Làm cha mẹ, ai cũng rất hiểu tầm quan trọng và quan tâm tới bạn bè của con cái, nhất là con ở độ tuổi teen. Bởi bố mẹ biết rằng, ở tuổi teen, bạn bè lúc nào cũng đứng ở vị trí số một trong cuộc sống của các con. Nếu con chơi với bạn tốt, con cũng sẽ dễ được ảnh hưởng và hấp thu những điều tốt đẹp ở bạn. Ngược lại, nếu con chơi với bạn xấu, con cũng sẽ chịu những tác động tiêu cực. Do vậy, nếu con có mối quan hệ với những người bạn “không vừa ý” bố mẹ, bố mẹ nào cũng vô cùng lo lắng và tìm mọi cách để tách con ra khỏi mối quan hệ này. Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với tâm trạng của cha mẹ. Nỗi lo con bị ảnh hưởng xấu là một nỗi lo hoàn toàn xác đáng.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ khách quan, tôi có vài điều muốn trao đổi cùng với bố mẹ trong những tình huống con mình có những mối quan hệ “không tốt” này.
- Thứ nhất, bố mẹ cần tìm hiểu xem điều gì khiến con mình gắn bó với mối quan hệ này?
- Thứ hai, liệu trong mối quan hệ này, con mình là người gây ảnh hưởng hay là người bị ảnh hưởng?
- Thứ ba, việc cấm cản đó mang lại tác dụng như thế nào với con?
Về lý do con bị cuốn hút vào một mối quan hệ, bố mẹ cần hiểu bản chất của việc kết bạn. Bố mẹ nào cũng mong con mình tìm đến những người “bạn tốt”, tức là những người bạn có những thứ hay ho giống như mình mong muốn: học giỏi, ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, khôn ngoan …. Tuy nhiên, trên thực tế, khi lựa chọn bạn, chúng ta hầu như không dựa trên các tiêu chí về mặt phẩm chất như vậy mà hay dựa trên sự phù hợp về mặt tính cách, khả năng chia sẻ và cảm thông được với nhau. Và con trẻ cũng vậy, các con cũng dựa trên tiêu chí về sự phù hợp tình cảm, sở thích để kết bạn với nhau và phân biệt bạn thân, bạn sơ. Khi con bị hút vào một mối quan hệ nhất định, cho dù bố mẹ có đánh giá nó là xấu thì nó cũng tiết lộ rằng mối quan hệ đó đang mang lại cho con mình một sự thỏa mãn nhất định về mặt tâm lý, tình cảm. Vậy nên điều quan trọng là bố mẹ cần phải biết được yếu tố nào đang hấp dẫn con mình mà con không thể tìm được ở các mối quan hệ khác, bất chấp bạn có thể có những thói hư tật xấu hay phẩm chất không tốt mà ai cũng có thể nhìn thấy. Điều này chỉ có thể biết được thông qua những cuộc trò chuyện chân tình và thành thật với con, để hiểu về con và hiểu về mối quan hệ này chứ không phải là những cuộc nói chuyện với mục đích dò la, đánh giá bạn của con và tìm sơ hở để có biện pháp ngăn chặn quan hệ. Hiểu được con mong muốn gì hay đang thiếu thốn tình cảm gì, bố mẹ mới có thể giúp con xử lý được nó mà không nhất thiết phải gắn bó với mối quan hệ đó.
Về việc ai là người ảnh hưởng, bố mẹ cũng cần xem xét kỹ lưỡng để xác định mức độ phụ thuộc của con mình vào mối quan hệ. Nếu con là người chủ động và hoàn toàn độc lập trong mối quan hệ, xin chúc mừng bố mẹ vì con đã có chính kiến và chẳng qua mối quan hệ này chỉ để thỏa mãn những nhu cầu con chưa tìm thấy được ở các mối quan hệ khác. Nếu bố mẹ hỗ trợ con xử lý nó, con có thể dễ dàng rời bỏ mối quan hệ này. Tuy nhiên, nếu con là người bị lôi kéo, bố mẹ cần phải giúp con nhìn nhận đúng vai trò và vị thế của mình trong mối quan hệ. Ở tuổi teen, việc khẳng định vị thế của bản thân cũng là điều các bạn rất coi trọng và luôn muốn được bình đẳng chứ không phải là người phụ thuộc, lép vế. Bước đầu khuyến khích và giúp con có sự độc lập để có vị thế ngang bằng trong mối quan hệ. Sau đó từng bước giúp con xử lý các vấn đề của bản thân và giữ mối quan hệ đó ở mức độ phù hợp nhằm hạn chế mức độ ảnh hưởng của bạn bè.
Cuối cùng, tôi muốn nói tới hiệu quả của việc cấm cản. Nếu bố mẹ chỉ vì muốn ngăn con chơi với “bạn xấu” mà không tìm hiểu ngọn ngành từ phía con thì rất có thể việc cấm đoán sẽ mang lại nhiều cái hại hơn là cái lợi. Khi tìm đến với các “bạn xấu”, bản chất đó là một quyết định của các con. Khi bố mẹ cấm cản, các con cảm nhận đó là một việc phủ nhận quyết định của con và theo lẽ tự nhiên, để bảo vệ cái tôi của mình, phản ứng đầu tiên của các con là chống đối. Hơn nữa, nếu không nhận được sự cảm thông và thấu hiểu của bố mẹ, các con sẽ có sự so sánh và càng cảm thấy gần gũi với bạn hơn với bố mẹ vì nhận được nhiều sự cảm thông và chia sẻ hơn từ bạn. Vô hình chung, hành động cấm đoán đã đẩy các con tới gần hơn và khăng khít hơn với đối tượng “bạn xấu” và xa bố mẹ hơn. Bố mẹ càng quyết liệt thì khoảng cách sẽ càng bị nới rộng. Vậy nên việc cấm cản vật lý (không cho gặp mặt, không cho liên lạc…) lại chỉ càng làm củng cố thêm niềm tin ở con “Đây mới thực sự là người bạn mà tôi cần vì bố mẹ chẳng hiểu gì tôi cả”.
Chia sẻ như vậy để bố mẹ cùng bình tĩnh và tỉnh táo khi nhìn vào các mối quan hệ của con. Mối quan hệ không chỉ thuần túy là do các con thích thì chơi với nhau mà nó là dấu hiệu chân thực và rõ ràng nhằm phản ánh tâm tư của con tại thời điểm đó, phản ánh bản lĩnh của con trong các mối quan hệ để bố mẹ có thể hiểu con mình hơn, hỗ trợ con mình tốt hơn.
“Bạn xấu” ở góc nhìn này lại rất có ý nghĩa với bố mẹ trong việc giúp đỡ con.
ThanhBình