Như một thói quen, nhất là ở châu Á, người lớn luôn trầm trồ trước những đứa trẻ thông minh, sáng dạ. Trong trường học, trẻ thông minh, tiếp thu bài nhanh và dễ dàng lập tức trở nên nổi bật và thu hút sự quan tâm, cả về thái độ và nguồn lực của nhà trường. Tuy nhiên, những đứa trẻ được coi là Tài năng này có trở thành những người thành công hơn các bạn? Điều này thì chưa chắc.
Gần đây, một cô giáo đồng thời là nhà nghiên cứu tâm lý học có tiếng người Mỹ – Angela Duckworth đã đưa ra một công thức như sau:
Tài năng * Sự nỗ lực = Kỹ năng
Kỹ năng * Sự nỗ lực = Thành tựu
Công thức này được biết đến rộng rãi trên thế giới là GRIT Formula – Công thức bền chí.
Như vậy, để có thành tựu, Tài năng – cứ xem như tương đồng với Thông minh, sáng dạ chỉ đóng vai trò khởi đầu, trong khi đó, sự nỗ lực lại đóng vai trò quan trọng hơn nhiều, có thể coi là quan trọng gấp 2 lần Tài năng trong con đường đi đến thành tựu. Tất nhiên, từ thành tựu đến thành công, ta còn cần một chút may mắn nữa. Khi một người bền bỉ, nỗ lực đi theo mục tiêu trong một thời gian dài, bất chấp gặp các khó khăn, trở ngại thì được gọi là một người bền chí và quá trình đó dần dần hình thành sự Đam mê.
Như vậy, Đam mê cần thời gian trải nghiệm để hình thành chứ không phải chỉ là Thích cái gì đó hơn mức bình thường. Điều này cũng khiến cho chúng ta nhìn nhận rõ hơn khi ai đó hỏi: “Nên chọn nghề nghiệp theo khả năng hay theo đam mê?”. Chừng nào trẻ chưa có thời gian trải nghiệm và hình thành đam mê, câu hỏi này không có giá trị gì. Còn khi một người đã có đam mê thực sự để theo đuổi, đồng thời họ cũng sẽ biết khả năng của mình đến đâu và do đó, họ sẽ biết mình phải làm gì.
Quay trở lại chuyện con cái, với công thức này, các bậc cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy con em mình liệu có cơ hội thành công đến mức nào trong cuộc sống sau này. Điểm số ở trường chưa nói lên điều gì vì Công thức bền chí được cho là có giá trị hơn với những mục tiêu lớn và lâu dài.
Tôi gặp không ít các ông bố bà mẹ than phiền về việc con tôi lười, không có động lực làm gì, mau nản….Vậy có cách gì để nâng cao khả năng bền chí, sự nỗ lực của các con hay không? Liệu yếu tố này có ảnh hưởng bởi Gene hay không? Yếu tố bền chí được các nhà khoa học khẳng định có bị ảnh hưởng bởi Gene. Tuy nhiên, điều may mắn cho chúng ta, bền chí CÓ THỂ cải thiện được. Có một số cách dưới đây được các nhà khoa học cho rằng nó có thể giúp một người tăng Sự bền chí:
- Theo đuổi các sở thích
- Luyện tập, luyện tập và luyện tập
- Kết nối mục tiêu của mình với những mục tiêu cao cả hơn
- Vun trồng và gìn giữ hy vọng
- Hãy kết bạn với những người có tính bền chí
Vậy ở góc độ cha mẹ, chúng ta có thể làm gì tương ứng với những gợi ý này?
- Theo đuổi các sở thích: từ nhỏ, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con được trải nghiệm, va chạm, thử sức mình trong nhiều lĩnh vực để con khám phá các sở thích của mình. Có những bạn có sở thích dễ nhìn thấy và thể hiện trong cuộc sống như hát, múa, vẽ, đóng kịch…, nhưng cũng có những trẻ có sở thích khó hơn như: làm mộc, cơ khí, lãnh đạo, sáng tạo kịch bản…Trẻ càng được va chạm và trải nghiệm nhiều, sở thích của trẻ càng dễ được bộc lộ và trẻ có cơ hội so sánh mình thích cái gì hơn, cái gì mới là cái thực sự khiến mình có thể xem/chơi quên thời gian
- Luyện tập, luyện tập và luyện tập: khi trẻ còn nhỏ, chưa ý thức được việc luyện tập, các cha mẹ nên động viên, khuyến khích các con làm càng nhiều các tốt những việc các con tỏ ra thích thú. Chỉ khi chọn việc đúng sở thích, các con mới có hứng luyện tập, chơi đi chơi lại. Đối với các trẻ lớn hơn, đôi khi sự hứng thú khiến các con say mê quên cả thời gian. Đây là tín hiệu mừng nha các bố mẹ. Vậy nên bố mẹ đừng vội ngăn cản vì nghĩ rằng nó không cần thiết cho việc học tập, cho các mục tiêu hiện tại. Hãy cố gắng thỏa thuận cùng con thời gian biểu hợp lý để đảm bảo các công việc cho mục tiêu hiện tại, đồng thời cho con không gian, thời gian đủ để các con luyện tập những sở thích của mình và dần biến nó thành kỹ năng, rồi thành đam mê
- Kết nối mục tiêu của mình với những mục tiêu cao cả hơn: với các mục tiêu của các con, bố mẹ nên tìm cách gợi mở suy nghĩ cho con, xem mục tiêu của con bên cạnh việc giúp con thành công còn có thể giúp ai khác được không? Ví dụ: con mơ trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh, bố mẹ có thể giúp con nghĩ đến những đứa trẻ con sẽ thích thú như thế nào khi đọc những truyện tranh đẹp, nét vẽ hài hước, đáng yêu của con. Việc này mang lại cho các con động lực to lớn hơn do nhận thấy việc làm của mình ý nghĩa hơn, đồng thời tạo một sự cam kết vô hình với người khác và các con sẽ khó bỏ cuộc hơn.
- Vun trồng và gìn giữ hy vọng: Có nhiều con bỏ cuộc vì cảm thấy mình không đủ giỏi, không đủ tốt như các bạn dù chưa trải nghiệm đủ và chưa có cơ sở để kết luận. Bố mẹ hãy đồng hành cùng con, giúp con gỡ bỏ các niềm tin hạn chế về điều đó bằng cách động viên con từ những thành công nho nhỏ, giúp con lấy lại sự tự tin ở bản thân và bước tiếp.
- Hãy kết bạn với những người có tính bền chí: Nếu có thể, bố mẹ hãy tạo điều kiện cho con giao lưu với những người bền chí, tốt nhất là với các bạn cùng trang lứa. Không cần thúc ép, trẻ con sẽ có những tác động và sức ép tích cực khi ở cạnh những người bạn như thế này. Trẻ sẽ quan sát và học hỏi từ các bạn và tự mình nâng dần khả năng bền chí của bản thân.
Xây dựng tính bền chí đòi hỏi một thời gian lâu dài. Vậy nên, để nuôi dạy được những đứa trẻ bền chí, chúng ta cũng cần phải là những BỐ MẸ BỀN CHÍ, kiên định và bền bỉ theo đuổi mục tiêu dài hạn, bất chấp mọi khó khăn.