Nói đến Người đua diều, nhiều người có thể nghĩ đến một tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn Mỹ. Tuy nhiên, tôi lại muốn dùng hình ảnh này để chỉ bố mẹ trong hành trình nuôi dạy con.
Tôi nhớ về những buổi chiều mùa hè trong xóm nhỏ. Những cậu con trai cởi trần, hì hục vót tre, dán diều và rồi rủ nhau vào sân xí nghiệp cạnh nhà để thả. Hình dáng diều hồi ấy đơn giản, chỉ có loại hình thoi và cánh cung nhưng cậu trai nào cũng sẽ cố gắng làm cho mình một con diều đặc biệt hơn chúng bạn bằng một cái đuôi dài hơn, điệu đà hơn, thêm ống sáo hoặc dán giấy bóng kính màu lên cho sặc sỡ. Nhìn vào hình thức là biết được tính cách và sự chăm chút của mỗi cậu nhưng phải thực sự vào cuộc đua mới biết ai làm diều giỏi và ai thả diều giỏi. Có những con diều không thể cất cánh do dán cẩu thả, không chắc chắn, hoặc buộc lèo không cân hoặc nhiều khi các cậu ấy cũng loay hoay chẳng biết vì sao. Những con diều đã cất cánh được thì nó bay cao hay xa thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng và tâm tính của người thả. Có cậu rất sốt ruột, thả dây nhanh mà không nương gió, diều cũng chẳng mấy chốc mà bổ nhào. Có cậu tính hiếu thắng, rất phấn khích khi diều mình bay cao và bực bội khi có diều khác cao hơn nên tìm cách hạ diều khác xuống. Có cậu thì rất thong thả, chờ diều lên từ từ và hưởng thụ cái khoảnh khắc diều lên cao dần. Mỗi buổi chiều xem lũ con trai đua diều, tôi thấy rất thú vị khi quan sát những hành vi của mỗi đứa.
Bây giờ, nhìn các bố mẹ chăm bẵm con cái mình, nâng niu từng chút một và gửi vào đó bao hy vọng, mong mỏi con bay thật cao, thật xa, thất vọng khi con không đạt thành tựu, buồn bực lo lắng khi không thể can thiệp được con, tôi thấy sao mà giống cuộc đua diều năm ấy.
Con cái như những cánh diều, bố mẹ như người thả diều. Khi các con còn nằm trong vòng tay mình, giống như lúc mình làm diều, mọi thứ đều thật dễ kiểm soát. Ta có thể dạy con cái này, cái khác, cấm con làm việc nọ việc kia, cũng như việc làm khung hay trang trí một con diều. Khi đã quyết định tham gia vào đường đua, con diều kia đã bay vụt khỏi tầm tay, chúng ta chỉ có thể kết nối với con bằng sợi dây diều – chính là sợi dây tình cảm. Ta có giữ được diều trong tay không phụ thuộc vào chất lượng dây diều, có dai hay không, có đủ to để chịu được sức gió hay không. Còn diều bay cao hay xa một phần phụ thuộc vào cách ta làm diều, nhưng phần không nhỏ còn phụ thuộc vào gió ngày hôm ấy, nhẹ hay mạnh. Muốn diều bay cao thì cần mạo hiểm chơi hôm trời gió nhưng nếu chọn ngày gió nhẹ, ta chấp nhận diều chỉ bay ở mức vừa. Các con ra ngoài tương tác với xã hội, va vấp với nhiều thứ hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát của bố mẹ, giống như những cơn gió. Việc các con đương đầu như thế nào với những ngọn gió ấy sẽ phụ thuộc vào bản thân con diều đã được tạo ra như thế nào, có đủ vững chãi, chắc chắn và cân đối, đúng cách hay không. Đồng thời cũng phụ thuộc vào kỹ thuật thả diều, tức là sự hỗ trợ của bố mẹ thông qua sợi dây, thả dây lúc nào, căng hay trùng, dây dài hay ngắn khiến cho con diều đó có tận dụng được gió hay không. Mỗi con diều có trọng lượng, hình dáng khác nhau, vị trí đứng thả của bố mẹ cũng khác nhau nên sẽ chẳng có một công thức nào để chắc chắn con diều bay cao và xa nhất. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng thả diều của bố mẹ, cảm nhận sự kết nối với con diều từng thời điểm khác nhau và hướng gió mỗi lúc mà chạy hay đứng, thả thêm dây hay không. Khi diều no gió, tưởng như muốn bứt khỏi dây, bố mẹ cần phải cầm chắc tay và thả thêm dây từ từ. Khi diều yếu ớt, sắp bổ nhào, bố mẹ cần chạy đà để tiếp thêm gió cho con. Khi diều chuẩn bị móc vào diều khác, bố mẹ cần lựa gió và di chuyển để đẩy con ra xa. Khi đã gần hết dây mà diều cứ tiếp tục muốn bứt lên, bố mẹ cần nương gió, thu dần dây lại để đảm bảo diều nằm trong tầm tay và mình có thể điều khiến, giúp diều tiếp tục bay chứ không phải đứt dây mà rơi xuống….
Vậy các bố mẹ sẽ hỏi: làm thế nào để tôi có kỹ năng thả diều bay cao hay chính là kỹ năng nuôi con cho tốt? Cũng như các cậu bé xóm tôi năm xưa thôi. Bố mẹ hãy chăm tham gia thả diều. Và ngay từ bước làm diều, hãy chú tâm và liên tục rút kinh nghiệm để làm ra con diều chất lượng nhất, đẹp đẽ nhất. Rồi khi thả diều, hãy cảm nhận kết nối với con diều trong những ngày thời tiết khác nhau, địa hình thả khác nhau và người tham gia chơi khác nhau. Nếu bố mẹ đủ chú tâm, tôi tin chắc kỹ năng làm diều hay thả diều cũng từ đó mà hình thành, mỗi ngày một điêu luyện hơn.
Tóm lại, nuôi con cũng là một kỹ năng. Bố mẹ cần phải học tập và rèn luyện thông qua trải nghiệm, cũng giống như việc luyện tập thả diều, đua diều. Và dù cho có những nguyên tắc, lưu ý nhất định cần biết khi thả diều hay nuôi con thì ta cũng phải hiểu diều là đồ thủ công, mỗi lần làm ra một con diều có đặc điểm khác. Con cái cũng mỗi đứa một nết, chúng ta không bao giờ có một công thức chung hay khuôn mẫu nào để rập khuôn và bắt chước.
Nuôi con thực sự là một hành trình trải nghiệm sáng tạo của bố mẹ!
ThanhBình