Chủ đề Mất động lực học tập luôn là một chủ đề hot khi tôi nói chuyện với các Phụ huynh. Rất nhiều Phụ huynh trăn trở về nó và thậm chí, nó còn làm cho bố mẹ lo sợ hơn cả quan hệ không tốt đẹp với con cái. Tôi hoàn toàn chia sẻ điều này. Khi thấy con mình – nhất là các cô cậu tuổi Teen – không có động lực học tập, sống dật dờ ngày này qua ngày khác, làm mọi việc lấy lệ, đối phó, bố mẹ nào cũng cảm thấy buồn và lo lắng. Vậy vì sao các con lại bị rơi vào tình trạng này? Có thể do mấy nhóm nguyên nhân như sau:
1- Nhóm nguyên nhân bên trong:
- Sức khỏe: do các con thể lực yếu, việc học hành quá sức nên các con cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không có hứng thú
- Động lực tự thân: các con không biết học để làm gì, không thấy giá trị của việc học tập đối với cuộc sống, việc học quá dễ dàng, không có thách thức gì
- Tâm lý: con cảm thấy lo sợ, không tự tin, ngại ngần khi phải quyết định lựa chọn, con đang ở trong tâm trạng bất ổn, tâm lý không vui vẻ thoải mái, con băn khoăn khi vừa muốn làm hài lòng cha mẹ, vừa muốn thực hiện theo mong muốn của mình
2- Nhóm nguyên nhân bên ngoài:
- Tác nhân bạn bè: ở tuổi teen, mối quan hệ với bạn bè của các con rất phức tạp, có thể có yêu đương, cảm mến khiến tâm tư xao lãng, có thể do thấy thua kém bạn bè nên tự ti, áp lực
- Tác nhân cha mẹ: bố mẹ không cho quyền tự quyết hoặc can thiệp quá sâu vào các quyết định của con, bố mẹ định hướng các con tới các hoạt động bố mẹ cho là tốt nhưng con không hứng thú, con không muốn chia sẻ những khó khăn với bố mẹ do quan hệ với bố mẹ không tốt
- Tác nhân công nghệ: các con bị chi phối bởi các thiết bị điện tử, dành quá nhiều thời gian chơi game, chat chit với bạn bè
Vậy bố mẹ làm thế nào để xác định con thuộc nhóm nào và làm gì để cải thiện tình hình?
- Quan tâm đến sức khỏe tâm sinh lý của con: thường xuyên quan sát con trong tương tác với gia đình và với các bạn bên ngoài.
- Nếu con luôn tỏ ra mệt mỏi, uể oải: đây là dấu hiệu cho thấy sức khỏe sinh lý của con có thể có vấn đề. Con cần được thăm khám để kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề về sức khỏe
- Nếu con ở trường với bạn thì nhanh nhẹn, vui vẻ như sóc, về nhà lại yên ắng, trầm lặng hoặc ngược lại: có thể con đang gặp khó khăn ở một trong hai môi trường, hoặc quan hệ với bố mẹ, hoặc quan hệ với thầy cô bạn bè. Trường hợp này, bố mẹ cần cải thiện quan hệ nếu con gặp khó khăn với mình hoặc tìm hiểu vấn đề ở trường của con
- Nếu con tham gia hoạt động thể chất bình thường nhưng trầm lặng, ít chia sẻ với cả bố mẹ và bạn bè: có thể con đang gặp khó khăn trong giao tiếp, có những vấn đề tâm lý cần được giải tỏa
- Thiết lập quan hệ tốt với con thông qua các nguyên tắc TÔN TRỌNG – KHÔNG PHÁN XÉT – CỞI MỞ để tạo cơ hội cho con chia sẻ và mở lòng với mình, từ đó có thể hiểu và giúp đỡ được con
- Chủ động chia sẻ về các ước mơ, hành trình thực hiện ước mơ của mình, bao gồm cả những sai lầm, vấp ngã để giúp con tự tin khi bước tới trong hành trình học tập cũng như xây dựng ước mơ cuộc đời
- Giúp con xác định và khẳng định các điểm yếu, điểm mạnh và giá trị riêng biệt của bản thân thông qua trò chuyện, chia sẻ và trải nghiệm
- Tôn trọng các quyết định của con và cho con tự chịu trách nhiệm về các quyết định đó. Các con chưa quen ra quyết định vì bố mẹ đã giúp phần này lâu rồi có thể ngại ngần, đùn đẩy cho bố mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ cứ kiên trì động viên và cùng con thảo luận rồi để con ra quyết định. Từ từ các con sẽ quen và trở nên độc lập dần.
- Hạn chế giờ sử dụng các thiết bị điện tử với các nguyên tắc mà cả 2 bên cùng thỏa thuận, ở mức độ hợp lý với cả 2 bên để đảm bảo các mục tiêu học tập.
- Cùng con thảo luận về các ước mơ trong tương lai, khuyến khích con có các KOL có ảnh hưởng tốt trong xã hội, trong các lĩnh vực mà con quan tâm để con được truyền cảm hứng, truyền động lực
Chúc các bố mẹ thành công trong việc cùng con lấy lại động lực học tập. Nếu có khó khăn gì, đừng ngại ngần gặp các chuyên gia để được giúp đỡ, nhanh chóng cải thiện tình hình.