Kết nối với con bằng cách chuyện trò, chia sẻ là điều rất tốt. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần biết rằng bên cạnh ngôn ngữ, giữa chúng ta và con cái luôn có một sợi dây vô hình kết nối. Nhiều khi, kết nối này còn mạnh mẽ hơn những lời nói của chúng ta rất nhiều nên con trẻ cũng bị ảnh hưởng thông qua mối liên hệ này nhiều hơn là những lời răn dạy, giáo huấn. Trong quá trình gặp gỡ tư vấn cho các bạn trẻ, tôi đã gặp những trường hợp bố mẹ không hề ý thức được sự tương thông này nên cảm thấy rất khó hiểu về con.
Có một cậu bé đến gặp tôi để cùng bàn về hướng nghiệp. Cậu bé rất thông minh, sáng lạn và hiểu chuyện. Con cũng kể nhiều về gia đình hạnh phúc của mình và mình đã được yêu thương như thế nào. Tôi thực sự thấy mừng cho con vì đã được sống trong tình yêu thương và kết nối rất tốt với bố mẹ. Tuy nhiên, tôi khá ngạc nhiên khi thấy con chọn hy sinh cả sở thích của mình để chọn một nghề nghiệp chỉ để kiếm nhiều tiền. Mục tiêu của con là để giúp đỡ bố mẹ trong khi nhìn từ ngoài vào, với mức sống và những đầu tư của bố mẹ cho cậu bé, tôi không nghĩ con cần phải lo lắng đến vậy.
Tuy nhiên, khi gặp bố mẹ cậu thì tôi hoàn toàn hiểu điều đó đến từ đâu. Bố mẹ cậu bé cũng chia sẻ là chưa bao giờ bắt con lo lắng về tiền nong, bảo con chỉ cần tập trung vào việc học thôi nhưng chẳng hiểu sao con luôn rất muốn tập trung vào việc kiếm nhiều tiền. Nhưng qua câu chuyện với bố mẹ, tôi hiểu rằng một mặt bố mẹ nói vậy với con, nhưng mặt khác, bố mẹ lại rất tiết kiệm và dè sẻn các chi tiêu cho bản thân mình. Như nhiều bố mẹ khác, cặp phụ huynh này sẵn lòng chi rất nhiều tiền để con đi học nhưng lại cân lên đặt xuống những món chi tiêu cho cá nhân như mua quần áo, sắm sanh đồ đạc trong gia đình. Vậy là rất vô tình, thông điệp hàng ngày ấy đã lọt vào mắt con, khiến con cũng cảm thấy lo lắng về tình hình tài chính của gia đình. Cộng thêm với tình cảm với cha mẹ, cậu bé ấy chỉ đau đáu kiếm tiền để cho bố mẹ đỡ khổ, bất chấp những sở thích và mong ước cá nhân.
Có một cậu bé khác, bố mẹ cũng rất yêu thương và chăm sóc. Mẹ gửi con đến với lời nhắn: “Bác giúp em nói chuyện với con. Em thấy con cũng có năng lực nhưng chẳng hiểu sao lúc nào con cũng bảo con chẳng giỏi gì cả và không đạt được thành tích tốt như lẽ ra con có thể”. Khi gặp con, tôi cũng thấy rất đáng tiếc vì một cậu bé sáng sủa, thông minh lại chẳng có chút động lực học tập nào mà chỉ học đối phó cho xong việc. Hỏi gì con cũng bảo “Con không biết”. Phải mất một lúc lâu, con mới mở lòng chia sẻ và tôi cũng hiểu được nguyên nhân không đến từ lời bố mẹ mà đến từ niềm tin của bố mẹ với con, rất kín đáo nhưng con cảm nhận được. Con cảm thấy mình kém cỏi, có cố gắng thêm cũng chẳng ích gì. Con muốn đề nghị gì bố mẹ cũng đòi đánh đổi bằng thành tích. Tôi giở lại tờ thông tin của Phụ huynh cung cấp về con trước buổi hẹn thì thấy bố mẹ chia sẻ lo lắng: Con ham chơi, không có chí tiến thủ, không có quyết tâm… 1 loạt các tính từ rất tiêu cực. Và những nỗi lo lắng ấy đã truyền cả sang con. Con định danh mình luôn là người như thế.
Sau đó, tôi đều phải có buổi gặp gỡ bố mẹ để cùng lắng nghe xem bố mẹ đã tiếp cận con như thế nào. Quả đúng là lời nói thì đúng mực, nhưng tâm tư thì khác. Và bố mẹ rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi suy nghĩ của mình đã âm thầm truyền sang cho con mà mình không hề biết, không hề có ý thức về nó.
Chia sẻ những câu chuyện khá điển hình này, tôi chỉ muốn bố mẹ hãy cẩn trọng với những suy nghĩ, hành vi và năng lượng của mình. Sợi dây tình cảm với con cái là điều rất quý giá. Nó giúp con thừa hưởng rất nhiều những điều tốt đẹp từ mình nhưng nó đồng thời cũng truyền cả những thứ tiêu cực. Một câu nghe thì sáo rỗng nhưng thực sự thế giới vận hành theo cách đó. “Nếu mình muốn con cái trở thành người như thế nào, hãy sống như thế để làm gương”. Nếu con muốn tự tin, bố mẹ hãy tự tin ở mình. Nếu muốn con dấn thân, bố mẹ hãy dấn thân trước. Nếu muốn con chăm chỉ, bố mẹ hãy là những người yêu lao động.
Hy vọng mỗi đứa trẻ sẽ nhận được nhiều năng lượng tích cực để ám thị về tương lai tươi sáng!
ThanhBình