Tôi đã định chẳng viết gì vì còn đang bận giúp con tôi đang là nạn nhân của vấn nạn này nhưng thôi, lại viết vài dòng vậy, cho ai đang có con ở tuổi đến trường. Phần lớn cư dân mạng đang nhảy vào mắng thầy cô, chửi Bộ trưởng. Ừ thì cũng là một phần trách nhiệm của họ nhưng với tư cách là phụ huynh có con bị bắt nạt, tôi nghĩ các phụ huynh hãy quay về nhà mình và giúp con cái mình trước đã.
Những vị phụ huynh có con mạnh mẽ, chủ động, tự tin: xin chúc mừng các vị vì con các vị chẳng bao giờ là nạn nhân. Nhưng liệu, đã bao giờ các vị tự hỏi con mình có đang là “hung thủ”? Các vị đã bao giờ nghe thấy con mình đi học về chê bạn này lơ ngơ, bạn kia đần đụt, bạn nọ “ngu vãi”, bạn nào đó “hãm” chưa? Nếu có thì hãy cẩn thận! Rất có thể các cháu ấy đang bắt nạt bạn mà các vị không biết. Các cháu thì ngây thơ lắm, chỉ biết tỏ ra buồn cười và nghĩ trêu chọc các bạn hiền lành, yếu đuối là vui thôi mà. Nhưng bố mẹ các cháu thì nên hiểu rằng, những trò đùa như thế có thể để lại tổn thương tâm lý cho con người khác đấy! Đừng tưởng đánh đập mới là bạo lực mà chê bai, miệt thị, cô lập bạn cũng là bạo lực học đường đó thưa quý vị, nó đang tra tấn tâm lý của người khác. Hãy làm gì đó đi để chắc chắn con mình không bao giờ là “hung thủ”! Vẫn biết chẳng ai dạy con bắt nạt bạn, nhưng hãy dạy cả con biết yêu thương và tôn trọng những sự khác biệt nữa nhé!
Còn những vị phụ huynh có con là nạn nhân, đừng ngồi đó mà chờ đợi thầy cô, nhà trường với Bộ trưởng giúp. Hãy sát cánh bên con và chia sẻ các cảm xúc với các bạn ấy. Đừng đòi hỏi con phải “mạnh mẽ lên”, “kệ các bạn” vì “đời còn nhiều chuyện khó chịu hơn thế!”… Đừng bắt con không được yếu đuối, không được nhạy cảm, không được thế này thế khác vì đấy là cảm xúc thực của con và đã là cảm xúc thì luôn cần được trân trọng. Tôi cũng chẳng trông mong gì trời cứu ngoài việc tự cứu con mình nên hàng ngày phải chia sẻ, phải chuyện trò, phải nắm bắt diễn biến tâm lý, củng cố cho con các giá trị của bản thân mình và thậm chí, phải dậy cả cách xử lý vấn đề với “hung thủ” và trong những trường hợp nhất định, có thể cho con giải pháp chuyển môi trường. Dù ở độ tuổi 12-13, các con luôn coi đánh giá của bạn bè là cực kỳ quan trọng nhưng trong trường hợp bị bắt nạt, không có bạn để chia sẻ, thì bố mẹ và thầy cô chính là người có thể đồng hành và động viên, giúp con lấy lại sự thoải mái và tự tin hơn vào bản thân mình. Con sẽ dần dần hình thành được cơ chế tự vệ và rút ra cho mình những bài học riêng. Lúc ấy, tôi tin là con sẽ đương đầu được với nhiều thử thách khác, có khi là tốt hơn nhiều so với các bạn tưởng là mạnh mẽ.
Nhà trường có thể có 1001 hoạt động phòng chống bạo lực học đường, nhưng con lại chỉ có 1 con đường thoát ra khỏi tình trạng bị bắt nạt, đó là trưởng thành và tự tin ở bản thân. Chuyện đó chẳng thế làm được nếu không có sự trợ giúp của bố mẹ. Vậy nên đừng yêu cầu Bộ trưởng với cô giáo làm gì nhiều, hãy bắt đầu ngay từ chính gia đình mình, tất cả các vị Phụ huynh yêu quý ạ!