Các bố mẹ đã từng phải trải qua việc thức đêm cho con ăn lúc 2h sáng, đã phải chứng kiến khủng hoảng tuổi lên ba của con, những mùa hè dài với bao trò nghịch ngợm của trẻ nhưng tất cả đều không đáng sợ như giai đoạn con bước vào tuổi Teen? Vì sao vậy? Vì nó thực sự là một giai đoạn đầy hoang mang và biến động đối với nhiều gia đình. Tuy vậy, đây vẫn là giai đoạn được đánh giá là quan trọng và rất có giá trị với mỗi người vì nó nó giúp trẻ con phát triển thành những cá thể riêng biệt trong tương lai.
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu thử các “ngoại hình” và “phong cách sống” khác nhau để khám phá và nhận dạng bản thân. Điều này có thể dẫn đến các xung đột với cha mẹ vì sự khác biệt và thay đổi của con diễn ra quá nhanh.
Mục tiêu chính của giai đoạn này là đạt được sự độc lập. Để làm được điều này, thanh thiếu niên phải bắt đầu rời xa cha mẹ của mình. Do vậy, bố mẹ có thể cảm giác như con mình luôn cố tình gây sự và không muốn ở bên cạnh họ như trước đây.
Các bố mẹ cũng cần phải xem xét kỹ khoảng không gian mà bạn cho con mình để trở thành một cá nhân trưởng thành và tự hỏi bản thân những câu hỏi như: “Tôi có phải là bậc cha mẹ kiểm soát con không?”, “Tôi có lắng nghe con mình không?” và “Tôi có cho phép con bày tỏ ý kiến và quan điểm, thị hiếu khác mình không?”
Giai đoạn này thường diễn ra trong vài năm và sau đây là 1 số mẹo để sống sót an toàn qua giai đoạn này:
- Tự giáo dục bản thân: Giai đoạn này, cha mẹ nên tìm đọc các tài liệu, xem video về tuổi teen để nhớ lại tuổi teen của mình, nhớ lại những khó khăn mình đã từng đối mặt. Càng hiểu hơn về giai đoạn phát triển của độ tuổi này, bạn càng sẵn sàng hơn trong việc giúp đỡ con
- Nói chuyện với con sớm và thường xuyên: Nên tạo mối quan hệ hữu hảo và nói chuyện với con từ trước khi tuổi teen càng sớm càng tốt để mở đường cho các kết nối sau này. Bạn có thể giúp con chuẩn bị trước hoặc đón nhận những thay đổi của cơ thể, của tâm tính một cách bình tĩnh và thoải mái nhất. Chia sẻ với con các kinh nghiệm của mình thời niên thiếu sẽ giúp đứa trẻ coảm thấy bớt bối rối hơn khi nó không đơn độc, không phải là người duy nhất trải qua những khó khăn này
- Đặt mình vào địa vị của trẻ: hãy thực hành đồng cảm với con bằng cách chia sẻ với con những nỗi lo lắng, trấn an con rằng những điều đó là hoàn toàn bình thường. Con có thể rất trưởng thành như một người lớn ở mặt này và cũng có thể vẫn trẻ con ở 1 góc độ khác.
- Chọn chủ đề để tranh luận: ở tuổi này, con muốn thay đổi rất nhiều thứ. Tuy nhiên, cha mẹ cần cân nhắc khi cản trở con làm điều gì đó. Nếu chỉ là nhuộm tóc, mặc quần áo dị hay cắt một kiểu đầu khác thường, tốt hơn hết là cho qua vì bạn còn cần để năng lượng cho trận chiến khác. Trận chiến phản đối những thứ thực sự quan trọng như ma túy, thuốc lá, cờ bạc hay những thứ thay đổi vĩnh viễn ngoại hình của con. Hãy bình tĩnh hỏi con cảm thấy như thế nào về các quyết định thay đổi tóc, sơn móng tay, xăm mình… để hiểu được thực sự con muốn gì và cùng thảo luận xem liệu con có đạt được những điều đó nếu làm việc đó không. Trẻ sẽ là người đưa ra những quyết định sau những cuộc nói chuyện chân tình và thẳng thắn
- Xác định mức độ kỳ vọng hợp lý: teen có thể không vui khi bố mẹ đặt ra những kỳ vọng và mong mình đạt được. Tuy nhiên, trẻ cũng hiểu được bố mẹ đã đầu tư, quan tâm như thế nào và do vậy sẽ có những mong đợi nhất định về điểm số, về thái độ với mọi người và việc tuân thủ những luật lệ của gia đình. Vậy nên nếu những kỳ vọng ở mức độ hợp lý, chấp nhận được, teen cũng sẽ cố gắng hoàn thành.
- Giữ thông tin hai chiều giữa bố mẹ và con cái:
- Giai đoạn này là giai đoạn thử nghiệm của teen nên không tránh khỏi những nguy cơ. Bạn hãy chia sẻ, thảo luận cởi mở với con về các chủ đề nhạy cảm như tình dục, ma túy, quan điểm của bạn về những việc này, về các giá trị gia đình để teen hiểu rõ lý do vì sao phải cân nhắc kỹ khi gặp những tình huống này
- Nên kết nối với cha mẹ của bạn con, tạo thành 1 nhóm nhằm nắm bắt thông tin của teen mà không làm cho teen có cảm giác bị theo dõi
- Quan sát các dấu hiệu thay đổi: nếu con thay đổi ít hoặc cắc bụp thì đó là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, nếu những thay đổi lớn, lại kéo dài thì cha mẹ cần chú ý vì nó là các dấu hiệu đáng lo ngại: tăng hoặc giảm cân quá mức, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ trong tính cách, thay đổi đột ngột về bạn bè, trốn học thường xuyên, tụt hạng, nói chuyện hoặc thậm chí nói đùa về việc tự tử, dấu hiệu của việc sử dụng thuốc lá, rượu hoặc ma túy, tuân thủ luật pháp. Bất kỳ hành vi không phù hợp nào khác kéo dài hơn 6 tuần cũng có thể là dấu hiệu của rắc rối tiềm ẩn và có thể cần sự can thiệp của các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý
- Tôn trọng quyền riêng tư: một số bậc cha mẹ có thể sẽ khó khăn khi thực hiện việc này. Họ có thể cảm thấy rằng bất cứ điều gì con họ làm là việc của họ. Nhưng để giúp con bạn trưởng thành, bạn phải chấp nhận cho con một số quyền riêng tư. Hãy bắt đầu việc thỏa thuận quyền riêng tư với con bằng sự tin tưởng. Nếu con không thực hiện theo thỏa thuận, con sẽ phải chấp nhận có ít quyền riêng tư hơn.
- Kiểm soát các nội dung đọc và xem của trẻ: khi cho trẻ truy cập internet, mọi thông tin đều cần được minh bạch. Bạn cũng nên sử dụng công nghệ để hạn chế thời gian sử dụng màn hình và sử dụng Internet để trẻ có nhiều thời gian tương tác ngoài đời thực hơn
- Đưa ra những luật lệ phù hợp: vì trẻ đã lớn nên các luật lệ nên phù hợp, linh hoạt để tạo cho trẻ sự thoải mái
Bố mẹ có thể hơi lo sợ vì không biết bao giờ giai đoạn này mới qua đi. Tuy nhiên, bạn cứ yên tâm, nó chỉ diễn ra trong 2-3 năm thôi vì khi bước sang tuổi vị thành niên (16-18 tuổi), bạn sẽ thấy tiến trình phát triển này chậm dần lại. Con sẽ trở nên trưởng thành và độc lập khi 18 tuổi.
Hãy nhớ nguyên tắc đồng hành nhé: Chúng ta – bố mẹ và con cái – cùng nhau vượt qua điều này, và chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua nó – CÙNG NHAU!
(Lược dịch từ nguồn: https://kidshealth.org/en/parents/adolescence.html)