Nghe cụm từ “con yêu, con ghét”, bố mẹ nào cũng nghĩ điều đó chẳng bao giờ xảy ra ở nhà mình. Đúng vậy, trong con mắt của bố mẹ, con nào cũng là con. Năm con năm nhớ, mười con mười thương, đứa nào cũng là núm ruột của mình cả, làm sao yêu đứa này ghét đứa kia được. Tuy nhiên, nếu đi khảo sát bí mật những đứa trẻ hoặc quan sát lúc chúng phàn nàn mà xem, bố mẹ hẳn không lạ với các câu thế này:
- Mẹ cháu chỉ yêu em cháu thôi chứ chẳng yêu cháu
- Bố mẹ thì lúc nào cũng bênh nó
- Con thì làm sao mà so được với nó, lúc nào nó chả đúng
- Tại sao mẹ không bắt chị ý làm mà toàn bắt con làm
- Sao hôm kia chị ý cũng làm thế mẹ không mắng, hôm nay mẹ lại mắng con
- ….
Đó là cái nhìn và suy nghĩ của những đứa trẻ. Chúng cảm thấy có sự không công bằng trong đối xử của cha mẹ. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì trẻ con ngây thơ, chúng nhìn mọi thứ rất trong trẻo và đơn giản chứ không nhiều chiều, đa diện như người lớn.
Hậu quả của việc những đứa trẻ cảm thấy thiếu tình yêu thương của bố mẹ thường dẫn tới những cảm xúc tiêu cực. Các con tự ti về bản thân, không muốn phấn đấu vì cảm giác phấn đấu cũng không hiệu quả, mâu thuẫn với anh chị em, phản ứng quá khích trước các tình huống nhạy cảm với tổn thương tâm lý, kết quả học tập không tốt như khả năng…
Vậy tại sao bố mẹ dù yêu các con như nhau nhưng lại khiến các con nghĩ mình không công bằng như vậy? Có thể kể đến một số trường hợp như sau:
1- Không nhất quán
Vì bố mẹ có rất nhiều việc và nhiều áp lực trong cuộc sống nên đôi khi không nhất quán trong việc xử lý vấn đề. Lúc rảnh rang có thể từ từ xử lý con theo 1 cách nhưng lúc bận rộn, cũng vẫn lỗi lầm ấy nhưng hoặc là bỏ qua, hoặc là xử lý nóng vội, không đúng và đủ trình tự như đã từng làm. Ví dụ: hỏi han nguyên nhân, dành thời gian lắng nghe, hỏi xem con cảm thấy như thế nào, bây giờ khắc phục như thế nào, sắp tới sẽ như thế nào….
2- Vô tình
Thường trong gia đình nhiều con, tính cách của các con luôn khác nhau. Mỗi con sẽ ứng xử với mỗi sự việc khác nhau và đòi hỏi bố mẹ xử lý vấn đề của con cũng khác nhau. Tuy nhiên, có những đứa trẻ bản tính sinh ra đã có những lợi điểm: tự giác, ôn hòa, có tinh thần trách nhiệm, chỉn chu…luôn làm cho bố mẹ cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Trong khi đó, có những đứa trẻ có cá tính mạnh, có tính sáng tạo, phiêu lưu, nghệ sĩ thì lại khiến bố mẹ lo lắng vì không đoán định được tương lai của con sẽ đi đâu về đâu. Hơn nữa, những tính cách này dường như cũng không được cổ xúy và tạo điều kiện phát triển tại trường học khiến cho kết quả học tập của con không được như mong muốn của bố mẹ.
Trong bối cảnh đó, một cách rất vô tình, bố mẹ dễ buông lời trách mắng đứa con này và khen đứa con kia. Nếu chỉ có một đứa, điều này là hoàn toàn bình thường vì lỗi lầm hay thành tựu của mỗi con đều rõ ràng, cần được khen ngợi hay nhắc nhở. Tuy nhiên, trong cùng nhà, đứa trẻ hay bị quở không chỉ buồn khi bị phê bình mà còn chạnh lòng khi anh chị em được khen. Dù bố mẹ không có ý chê con nhưng vì thói quen nghĩ tiêu cực đã khiến con dịch những lời khen người khác thành lời chê mình.
3- Tình cảm tự nhiên
Bố mẹ sẽ có xu hướng quan tâm, gần gũi hơn với những đứa con có sở thích và mối quan tâm giống mình. Điều này bố mẹ không hề cố ý nhưng việc chia sẻ với những người giống mình dễ dàng hơn hẳn khiến cho đứa con còn lại có cảm giác mình bị bỏ rơi.
Bố mẹ cũng sẽ có những niềm tự hào thầm kín đối với những đứa trẻ có thành tựu và thể hiện điều này ra một cách vô thức. Nếu đứa trẻ còn lại nhạy cảm, con có thể cảm nhận được điều này và sẽ cảm thấy mình không được yêu thương bằng hoặc tự trách, tự gán cho bản thân mình là vô dụng, kém cỏi.
Vậy với cương vị là bố mẹ, chúng ta phải làm gì để giảm thiểu những vấn đề này? Sau đây là một số gợi ý cho bố mẹ:
Nhất quán trong việc xử lý vấn đề với các con ở mọi thời điểm. Thông thường, khi rảnh rang và bình tĩnh, chúng ta sẽ xử lý tình hình khoa học và hợp tình hợp lý. Vậy hãy để các vấn đề cần có thời gian tới lúc chúng ta thực sự có thời gian. Bố mẹ có thể nói rõ với con tại thời điểm đó: Bố/mẹ hiện tại chưa có thời gian để xử lý câu chuyện này. Mình tạm thời xếp nó lại và giải quyết hậu quả (nếu có) đã. Việc xử lý vấn đề ngay lập tức nhưng không đúng cách không những không giải quyết được triệt để mà còn gây ra hậu quả sau này khi các con nhìn nhận về bố mẹ.
Hãy trao đổi và làm cho các con hiểu rằng: mỗi người đều có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau và không có ai toàn diện, cũng không có ai kém cỏi. Thường xuyên nhấn mạnh về việc cho dù các con giỏi giang, yếu đuối hay như thế nào, bố mẹ cũng không vì thế mà kém yêu thương. Nếu có điều kiện, hãy dành cho mỗi con những buổi trò chuyện riêng để các con thấy mình là người đặc biệt, mình được bố mẹ quan tâm đầy đủ. Ngoài ra, thông qua các buổi trao đổi, thảo luận với cả gia đình, hãy giúp các con nhìn thấy các vấn đề thông qua các lăng kính khác nhau, lăng kính của từng con một. Các con sẽ hiểu dần được những điểm mạnh, điểm yếu của mình ở đâu, hiện diện như thế nào và cần phát huy hoặc khắc phục ra sao.
Ví dụ: có thể thảo luận về một sự vụ với bạn bè, cách xử lý của đứa con trầm tính sẽ khiến câu chuyện diễn biến như thế nào, còn cách xử lý của đứa con sôi nổi, quảng giao sẽ khác biệt ra sao. Mỗi cách xử lý đều có tính hai mặt và các con sẽ tự đánh giá xem cách nào thích hợp với mình và có thể hiểu được nếu nhìn thấy ai đó xử lý bằng cách khác…
Mỗi đứa con đều có những thế mạnh riêng nên nhất định bố mẹ nào cũng đều có niềm tự hào riêng về mỗi con. Chỉ có điều bố mẹ thường hay khoe với hàng xóm hơn là nói với chính con mình. Ngoài ra, thay vì việc chỉ nghĩ tới những thành tích học tập là điều mà không phải con nào cũng đạt được, bố mẹ hãy nghĩ tới những tính cách, sở trường, điểm mạnh khác mà có thể trường học chưa đo lường được cho các con. Ví dụ như lòng nhân ái, sự bao dung, khả năng sáng tạo, sự mạnh mẽ, kiên cường, ý tưởng đột phá, tài lãnh đạo… Hãy nói cho các con biết về sự hào của mình, truyền nó sang các con để con nào cũng thấy tự hào về bản thân, từ đó trui rèn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những thế mạnh của mình. Khi tự tin ở bản thân, các con sẽ dần suy nghĩ tích cực và ngày càng đạt được nhiều thành tựu hơn, ít so sánh mình với người khác hơn và xóa tan cảm giác thua thiệt so với anh chị em.
Nuôi con luôn là một việc khó, nhất là khi có nhiều con. Việc này đòi hỏi bố mẹ cần có sự linh hoạt, nhất quán, tỉnh táo và dành thời gian duy trì giao tiếp rất đều đặn, sáng rõ với các con, tránh việc con cái hiểu sai hoặc tự suy diễn ý của bố mẹ.
Tôi đã từng là một đứa trẻ cảm thấy thiếu công bằng nên tôi rất hiểu việc làm rõ thông điệp về ưu điểm, về sự tự hào của bố mẹ quan trọng như thế nào với một đứa trẻ. Những lời khích lệ dẫn tới việc tự tin ở bản thân của con trẻ, nhất là trong những năm tháng đầu đời phụ thuộc khá nhiều ở bố mẹ. Vậy nên tôi luôn mong mỏi và hy vọng các bố mẹ lưu tâm đến điều ấy mà làm tốt hơn. Để chúng ta có những đứa trẻ luôn vui tươi, tự tin và hạnh phúc!
ThanhBình