Hôm ấy, thân chủ hẹn tôi ở một quán cà phê được decor rất xinh xắn ở gần hồ Gươm. Khi bước vào điểm hẹn, tôi đã tự nhủ: hẳn Thân chủ phải là người có chất nghệ thuật mới chọn quán này.
Quả thật, cô ấy là người có nhóm Nghệ thuật là một trong các nhóm nổi bật trong các đặc tính nghề nghiệp. Tuy nhiên, cô cho rằng công việc hiện tại là Trợ lý Giám đốc lại rất đơn điệu và nhàm chán, chẳng tận dụng được thế mạnh của mình. Công việc hàng ngày chỉ là chuẩn bị lịch họp, tài liệu, phân loại các văn bản. Ngoài ra, cô cũng hỗ trợ sếp những việc lặt vặt như thanh toán công tác phí, đặt bàn tiệc, mua quà cáp nhân một số dịp đặc biệt… Cô cảm thấy chán nản vô cùng và tâm sự rằng ngày nào đi làm cũng chỉ nghĩ tới chuyện nghỉ việc. Nhưng điều cản trở cô là gánh nặng kinh tế quá lớn và hoàn cảnh gia đình cũng rất neo người. Cô bị giằng xé giữa việc theo đuổi công việc khác để tận dụng được khả năng của mình hay ở lại với công việc cho mình sự an toàn về tài chính. Cô khá hy vọng mình theo công việc mình có thế mạnh thì sẽ có công việc tốt hơn và mình sẽ vui hơn.
Sau 2 tiếng trao đổi, tôi và cô ấy đã gỡ dần các nút thắt bằng cách gọi tên rõ ràng các mối băn khoăn về nghề nghiệp, xác định các thế mạnh, điểm yếu và mục tiêu trong cuộc sống. Mọi việc cứ dần dần tự sáng tỏ. Cuối cùng, tự cô gái đã nhận ra rằng sự chán nản không thực sự đến từ công việc cô đang làm. Thực tế, nó đến từ sự ảnh hưởng của bạn bè, của những người xung quanh. Vì thấy cô có chút năng khiếu nghệ thuật, cũng thể hiện được sự khéo tay, gu thẩm mỹ ở các sự kiện xung quanh nên đã khuyến khích, hối thúc cô theo đuổi ngành nghề liên quan đến nghệ thuật. Tuy nhiên, công việc hiện tại cô vẫn đang rất ổn. Cô làm tốt công việc của mình với sự chỉn chu, cẩn thận. Đồng thời, vẫn có những lúc cô thấy vui vì thể hiện được thế mạnh nghệ thuật của mình. Đó là khi giúp đỡ Sếp sắp xếp tiệc hoặc chọn tặng quà cho khách hàng. Cô được Sếp ưng và ưu ái cho rất nhiều thứ: mức lương thưởng tốt, linh hoạt về thời gian để chăm sóc gia đình, trân trọng các thành quả làm việc của cô.
Khi bàn về việc chuyển công việc, cô dần hình dung ra toàn bộ bức tranh chuyển đổi bao gồm: đầu tư tài chính và thời gian cho việc học kỹ năng mới, dự trữ tài chính cho quá trình chuyển đổi, hỗ trợ của người thân trong việc chuyển đổi, điều kiện làm việc của công việc mới. Bức tranh ấy hiện lên rõ ràng và chi tiết khiến cho cô nhận ra thực tế. Đó điều kiện gia đình của mình hiện tại chưa thể đáp ứng được. Đồng thời, cô cũng không thực sự thích các nghề nghệ thuật như cô tưởng vì bản chất của cô luôn cần sự an toàn và ổn định.
Phương án do cô chủ động lựa chọn là: “Thôi, em sẽ tiếp tục công việc hiện tại chị ạ!”. Cuối cùng, tôi cũng đã nhìn thấy nụ cười của cô gái nở trên môi, trán cô giãn ra, ánh mắt rạng rỡ. Một hình ảnh khác hẳn với cô gái đến gặp tôi cách đó 2 tiếng: trăn trở, lo lắng và căng thẳng.
Trước khi chia tay, tôi hỏi: “Sôi sục muốn chuyển việc nhưng gặp tư vấn xong lại quyết định không chuyển. Em có tiếc thời gian cho buổi hẹn này không?”
Cô vui vẻ đáp: “Không chị ơi, 2 tiếng làm thay đổi cuộc đời. Cuộc nói chuyện với chị đã khiến cho em có được bức tranh toàn cảnh về nghề nghiệp của em. Trước đây em nghĩ nhiều nhưng không nghĩ được rõ ràng như thế. Em không chuyển việc nhưng em đã có sự yên tâm và thanh thản để đi đến quyết định ấy. Từ bây giờ, em biết em phải sống vui như thế nào rồi”.
Giọng nói hào hứng, tràn đầy nhiệt huyết của cô gái 36 tuổi làm tôi thấy vui lây. Tôi tin là từ hôm nay, cô ấy đã biết sử dụng thế mạnh nghệ thuật của mình như thế nào để làm cuộc sống màu sắc hơn rồi.
Đúng là không phải lúc nào Hướng nghiệp lại cũng dẫn tới việc thay đổi công việc. Điều quan trọng là chuyên gia tư vấn sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân bạn, hiểu rõ năng lực nghề nghiệp và bối cảnh công việc, cuộc sống để bạn ra quyết định một cách tự tin mà không phải băn khoăn, trăn trở. Chẳng phải là đó chính là điều mà các bạn đang tìm kiếm đó sao?
ThanhBình