Gần đây mới biết mình cung Cự giải, thích sự ổn định và thoải mái nhưng vẫn luôn tìm những cuộc phiêu lưu mới mẻ. Có lẽ đây là lý giải hợp lý nhất cho việc mình thích đọc thể loại truyện ký. Muốn ngồi nhà giữ ngọn lửa hồng trong góc bếp xinh của mình, nhưng lại muốn mượn chân người khác đi khám phá con người và cảnh vật ở những vùng đất lạ.
Mình chọn Đường về nhà vì tưởng nó là thể loại ký. Hóa ra không hẳn. Cũng là một câu chuyện kể về hành trình đạp xe từ Bắc Kinh về Hà nội của một bạn gái nhỏ, nhưng truyện chủ yếu…. không tả cảnh.
Điểm lạ đầu tiên trong tác phẩm này là tác giả không phải người thực hiện chuyến đi. Nhân vật chính là một du học sinh Trung Quốc, vì không có điều kiện kinh tế để mua vé máy bay hay tàu nằm, cộng thêm niềm đam mê đạp xe mà quyết định đạp từ Bắc Kinh về Hà nội ăn Tết. Quãng đường dự kiến là 3000km. Trong khi đó, tác giả là một nhà báo trẻ, vô tình biết được chuyến đi trên web đã làm cả trăm cuộc phỏng vấn nhân vật để viết được ra cuốn sách này. Mình đánh giá cao bạn nhà báo vì sự tận tụy với nghề và những con chữ bạn viết ra khá chân thực, cảm giác như bạn là nhân vật chính chứ không phải đang dựa trên những ghi chép từ chuyến đi của người khác.
Điểm lạ nữa là ngoài những tên địa danh, sách rất hiếm đoạn tả danh lam thắng cảnh mà chủ yếu kể về những con người, số phận bạn gặp trên đường. Cảnh vật xung quanh cũng là những thứ rất đời thường, không hào nhoáng, màu mè. Có những ngày mưa rả rích thối đất thối cát. Có những ngày lạnh tê tái đến nỗi mỗi hơi thở đều rút đi một ít sinh khí trong người. Những vùng đất đi qua đều là những cảnh làng quê hoặc tỉnh lẻ có nhiều phần quen thuộc, giống với những cảnh ta dễ dàng bắt gặp ở Việt nam.
Phần lớn những đêm nghỉ của Xu – nhân vật chính là ở nhờ tại nhà của những người quen biết trên mạng, trong cộng đồng Couchsurfing phiên bản Trung Quốc. Có những người có thể coi là bạn, có những người mới lần đầu gặp, chỉ là quen biết bắc cầu. Và bạn ấy đã an toàn – theo mọi nghĩa – để về đến Hà nội. Những người cho ngủ nhờ có hoàn cảnh vô cùng đa dạng. Có người đã từng đi phượt như Xu, có người chưa từng bước ra khỏi lũy tre làng. Có người có căn nhà đàng hoàng, song cũng có những lúc Xu phải ngủ trong những căn phòng chật hẹp, thiếu thốn nhiều tiện nghi. Điều này khiến cho chính mẹ Xu cũng đã phải thốt lên “Không phải người Trung Quốc nào cũng xấu”. Thực ra mình nghĩ, ở đâu cũng không thiếu người tốt. Và hành trình của Xu thực sự là một hành trình của niềm tin.
Truyện (hay là ký sự nhỉ?) hoàn toàn ko có cao trào. Nó như một cuốn phim tài liệu bình dị, trải theo những vòng xe của Xu. Không có cướp giết hiếp, không có kịch tính đe dọa tính mạng, cũng không có tình tiết gây hài. Nó cứ miên man như chính tâm hồn phiêu du của Xu lúc bạn đạp xe. Xu bảo bạn yêu thích những lúc đạp xe vì nó mang lại cho bạn cảm giác tự do phóng khoáng. Mình cũng thích được thả hồn theo những câu chuyện đời thường, vụn vặt bạn gặp trong hành trình, mỗi đêm là 1-2 chương. Nhiều khi là sự ngân nga về những món ăn gặp dọc đường, có khi là những câu chuyện về phong tục tập quán của một vùng đất, có lúc lại là những ký ức buồn vui về một quá khứ nghèo khó của bạn ở Nam Định.
Xu kết thúc hành trình 3.395km tại Mỹ Đình, sau 30 ngày đạp xe, trong sự chào đón hân hoan của bạn bè, người thân. Chuyến đi có thể gây tiếng vang đâu đó trên báo chí, truyền thông trong 1 giai đoạn ngắn nhưng có lẽ nó để lại trong bản thân Xu một trải nghiệm không bao giờ quên. Trải nghiệm đo sức chịu đựng của bản thân và từ đó, có lẽ chả có điều gì có thể cản được bước chân bạn trên con đường đời sau này.
Mình đánh giá cuốn này sẽ khá kén độc giả. Có lẽ phải không ghét Trung Quốc và đủ ưa thích tìm hiểu về văn hóa mới đủ kiên nhẫn đọc hết. Không biết phải recommend cho ai và chống chỉ định với ai nhưng cá nhân mình thấy thích. Cho dù biết bản thân không bao giờ làm được điều này, nhưng mình đọc xong cứ thấy vui vì tự dưng cảm giác có niềm tin ở cuộc sống, tin ở những điều tốt đẹp trong một xã hội quá nhiều hiểm nguy và cạm bẫy, tin ở khả năng thích ứng kỳ diệu của con người.