Khi quan sát những người đồng nghiệp xung quanh, tôi thấy có những người làm việc như đi chơi, enjoy từng công việc nhỏ dù công việc khá bận rộn. Tuy nhiên, cũng có những người công việc khá nhàn nhã nhưng vẫn cảm thấy không hứng thú, vẫn nhấp nhổm muốn nhảy việc. Bản thân tôi cũng có những trải nghiệm tương tự khi trải qua những công việc khác nhau. Vậy thực sự điều gì đã làm cho chúng ta yêu thích, thoải mái với một công việc hay chán ghét một công việc khác?
Giả định rằng các yếu tố quan trọng khác như: lương, môi trường làm việc, sếp là giống nhau đối với công việc. Trong lý thuyết hướng nghiệp, chúng tôi nhận thấy điều này phụ thuộc khá nhiều vào mức độ khớp của kỹ năng làm việc của chúng ta và những kỹ năng đòi hỏi trong công việc.
Một công cụ khá nổi tiếng xác định mức độ khớp nối này là Kỹ năng tạo động lực được phát minh bởi chuyên gia Hướng nghiệp Richard Knowdell người Mỹ và hiện tại vẫn đang được sử dụng rộng rãi.
Về nguyên tắc, các chuyên gia Hướng nghiệp sẽ xác định xem bộ 52 kỹ năng phổ biến sử dụng trong công việc của một cá nhân được xác lập như thế nào theo mức độ ưa thích và thành thạo.
Với sự kết hợp của 2 chiều kích Mức độ Ưa thích sử dụng kỹ năng (5 mức độ) và Mức độ Thành thạo kỹ năng (3 mức độ), chúng ta có 15 tổ hợp. Tuy nhiên, trong số các tổ hợp này, có 2 nhóm tổ hợp cực kỳ quan trọng quyết định động lực làm việc của chúng ta:
Nhóm tổ hợp gồm các kỹ năng Ưa thích/Rất ưa thích và Thành thạo/Rất thành thạo: Nhóm này được gọi là Nhóm kỹ năng tạo động lực, khiến cho chúng ta cảm thấy rất thoải mái vì được sử dụng thế mạnh và sở thích của mình. Mọi công việc sẽ được hoàn thành một cách trôi chảy và thoải mái. Trong nhóm tổ hợp này, có thể có một số kỹ năng ở mức tuyệt vời nhất, là sự kết hợp của Rất ưa thích và Rất thành thạo. Một người càng sở hữu nhiều kỹ năng đòi hỏi trong công việc rơi vào nhóm này, công việc sẽ càng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Cho dù vậy, chúng tôi vẫn khuyên những người may mắn có được công việc này hãy tiếp tục rèn luyện các kỹ năng sử dụng thường xuyên, đang Yêu thích nhưng còn đang ở mức Chưa thành thạo trở thành Thành thạo để họ có thể thoải mái hơn nữa với công việc. Và có thể nhờ đó, những kỹ năng mới chỉ Yêu thích sử dụng sẽ trở thành Rất yêu thích khi nó đã đạt được mức Thành thạo.
Ví dụ: Một thanh niên trẻ Yêu thích sử dụng kỹ năng Lên kế hoạch. Tuy nhiên, do kinh nghiệm chưa có nhiều nên kỹ năng này mới đang ở mức Chưa thành thạo. Công việc của bạn ấy cũng đòi hỏi sử dụng kỹ năng này thường xuyên. Như vậy, nếu bạn ấy chịu khó luyện tập, học hỏi trong công việc để kỹ năng này trở thành mức độ Thành thạo thì Lên kế hoạch sẽ trở thành một kỹ năng Yêu thích/Thành thạo và nó sẽ tạo động lực cho bạn trong công việc, làm cho bạn thấy công việc rất đáng yêu và thoải mái.
Nhóm tổ hợp gồm các kỹ năng Không ưa thích/Chán ghét và Thành thạo/Rất thành thạo: Nhóm này đối lập với nhóm nói trên và được gọi là Nhóm kỹ năng làm mệt – Burn-out. Tình trạng này xảy ra tương đối thường xuyên trong quá trình đi làm. Khi các bạn làm được việc, bạn thường được giao phó làm việc này thường xuyên hơn, bất kể các bạn có thích hay không. Nếu không may, các các kỹ năng này là kỹ năng bạn Không ưa thích, thậm chí Rất ghét thì chính nó sẽ là thứ đưa bạn tới cảm giác mệt mỏi, chán ghét công việc
Ví dụ: Một bạn đang làm nghề kế toán. Kỹ năng sử dụng máy tính, các ứng dụng excel, word bạn sử dụng rất thành thạo, hiệu quả công việc rất tốt nhưng bạn lại rất ghét kỹ năng này. Đây cũng là kỹ năng bạn phải sử dụng trong 80% công việc của mình. Vậy thì đây chính là kỹ năng rơi vào nhóm Burn-out, làm cho bạn thấy mệt mỏi, không hứng thú với công việc của mình.
Vì chúng ta dành tới 1/3 thời gian trong ngày cho công việc nên tôi thực sự thấy đáng lo lắng nếu phần lớn các kỹ năng các bạn thường xuyên sử dụng rơi vào Nhóm Burn-out. Tôi muốn mời các bạn dừng lại và xem xét xem liệu mình có nên tiếp tục với công việc đó hay không hay có lựa chọn nào để khắc phục việc sử dụng thường xuyên kỹ năng này hay không?
Một công việc lý tưởng sẽ là một công việc sử dụng phần lớn các kỹ năng bạn vừa thích, vừa giỏi. Bạn sẽ thoải mái nhất để cống hiến và hiệu suất công việc cũng đạt được ở mức cao. Nó đem lại lợi ích cho cả bạn và cả công ty.
Vậy nên khi bạn bạn cảm thấy mệt mỏi với công việc, hãy nghĩ tới các Kỹ năng mình thường xuyên sử dụng trong công việc nhé! Nếu gặp chuyên gia, bạn có thể có cái nhìn toàn diện hơn về tất cả các kỹ năng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tự đánh giá bằng cách liệt kê những kỹ năng thường xuyên sử dụng nhất trong công việc của mình theo 2 chiều kích đã nói trên.
Chúc các bạn có một công việc như ý, hoặc tìm được đâu mới là công việc mình sẽ thấy thoải mái!
ThanhBình