Điều tôi thấy khá ngạc nhiên trong quá trình tư vấn là băn khoăn của các bạn trẻ khi chọn ngành học. Khi nhìn thấy trào lưu “nhảy việc” thường xuyên của các bạn, tôi tưởng rằng lớp trẻ có xu hướng “cả thèm, chóng chán”, thích phiêu lưu, trải nghiệm. Tuy nhiên, các bạn trẻ đến gặp tôi lại rất nghiêm túc trong việc lựa chọn ngành nghề và một trong các tiêu chí quan trọng các bạn ấy đặt ra khi lựa chọn là: “con muốn chọn ngành nào để con đi được lâu dài nhất có thể”.
Quả thực đây là một tiêu chí rất quan trọng và đúng đắn khi lựa chọn nghề nghiệp. Nó cũng thể hiện sự nghiêm túc của các bạn trong con đường phá triển nghề nghiệp. Và tôi tin các bạn trẻ đặt ra tiêu chí này cũng sẽ có sự phát triển nghề nghiệp rất tốt.
Những ngành nghề chúng ta có thể đi lâu dài với nó, về nguyên tắc là những ngành nghề gắn với sở thích tự nhiên của bản thân. Bên cạnh đó, nó còn được củng cố bởi năng lực của bản thân khi làm những ngành nghề đúng sở thích này. Tuy nhiên trong xã hội đầy biến động như hiện nay, thị trường lao động cũng biến động rất mạnh. Có rất nhiều nghề sinh ra trong một khoảng thời gian ngắn rồi lại biến mất và có những ngành nghề mới lại sinh ra để thay thế nó, tùy thuộc và nhu cầu của xã hội. Một trong những ví dụ ưa thích trong trường hợp này có thể kể đến là email đã xóa sổ nghề “Đưa thư” và Youtuber đã cạnh tranh trực tiếp với nghề “Quảng cáo”. Đó là còn chưa kể tới sự hoàn thiện và phát triển bản thân của mỗi cá nhân cũng khiến cho sở thích tự nhiên và năng lực tự nhiên của họ cũng thay đổi theo năm tháng. Tất nhiên, trường hợp xuất hiện sở thích tự nhiên hoàn toàn mới không có nhiều. Tuy nhiên, việc sở thích thứ 2 ở một giai đoạn nào đó trở thành số 1 – thích nhất là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vậy nên có thể thấy, mong muốn chọn ngành để đi lâu dài là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc biến nó thành hiện thực lại là chuyện hoàn toàn khác.
Trước tình hình biến động như vậy, các nhà tuyển dụng cũng thay đổi các tiêu chí đánh giá nguồn nhân lực. Họ sẽ đánh giá cao khả năng thích nghi và sẵn sàng học cái mới của ứng hơn những gì ứng viên đã từng được học. Hay nói một cách khác, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên các kỹ năng mà ứng viên sở hữu hơn là những kiến thức hay ngành nghề mà ứng viên đã theo đuổi và trải nghiệm. Vậy điều này có nghĩa là gì với những bạn trẻ, những ứng viên cho các vị trí công việc trong tương lai?
1- Ngành nghề bạn học không quá quan trọng như bạn nghĩ.
Chọn được những ngành nghề phù hợp với con người là điều rất quan trọng và là nền tảng góp phần thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng, trong một đời đi làm việc, bạn sẽ trải qua rất nhiều nghề khác nhau và có thể một số nghề bạn sẽ trải qua chưa hề xuất hiện tại thời điểm này – thời điểm bạn đang chọn ngành. Chuyên ngành bạn học chỉ là tấm vé cho bạn bước vào công việc đầu tiên trong đời thôi. Còn sự nghiệp của bạn thú vị, màu sắc và huy hoàng như thế nào sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng và học hỏi những điều mới mẻ nảy sinh từ sự biến động của cuộc sống và xã hội.
2- Điểm số cũng không quá quan trọng và quyết định việc phát triển sự nghiệp
Điều này không phải để cổ xúy cho bạn học hời hợt, láng cháng mà chỉ để nhắc bạn rằng: điểm số xuất sắc trong trường Đại học cũng không phải nhân tố bảo đảm cho sự phát triển sự nghiệp. Tất nhiên điểm số cao sẽ giúp đỡ và thuận lợi hơn cho bạn so với điểm số thấp khi bạn đi xin những công việc đầu tiên. Tuy nhiên, việc mang các bạn đi xa hơn trong sự nghiệp sẽ là những kết quả làm việc thực sự, là thái độ và kỹ năng tích lũy trong quá trình đi làm.
3- Hãy dành thời gian thâm nhập vào thế giới thực của công việc
Thâm nhập vào thế giới việc làm thông qua các công việc làm thêm, thực tập, dự án tình nguyện… là điểm cộng rất lớn cho việc phát triển sự nghiệp.
Không chỉ thu thập những kiến thức áp dụng trong thực tế công việc, các bạn trẻ còn phải làm quen với những thói quen mới để thành công trong sự nghiệp: đúng giờ, giải quyết khúc mắc với sếp, với khách hàng, quản lý nhiều đầu việc, nhiều deadlines cùng lúc, sự linh hoạt trong xử lý các tình huống …
Tham gia vào các công việc thực tế trong quá trình đi học, thể hiện những năng lực của mình trong các công việc này cũng sẽ đem lại cho các bạn trẻ rất nhiều mối quan hệ thuận lợi, các cơ hội việc làm không nhất thiết giống như chuyên ngành các bạn đang học.
Ngoài ra, quá trình va chạm thực tế cũng khiến cho các bạn trẻ dễ dàng hơn trong việc nhận ra những giá trị cốt lõi hay giới hạn của bạn thân, hiểu bản thân hơn so với quá trình đi học tại trường.
Vậy nên các bạn học sinh, sinh viên cần hiểu rõ hơn, đánh giá đúng hơn mức độ quan trọng của việc “dấn thân” so với việc chọn ngành nghề sẽ theo học. Từ đó, các bạn có thể cân đối hài hòa các nỗ lực của mình và đạt được sự thành công mỹ mãn nhất trong hành trình nghề nghiệp.
ThanhBình