Cụm từ “làm bạn cùng con” có vẻ rất trendy – thời thượng và nhiều bố mẹ cũng tìm cách để thực hiện việc này. Tuy nhiên, có vẻ như không ít bố mẹ đang gặp khó khăn trong việc thực hiện nó. Trong một bộ phim truyền hình gần đây, tôi bật cười vì cách nhân vật chính chọn làm bạn với con. Đó là giả vờ làm quen qua mạng để được có cơ hội đứng ngang hàng với con, để biết được tâm tư suy nghĩ của con. Nhưng ngay cả khi đã làm trót lọt được việc này, ông bố trong phim vẫn loay hoay không biết phải xử lý thông tin mình có như thế nào và kết quả là, quan hệ bố con vẫn không hề được cải thiện. Thậm chí con gái còn ghét hơn vì bố ngày càng xuất hiện không đúng lúc khi có thêm thông tin.
Vậy có bao giờ các bố mẹ tự hỏi, điều gì khiến cho mình khó khăn trong việc làm bạn được với con, làm thế nào để con coi mình là bạn?
Trước hết, chúng ta cần nghĩ xem mình muốn xây dựng một tình bạn như thế nào? Một tình bạn chia sẻ những niềm vui, sở thích hay một tình bạn có qua có lại, giúp đỡ lẫn nhau, hay một tình bạn tâm giao tri kỷ, hay một tình bạn che chở? Hãy thử nghĩ xem hiện tại các bạn có bao nhiêu kiểu tình bạn? Đâu sẽ là quan hệ tình bạn phù hợp với đứa trẻ của mình?
Nhưng trên tất cả, cá nhân tôi luôn nghĩ về tình bạn với một số tính chất trọng yếu:
- Chân thành, cởi mở
- Không phán xét
- Tin tưởng, tôn trọng
Dù là kiểu tình bạn như thế nào, tôi cũng chấp nhận bạn bè của mình như một combo, cả những điều hay ho và những điểm dở hơi mà duy trì tình bạn với những tính chất trên. Tôi tin những người bạn tốt của tôi cũng chấp nhận tôi theo cách ấy.
Áp dụng vào quan hệ với con cái, tôi thấy rất vui vì có một tình bạn đẹp với con. Các con ríu rít kể chuyện trường lớp bạn bè, chia sẻ cả chuyện con thích ai, cảm thấy như thế nào trong những mối quan hệ bè bạn, không ngại góp ý với bố mẹ và phân tích phải quấy khi chúng tôi không nên không phải với nhau. Có lẽ những điều đó đến từ sự chân thành, coi con là bạn của tôi.
Tôi chân thành chia sẻ với con những điểm còn hạn chế của mình, chấp nhận những lời góp ý của con mà không xấu hổ. Tôi cũng là một con người mà, cho dù đã là bố mẹ, tôi vẫn được quyền sai sót và có điểm yếu chứ. Nhờ thế, khi tôi góp ý với con, con cũng đón nhận nó một cách thoải mái mà không thấy nó giáo điều hay đang bị dạy dỗ. Trẻ con ở tuổi teen, nhu cầu khẳng định mình rất lớn nên nếu không tạo được một không gian chân thành, an toàn và cởi mở để chia sẻ, góp ý, các con sẽ rất dễ phản ứng hoặc né tránh. Hoặc là thấy mình kém cỏi không được như bố mẹ, hoặc là nghĩ bố mẹ chẳng hiểu gì mình.
Là bố mẹ, chúng tôi cũng cởi mở đón nhận những quan điểm mới của giới trẻ. Chúng tôi ăn đồ ăn của bọn trẻ con, nghe Top hit của thanh niên, đôi khi cũng phải nói và tham gia vào những joke (trò đùa) của bọn chúng. Mới đầu thấy lạ lẫm, xàm xí nhưng nếu mình thực sự thấy bạn mình (là con mình đó) thích thì mình cũng xám xí cùng bọn chúng, và điều đó rất vui.
Tôi nghe các câu chuyện của con với đầy đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố mà không nhảy vào phán xét. Tôi không vội đưa ra những lời khuyên vì phần lớn các con khi kể chuyện, nhu cầu đầu tiên là nhu cầu được lắng nghe. Cái này thì người lớn hay trẻ con đều như nhau. Các con sẽ hỏi khi cần trợ giúp, cần tìm giải pháp. Vậy nên nếu bố mẹ phán xét câu chuyện bằng góc nhìn của cá nhân mình và đưa lời khuyên quá sớm, đó sẽ là cách hiệu quả nhất để đóng lại các câu chuyện với trẻ con. Bình tĩnh lắng nghe, hỏi cảm xúc và quan điểm của con trước sự việc này, tỏ ra đồng cảm được thì càng tốt. Bạn bè phải thế mới thích chứ nhỉ! Thích cùng khen, ghét cùng “chửi”. Được lắng nghe rồi thì có khi, ngay từ lúc giãi bày, các con đã tìm thấy hướng giải quyết rồi mà chưa cần bố mẹ can thiệp, chỉ bảo.
Từ nhỏ, tôi đã coi các con như những thực thể độc lập, có quyền và nghĩa vụ phù hợp ở từng lứa tuổi. Bất cứ khi con có thể ra quyết định nào cho bản thân mà không ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng, tôi sẽ để cho con làm điều đó mà không cài cắm các mục tiêu hay mong muốn, ý chí của mình, chỉ đưa các lời khuyên. Vd: 4 tuổi trở đi, con đã hoàn toàn tự chọn quần áo mặc đi chơi, đi học; 6 tuổi trở đi, con tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của mình, đi kèm với thưởng và phạt theo thỏa thuận và cam kết; các con cũng tự lựa chọn các môn học thêm sau khi đã được học thử một thời gian; các con cũng tự lựa chọn kiểu đầu tóc, trang phục, miễn là đảm bảo phép lịch sự tối thiểu và yêu cầu của trường học, điểm đến…. Bố mẹ và các con đều tham gia chia sẻ các công việc nhà. 7-8 tuổi các con tôi đã được phân công rửa bát hàng ngày. Các con có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chứ không chỉ giao cho vui.
Con càng lớn, tôi càng dành nhiều niềm tin hơn cho các con. Khi con ở tuổi teen, chia sẻ nhiều với các con mà đôi khi tôi vẫn ngỡ ngàng vì các con lớn hơn mình tưởng, biết nhiều hơn mình nghĩ.
Vì tôi thường xuyên chia sẻ và nhấn mạnh vai trò quyết định cuộc đời của chính các con nên khi tôi đưa ý kiến của mình, các con đã quen và hiểu rằng: ý kiến đó chỉ để tham khảo, còn con vẫn là người quyết định. Khi thấy mình phải tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình, các con trở nên cân nhắc hơn, tính toán hơn và có nhu cầu tham vấn từ bố mẹ.
Gia đình tôi cũng thường xuyên chia sẻ và thảo luận trong các bữa ăn gia đình một cách cởi mở, khách quan. Chủ đề chia sẻ phức tạp dần theo sự trưởng thành của các con. Các con càng lớn, càng có nhiều chủ đề hot liên quan đến xã hội. Do vậy, tôi thấy những buổi thảo luận này cực kỳ hữu ích để chúng tôi hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn, bố mẹ bắt kịp được trend của giới trẻ, các con cũng học được các góc nhìn từ người lớn. Cũng có những hôm chủ đề là “đấu tố” lẫn nhau, tức là chúng tôi nói về những điểm còn hạn chế của các thành viên. Không khí cũng rôm rả không kém các chủ đề khác vì chúng tôi chúng tôi được tự do phát ngôn mà không bị phán xét, không lo làm tổn thương người khác. Chúng tôi hiểu đó là những lời nói chân thành, vì muốn nhau tốt hơn. Nói về những điểm yếu của người khác một cách công khai, không những vui mà cũng học được rất nhiều thứ thông qua đó!
Như vậy, thực tế làm bạn với con không hề khó. Điều mấu chốt là mình không dùng tư duy của bố mẹ, tư duy của bậc bề trên mà thực sự coi con là bạn, đủ tin tưởng và tôn trọng con mà sẵn lòng đứng ngang hàng với con. Từ đó đồng cảm và tạo ra không gian rộng mở cho việc sẻ chia.
Mong rằng bố mẹ nào cũng có thể thiết lập được tình bạn tâm giao với con, để các con luôn có một nơi quay về, cho dù cuộc đời ngoài kia có sóng gió bao nhiêu.
ThanhBình