Theo khảo sát của trang Joblist trên hơn 18,000 nhân viên tại thị trường lao động tại Mỹ đầu năm 2022, có tới 28% nhân viên cho rằng họ bỏ công việc vì sếp đối xử tồi tệ. Tình trạng và tâm lý này không chỉ tồn tại ở Mỹ mà chúng ta gặp ngay cả ở thị trường lao động Việt nam, đặc biệt là phản ứng với sếp của các bạn gen Z.
Tất nhiên đây là góc nhìn từ phía nhân viên, còn có thể các sếp cũng có những lý do nhất định để ứng xử không hay trong một số trường hợp. Tuy nhiên, nếu nhìn trên 1 góc độ khác, việc thay đổi công việc trong bối cảnh nhân viên bị sa thải hàng loạt ở các tập đoàn lớn như IBM, Facebook… cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Do đó, trước khi cân nhắc nghỉ việc, chúng ta cũng có thể xem xét xử lý mối quan hệ này trước để giảm thiểu rủi ro thất nghiệp.
Có 1 vài cách dành cho các bạn tham khảo:
- Hãy làm tốt việc của mình để giúp sếp nở mày nở mặt. Về cơ bản thì sếp không phải là người làm trực tiếp các công việc nên kết quả công việc của bạn chính là kết quả của sếp mang đi báo cáo. Nếu bạn làm tốt công việc của mình và giúp sếp nở mày nở mặt, chắc hẳn sếp sẽ phải ghi nhận công lao và biết ơn bạn.
- Tìm ra nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng sếp đang gặp phải và trút vào đầu mình. Liệu mình có thể giúp được gì không? Liệu có phải do mình không hay là với ai sếp cũng vậy? Căng thẳng này là do các vấn đề tạm thời hay dài hạn? Biết được nguyên nhân sâu xa, chúng ta có thể xác định được đúng bản chất của mối quan hệ giữa mình với sếp để có những quyết định phù hợp
- Hiểu phong cách giao tiếp của sếp. Mỗi người lãnh đạo có một phong cách giao tiếp khác nhau và không phải người nào cũng giống phong cách của mình. Vậy nên hãy coi việc hiểu phong cách giao tiếp của sếp để chọn một chiến lược giao tiếp hiệu quả cũng là một phần trong công việc, để hướng tới mục tiêu là hiệu quả công việc nói chung. Mình giao tiếp theo phong cách của sếp không có nghĩa là mình đánh mất bản thân mà chỉ đơn giản vì công việc này, tại thời điểm này cần phải được giao tiếp theo cách đó.
- Chủ động đề nghị nhận được phản hồi từ sếp. Các sếp sẽ đánh giá cao tinh thần học hỏi và chủ động của nhân viên khi họ sẵn sàng đối mặt với phản hồi. Do vậy, trước sau gì cũng sẽ phải nhận phản hồi từ sếp, sự chủ động của chúng ta khiến cho sếp sẽ thoải mái mà đưa phản hồi với tâm thế xây dựng và tích cực. Điều này cũng khiến cho việc tiếp nhận góp ý dễ dàng hơn, đồng thời cũng khiến chúng ta trưởng thành hơn trong công việc
- Hãy luôn tôn trọng sếp. Cho dù sếp của bạn có kém cỏi chuyên môn so với bạn hay hạn chế trong giao tiếp hay có điểm gì đó không bằng bạn hoặc bằng các sếp khác thì bằng một cách nào đó, họ cũng vẫn đang có trọng trách, vị thế cao hơn bạn. Do vậy, bạn cần phải tôn trọng họ. Bạn có thể góp ý và giúp họ làm tốt những gì họ chưa làm tốt nhưng đừng nói xấu hay chơi khăm khiến họ mất mặt. Rất có khi chỉ vì thỏa mãn sự tự phụ nhất thời đối với sếp mà bạn lại đánh mất những cơ hội việc làm tốt của chính mình.
- Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: Sếp cũng là người. Cho dù ở cương vị quản lý cao bao nhiêu, sếp cũng có những phần đời sống cá nhân giống như chúng ta, cũng có những vui buồn, lo lắng về vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em. Hãy cởi mở và trò chuyện với sếp về những câu chuyện rất Con người này để xây dựng mối quan hệ gần gũi, chia sẻ và cảm thông với sếp như các đồng nghiệp khác. Đây sẽ là nền tảng và tiền đề cho một không khí thoải mái và tin cậy trong môi trường làm việc.
Tựu chung lại, quan hệ với đồng nghiệp, đặc biệt là với sếp là điều rất quan trọng vì nó tạo ra môi trường sống 8h/ngày của bạn. Vậy nên hãy cố gắng vun đắp cho nó tốt nhất có thể, trước khi nghĩ tới việc thay đổi môi trường và chấp nhận nhiều hệ lụy khác đi kèm. Và khi bạn đã làm hết sức mà vẫn cảm thấy không thích hợp, đó chính là lúc bạn cần thay đổi.
Chúc bạn luôn vui vẻ, không quạu với sếp mình và có môi trường làm việc thật thoải mái.
ThanhBình