Cô em họ tôi đang có đứa con tuổi teen. Thi thoảng lại thấy cô nhắn “Chị chị, cứu em với, em sắp điên”. Tôi mỉm cười, biết kẻ gây án là ai rồi.
Hôm rồi, cô nhắn tôi “Em với nó vừa cãi nhau, nó bướng lắm mà em không biết xử lý nó như thế nào”
- Tôi bình tĩnh hỏi: đầu đuôi thế nào?
- Nó đòi mời bạn đến nhà dự sinh nhật rồi ngủ qua đêm. Mà nó định mời tận 6 đứa. Nhà em thì chật. 6 đứa đến chắc em đau đầu chết mất
- Thế em bảo gì với nó?
- Em chỉ cho phép 3 đứa thôi, ồn lắm em không chịu được. Thế là nó khóc lóc, bỏ ăn vào trong phòng. Gọi không nói, hỏi không thưa. Em điên quá, vừa mắng cho nó một trận.
- Thế giờ nó thế nào rồi?
- Vẫn đang lì cái mặt ra đấy. Em biết tính nó rồi. Con này lì lắm!
- Thế em đã nói với con vì sao là 3 mà không phải là 4 hay 2 chưa? Liệu nó có cách gì để giảm bớt sự ồn ào này không?
- Em giải thích rồi mà nó không chịu nghe. Để nguôi nguôi rồi em sẽ nói chuyện lại với nó xem như thế nào
Bẵng đi mấy hôm, không thấy cô em trả lời. Tôi nhắn hỏi lại thì cô bảo: Nó chấp nhận bớt đi một đứa bạn rồi chị ạ. Nó bỏ đi con bé ầm ĩ nhất. Tâm lý cũng khá hơn rồi.
Tình huống này liệu đã từng xảy ra bao giờ ở nhà các bạn? Nếu là bạn thì bạn xử lý như thế nào? Còn tôi, khi đứng ở vị trí con trẻ hoặc chuyên gia thì thấy một số vấn đề sau:
1- Vấn đề 1:
- Mẹ nghĩ mình giải thích các lý do của mình rồi nhưng con không chịu nghe nên rất bực mình và cảm thấy con thật là lì lợm, bướng bỉnh.
- Con gái: con chưa hiểu vì sao mẹ lại bực bội với sự ồn ào vì với con, ồn ào là vui mà. Ở lớp bọn con đùa nhau suốt có sao đâu, thầy cô có ý kiến gì đâu mà sao mẹ lại không thoải mái
- Chuyên gia: mẹ đang áp đặt cảm giác của mình vào con mà chưa biết con có thực sự hiểu các lý do của mình không. Từ những bất đồng trong quá khứ, mẹ có thể đã có định kiến con là người bướng bỉnh. Điều này dẫn tới sự suy diễn và dán nhãn con “lì lợm, bướng bỉnh” thông qua 1 hành động nhỏ là không tuân thủ theo ý mình . Từ đó nảy sinh cảm giác vừa bực mình, vừa lo sợ con mình nhỡ thành đứa trẻ hư
2- Vấn đề 2:
- Mẹ thấy con khóc lóc, bỏ ăn thì thấy phản ứng của con là quá đáng, thậm chí hỗn láo
- Con gái: con đang không đạt được mong muốn của mình, nhất là vào ngày sinh nhật nên con cảm thấy thất vọng. Con cảm thấy mình không được hiểu, được yêu thương. Đấy là những người bạn thân mà con muốn có trong ngày vui của con, sao con lại không được phép mời bạn, sao con lại phải lựa chọn bớt bạn này hay bạn kia, con chả có quyền gì ngay cả trong ngày sinh nhật của mình à? Hiện giờ con đang buồn, con không muốn nói chuyện với ai cả và đặc biệt là không muốn nói về chuyện này.
- Chuyên gia: Mẹ chưa lắng nghe con đủ để hiểu mong muốn của con, chưa có sự đồng cảm với cảm xúc của con để thông cảm với con
3- Vấn đề 3:
- Mẹ: đã đưa ra một con số nhất định (3 bạn) vì mẹ chỉ chịu được tối đa là 3 đưa thôi và yêu cầu con phải tuân thủ
- Con gái: Nếu 6 là quá nhiều thì mấy là đủ? Con không hiểu vì sao lại là 3 mà không phải con số khác? Mẹ thấy như thế nào là ầm ĩ ở mức chịu đựng được?
- Chuyên gia: Mẹ có xu hướng cảm tính và áp đặt, chưa trao cho con quyền được tham gia thỏa thuận, cũng không tạo điều kiện tìm ra các lựa chọn khác nhau để con cân nhắc
4- Vấn đề 4:
- Mẹ: cuối cùng thì nó cũng chịu hiểu ra để cư xử tử tế hơn với mẹ.
- Con gái: giải quyết vấn đề ầm ĩ thì có gì ghê gớm đâu. Mình hoàn toàn có thể tìm ra phương án hợp lý nhất cho cả 2 mẹ con mà. Đơn giản là con sẽ chọn không mời một bạn ầm ĩ nhất để mẹ thấy thoải mái và đổi lại bữa tiệc “ngủ thân mật” rất tuyệt vời là xong thôi
- Chuyên gia: con đã có năng lực giải quyết vấn đề nhưng bố mẹ lại chưa cho cơ hội để thể hiện nên con cảm thấy không thoải mái. Con cũng rất chủ động và thiện chí hợp tác. Đây là điều đáng quý và lẽ ra bố mẹ cần nhìn nhận để tiếp cận với con ngay từ đầu để giải quyết vấn đề
Như vậy là có rất nhiều suy nghĩ đang diễn ra trong đầu của 2 mẹ con. Tuy nhiên, nó chưa được nói ra vì cuộc hội thoại bị đặt trong bối cảnh cả mẹ và con đều không bình tĩnh. Kết cục là 2 bên không hiểu nhau và không tìm được giải pháp hợp lý. Chỉ cần có 1 khoảng lặng, giải pháp sẽ tới.
Đề xuất: bố mẹ cần bình tĩnh khi tiếp nhận vấn đề, chia sẻ với con những điều mình thấy vướng mắc (sự ồn ào), cùng thảo luận với con xem phương án nào là hợp lý và ra quyết định với sự nhất trí của cả 2 bên. Trong quá trình trao đổi với con, hạn chế tối đa việc suy diễn vấn đề và định kiến, dán nhãn con. Điều này vừa giữ được hòa khí trong gia đình, vừa bồi đắp và trau dồi cho con năng lực thỏa thuận, đàm phán và tìm giải pháp. Đồng thời, con cũng sẽ có được sự tự tin ở bản thân khi ra quyết định, cảm nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ của bố mẹ.