Khi bắt đầu muốn thay đổi công việc, tôi thấy phần lớn mọi người đều thực hiện việc đầu tiên là Cập nhật CV và dạo quanh thị trường lao động để tìm kiếm các Lựa chọn công việc mới cho sự chuyển đổi. Nghe rất hợp lý nhưng thực ra đó lại chưa phải là hành động tối ưu. Theo các chuyên gia về phát triển nghề nghiệp, chu trình thay đổi công việc, hoặc thậm chí là nghề nghiệp trải qua 4 bước căn bản.
Chúng ta luôn cần bắt đầu với việc Hiểu bản thân trước khi bước vào những bước tiếp theo: Tìm cơ hội công việc hay Cập nhật CV, Gửi CV tới mạng lưới của mình.
Lý do mọi người bỏ qua bước Hiểu bản thân thường đến từ sự chủ quan vì tin tưởng rằng mình đã rất hiểu mình muốn gì, cần gì hoặc làm bước này khá qua loa, đại khái. Nhưng thực chất, cho dù bạn đang ở độ tuổi nào, có những kinh nghiệm gì trong công việc và cuộc sống, việc tập trung vào việc Hiểu bản thân tại một thời điểm nhất định để xác định được rõ ràng những đòi hỏi của mình với công việc mới dựa trên năng lực và điều kiện, hoàn cảnh hiện tại của mình là điều rất quan trọng.
Việc Hiểu bản thân giúp bạn:
- Đưa ra những tiêu chí ưu tiên quan trọng nhất cho công việc mới, rõ ràng và chắc chắn. Thường sẽ có ít nhất là 3 và nhiều nhất là 5 tiêu chí. Với những người suy nghĩ qua loa, các tiêu chí ưu tiên có thể thay đổi liên tục và khiến cho việc lựa chọn, ra quyết định với công việc sẽ khó khăn.
- Hiểu rõ ràng về các năng lực của bản thân: năng lực nào có thể chuyển sang công việc mới, năng lực nào đã lỗi thời, năng lực nào còn đang thiếu và cần cập nhật; năng lực nào là năng lực nổi bật, độc đáo của mình; giá trị của mình trong một tổ chức nói chung và các ngành cụ thể là gì…
- Hiểu rõ lý do cốt lõi vì sao mình muốn thay đổi công việc. Đây là vấn đề mà các nhà tuyển dụng rất quan tâm và thường xuyên đặt câu hỏi trong quá trình phỏng vấn. Lý do thay đổi công việc của bạn liệu có phản ánh mặt tích cực của bản thân bạn như muốn đón nhận nhiều thử thách hơn, muốn học hỏi nhiều hơn, muồn được cống hiến nhiều hơn… hay phản ánh vấn đề của bản thân bạn như không hòa hợp được với sếp cũ, không thực hiện được những đòi hỏi/áp lực công việc tăng dần, không phù hợp với các yêu cầu khắt khe về giờ giấc làm việc… Trong trường hợp nếu thực sự vấn đề nằm ở việc bạn không thích hợp với môi trường cũ, hãy dành thời gian để nghĩ về mặt tích cực của bạn trong việc muốn thay đổi công việc là gì
- Tự tin viết CV và trả lời phỏng vấn. Khi bạn biết rất rõ bản thân mình và hiểu những giá trị, năng lực mình có thể đóng góp cho các tổ chức chuẩn bị ứng tuyển, bạn sẽ dễ dàng thể hiện điều đó trong CV, bất chấp các kinh nghiệm cũ có phù hợp với công việc mới hay không. Nhà tuyển dụng tuyển con người có thể làm được việc hiệu quả chứ không tuyển con người quen với công việc đó dù đó có thể là một lợi thế nhỏ. Sự tự tin và chắc chắn về bản thân cũng sẽ cho bạn một tâm thế thoải mái và sẵn sàng cho công việc khi bước vào phỏng vấn, bởi bạn đã chọn lọc và hiểu mình sẽ làm công việc này như thế nào. Tâm thế ấy trước mặt nhà tuyển dụng sẽ là một lợi thế rất lớn để tạo niềm tin cũng như thuận lợi trong việc đàm phán lương và các yêu cầu công việc.
Với những lợi ích to lớn như vậy, tôi khuyên các bạn nên dành khoảng thời gian đáng kể cho việc Hiểu về bản thân và quan trọng là VIẾT RA những suy nghĩ của mình. Việc viết ra sẽ khiến cho mọi suy nghĩ trở nên mạch lạc, rõ ràng để bạn hình dung cân nhắc, lựa chọn ra những tiêu chí quan trọng nhất cần có trong công việc mới. Bạn có thể nghĩ tới các quy trình như lập kế hoạch cho một doanh nghiệp: Mục tiêu, phân tích SWOT, đối thủ cạnh tranh… Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đánh giá và hiểu bản thân, bạn hoàn toàn có thể nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè, đồng nghiệp, hoặc một người chuyên gia hỗ trợ. Chỉ cần bước này làm tốt, các bước sau của bạn sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn hẳn.
Chúc các bạn có kế hoạch thay đổi công việc nhẹ nhàng, trơn tru.
ThanhBình