Vốn là một người hay đọc, tôi nhận thấy vô vàn những lợi lạc mà sách đem lại. Từ khi còn rất bé, tôi đã luôn lạc lối, mê mải trong những câu truyện hấp dẫn từ những cuốn sách. Suốt chặng đường lớn lên, tôi luôn có sách đồng hành. Tôi học hỏi kiến thức, khám phá thế giới và giải trí đều nhờ sách. Tôi đến giờ vẫn rất hào hứng đi nhà sách và mua sách giấy. Tóm lại, có thể gọi tôi là fan cứng của sách. Vậy nên kể từ khi có con, tôi luôn ước ao là con tôi cũng thích đọc sách giống mình. Hình ảnh mẹ cầm 1 cuốn sách, con cầm 1 cuốn sách ngồi đọc cạnh nhau trong quán cà phê là một bức tranh mơ ước của cuộc đời.
Khi con còn nhỏ, tôi cũng mua đủ loại truyện sách cho con để nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Con tôi khá hào hứng khi được mẹ đọc cho. Nhưng khi con lớn dần và nhất là khi đã biết tự đọc thì tôi cũng bắt đầu trễ nải trong việc đọc sách cho con vì tôi cũng còn nhiều quyển sách dang dở của mình. Và cho đến một ngày, tôi chợt nhận thấy con mình rất ngại đọc sách chữ, chỉ thích đọc truyện tranh, xem youtube. Tôi cũng hốt hoảng, tìm đủ cách dụ dỗ con đọc sách trở lại nhưng kết quả là….hoàn toàn thất vọng. Con tôi mặt buồn xo khi “bị” tặng sách vào dịp sinh nhật! Có rất nhiều cuốn sách tôi tâm đắc chọn vì nghĩ nó thú vị với con đều bị bỏ xó.
Kể chuyện như vậy vì gần đây, tôi nghe được rất nhiều lời phàn nàn từ bạn bè là con cái không chịu đọc sách. Các bậc phụ huynh nào thấy con lười đọc cũng lo lắng vì cảm thấy con khó trở thành người sâu sắc, hay ho nếu chỉ xem mấy nội dung nhảm nhí trên youtube và mạng xã hội. Cảm giác đó rất giống những gì tôi đã trải qua.
Tuy nhiên, qua thời gian đồng hành cũng với con, nỗi sợ hãi, lo lắng này của tôi dần biến mất. Quan sát cách tiếp nhận kiến thức của các con, tôi nhận thấy niềm tin năm xưa của mình cần tiến hóa thêm 1 bậc nữa để thích hợp với thời đại. Ở thời của tôi, nguồn cung cấp thông tin vô cùng hạn chế. Chủ yếu chỉ có mấy nguồn: bố mẹ, sách vở, đài phát thanh và đài truyền hình. Bố mẹ ngày ấy bận rộn cả ngày, cũng không có nhiều thời gian, thậm chí cả kiến thức để chia sẻ với con cái. Đài phát thanh và truyền hình thì thời lượng cũng như nội dung đều hạn chế, nhất là phần dành cho trẻ con. Vậy nên chỉ có sách là nguồn thông tin dường như bất tận cho chúng tôi. Chúng tôi có thể tiếp cận bất cứ lúc nào và bất cứ nội dung gì. Vậy nên rõ ràng sách là 1 lựa chọn ưu thế tại thời điểm đó.
Hiện tại, con cái chúng ta có quá nhiều nguồn thông tin và lượng thông tin cũng khổng lồ để tiếp cận cho học tập. Việc truy cập cũng cực kỳ dễ dàng. Youtube trở thành thánh địa cho việc tìm hiểu và chia sẻ kiến thức. Các nền tảng học trực tuyến cũng chiếm ưu thế với hình ảnh sinh động, nội dung phong phú. Sách bỗng trở thành nguồn thông tin bị lép vế, chỉ còn phù hợp với một số đối tượng trẻ em nhất định. Còn đa số sẽ chọn các nguồn có hình ảnh, video vì ở lứa tuổi nhỏ, việc tiếp thu kiến thức qua đó hấp dẫn và dễ dàng hơn nhiều. Xu hướng chọn thứ dễ hơn để làm là xu thế chung của con người chứ không chỉ riêng trẻ con.
Bên cạnh đó, việc tiếp thu kiến thức còn phụ thuộc vào đặc tính của từng người. Về lý thuyết thì con người có các phong cách học tập khác nhau:
- Phong cách học qua hình ảnh: có những người cảm thấy việc tiếp thu kiến thức thông qua hình ảnh sẽ dễ dàng hơn. Những người này sẽ bị thu hút bởi nét mặt, ngôn ngữ cơ thể của giảng viên hoặc là các hình vẽ minh họa, biểu đồ trong sách, các slides sinh động hoặc video
- Phong cách học qua âm thanh: những người có phong cách này sẽ thích nghe giảng, thảo luận, phát biểu ý kiến. Với những người này, việc hiểu ý nghĩa của lời nói thông qua tốc độc nói, tông giọng hoặc các sắc thái biểu đạt của người trình bày. Họ hay thích đọc to văn bản hoặc sử dụng bản ghi âm cho việc học
- Phong cách học qua trải nghiệm, thực hành: Nhóm người này thích chủ động khám phá thế giới vật chất, bị phân tâm nếu bài học kéo dài, cần hoạt động, vận động tay chân để cầm, nắm, sờ, chạm, khám phá và trải nghiệm mọi điều diễn ra xung quanh
- Phong cách học qua logic: Nhóm người học này thích học hoặc tìm hiểu các vấn đề có tính logic, hay đặt câu hỏi Tại sao, Như thế nào. Họ phải tìm cách liên kết các thông tin được học lại thành 1 chuỗi logic để hiểu và nhớ được. Nhóm này sẽ là nhóm có xu hướng thích đọc sách hơn vì sách sẽ cung cấp thông tin theo trình tự, có cấu trúc chặt chẽ.
Ngày nay, do nguồn thông tin cho việc học trở nên đa dạng, trẻ con sẽ được tự do lựa chọn phương thức học phù hợp với mình nên sách không còn là lựa chọn hàng đầu cũng là điều dễ hiểu.
Nói thế không có nghĩa đọc sách không còn quan trọng. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với các bố mẹ là các thông tin trên mạng xã hội hiện tại phần lớn là các thông tin tức thời, hấp dẫn nhưng thiếu độ sâu. Sách vẫn luôn là nguồn thông tin đáng tin cậy hơn, tinh túy hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Cũng từ quan sát của tôi với con cái và các bạn trẻ, tôi nhận thấy sách sẽ dần trở nên quan trọng khi các con trưởng thành hơn, cần tìm hiểu thông tin sâu sắc hơn về các lĩnh vực mình quan tâm và muốn thành thạo, hiểu biết hơn. Từ chỗ chỉ đọc truyện tranh, có lúc con tôi đã ngồi đọc hết 1 cuốn truyện chữ 4-500 trang chỉ vì nó liên quan tới chủ đề con quan tâm và thấy hấp dẫn. Con cũng đi hiệu sách và chọn các sách chuyên ngành, có nhiều kiến thức sâu. Như vậy, sẽ có lúc các con tìm đến sách để học hỏi, đào sâu cho chuyên môn vì những thông tin trên các trang mạng không còn đủ đáp ứng nhu cầu học hỏi của các con nữa.
Từ đó, tôi hiểu rằng, điều quan trọng không phải là bắt ép các con đọc sách chỉ vì mình quá lo lắng. Mà điều quan trọng hơn là hãy nuôi dưỡng, khuyến khích cho các con nhu cầu học hỏi liên tục. Bên cạnh đó, việc giúp các con biết cách chọn lọc thông tin để hấp thu cũng là điều quan trọng. Và sẽ đến lúc, các con tự tìm đến sách, một cách tự nguyện và thoải mái.
Tuy nhiên, nếu có cơ hội làm lại, tôi vẫn sẽ ước mình dành nhiều thời gian hơn để rèn cho con nếp đọc sách. Bởi nếu được tiếp cận với sách càng sớm, các con càng có cơ hội tiếp cận tri thức chính thống sớm hơn.
Dù sao thì tôi cũng vẫn là một fan cứng của SÁCH!
ThanhBình