ai muốn làm gì thì làm
Hậu quả: con sẽ lấn tới và không tôn trọng những nguyên tắc căn bản trong mối quan hệ cha mẹ – con cái
Cách xử lý: Hiểu rằng yêu thương có nghĩa là phải có những ranh giới rõ ràng và hiểu rõ những hậu quả sẽ xảy ra. Như các cụ xưa thường nói “Yêu nhau rào dậu cho kín”, bản chất là để 2 bên hiểu về những mong muốn của đối phương để ứng xử phù hợp.
3- Bẫy KIỂM SOÁT
Bố mẹ cần biết mọi kế hoạch và kiểm soát chi tiết để mọi việc diễn biến đúng theo cách mình mong đợi
Suy nghĩ thường gặp: Nếu mình không nghi ngờ và kiểm soát mọi việc thì kết quả sẽ hỏng bét
Hành vi: Hách dịch và theo dõi, kiểm soát mọi hoạt động, hành vi của con một cách quá mức
Thông điệp không chủ ý tới con: Con không thể tự làm được cái gì mà không có bố mẹ đâu
Hậu quả: con phụ thuộc, sợ hãi nếu phải tự ra quyết định hoặc không muốn ra quyết định vì biết đằng nào cũng bị kiểm soát theo ý bố mẹ
Cách xử lý: Trang bị cho con các kỹ năng cần thiết và cho con thêm nhiều cơ hội tự trải nghiệm sự tự lập
4- Bẫy KẾT QUẢ
Bố mẹ có nhu cầu được công nhận là người giỏi, thậm chí giỏi nhất. Rất có nhu cầu giành thắng lợi và thành tích.
Suy nghĩ thường gặp: Nếu ai đó không có thành tích gì thì người đó sẽ chẳng có giá trị gì cả
Hành vi: Kiểm soát và tạo áp lực thể hiện trình độ, năng lực
Thông điệp không chủ ý tới con: Con không bao giờ đủ tốt vì lúc nào cũng có thể tốt hơn nữa
Hậu quả: con bị áp lực về thành tích, nếu không đạt được thành tích thì con sẽ thất vọng, thậm chí tuyệt vọng vì thấy cuộc sống của mình không có ý nghĩa gì, con luôn tự trách mình nếu chưa đạt được kết quả cao
Cách xử lý: Động viên và khen con cái về những gì con đã thể hiện: nỗ lực, sự yêu thích, sự bền chí, lòng quyết tâm … và hạn chế khen thành tích của con đạt được
Tất cả những bẫy kể trể đều là những tình huống cực đoan và thể hiện sự thiếu đồng hành của cha mẹ cùng con cái. Hoặc là can thiệp quá sâu vào hành trình trưởng thành của con, hoặc là để tự con đi qua giông bão.
Đọc đến đây, có thể bố mẹ sẽ nghĩ rằng mình chẳng rơi vào cái bẫy nào trong số mấy điều này. Nếu thực sự như vậy thì chúc mừng bạn vì bạn đã không thái quá trong việc làm bố mẹ. Tuy nhiên, cũng đồng thời nhìn vào các động thái của con để thấy liệu mình thấy ổn nhưng con có đang thực sự ổn không? Nếu con chưa ổn thì liệu mình đã nhìn nhận đúng về bản thân chưa?
Dũng cảm nhìn nhận những thiếu sót, hạn chế của mình và thay đổi bản thân cũng là một sự dũng cảm mà bạn có thể truyền cho con nếu bạn thực sự làm nó tốt.
ThanhBình